Kiểm soát chặt chẽ lợn nhiễm dịch

GD&TĐ - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại 13 tỉnh, thành trên cả nước. Mặc dù không lây bệnh trực tiếp sang người, nhưng với tâm lý lo lắng khá nhiều bà nội trợ tỏ ra e dè với thịt lợn trong thực đơn hàng ngày. 

Dịch bệnh khiến các quầy hàng bán chậm hơn trước
Dịch bệnh khiến các quầy hàng bán chậm hơn trước

Vấn đề ngăn chặn phòng dịch, bảo đảm sức khỏe cho người dân phải được đặt lên hàng đầu.

E ngại

Vài tuần trở lại đây, các quầy thịt lợn trong các khu chợ thưa thớt hẳn. Chị Hà bán thịt tại chợ Văn Quán, Hà Đông (Hà Nội) cho biết: DTLCP bùng phát khiến cho người dân hạn chế mua thịt lợn.

Nếu trước Tết, đến buổi trưa tôi có thể bán hết nguyên cả một con lợn thì hiện tại chỉ dám lấy nửa con để bán, nhưng cũng có khi còn hàng đến tận chiều. Nhiều khách hàng nói rằng, họ chuyển sang ăn gà với cá.

Người mua e ngại là phải nhưng đến mức tẩy chay với thịt lợn thì không nên. Bởi những người buôn bán cố định như chúng tôi không dại gì mà mua thịt lợn ốm. Bản thân Nhà nước cũng đã có chính sách hỗ trợ cho những người chăn nuôi rồi. Hơn nữa những người như chúng tôi hàng ngày phải tiếp xúc với thịt lợn, chúng tôi cũng phải biết bảo vệ sức khỏe của mình nên không ham mua rẻ mà rước họa vào thân.

Tuy nhiên, khi được hỏi về việc có biết những dấu hiệu về DTLCP không, đa phần những người kinh doanh mặt hàng thịt lợn này cho biết “cũng không rõ lắm”. Thậm chí, bản thân họ cũng không được các nhân viên kiểm dịch thú y chia sẻ thông tin về việc làm sao phân biệt giữa lợn lành và lợn bị nhiễm dịch.

Chủ quầy thịt lợn ở một chợ dân sinh trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Hàng ngày tôi vẫn chọn mua lợn tại những hộ kinh doanh quen, cứ nhìn lợn khỏe theo kinh nghiệm thì mua thôi chứ không có giấy kiểm dịch gì cả. Mà khách quen của tôi vẫn tới mua hàng ngày, tuy đợt này bán có chậm hơn”.

Giữ gìn vệ sinh môi trường

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Để bảo vệ sức khỏe của người dân khi dịch bệnh đang diễn ra, vấn đề phát hiện, tiêu hủy và giữ gìn vệ sinh môi trường rất quan trọng.

Sở Y tế Hà Nội đã kết hợp với các sở, ban, ngành để cùng khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh tránh lây lan ra các vùng lân cận, cũng như tiêu hủy lợn mắc bệnh theo đúng quy định. Bệnh dịch này nguy hiểm vì gần như 100% lợn mắc dịch đều chết, thế nên rất thiệt hại tới những người chăn nuôi.

Nhưng, nếu người dân tẩy chay không ăn thịt lợn ngay cả lợn không nhiễm bệnh, sẽ ảnh hưởng lớn tới vấn đề phát triển kinh tế chăn nuôi.

Lợn bị nhiễm DTLCP có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai trông giống như vết muỗi đốt. Bốn chân, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh. Khi mổ ra, lợn có dịch lẫn máu ở bụng và khoang ngực. Toàn bộ nội tạng, cơ thể đều xuất huyết, lá lách phình to, hạch bạch huyết lớn, phổi không bị xẹp, khí quản dính máu, chứa nhiều bọt, thận xuất huyết, niêm mạc dạ dày loét, ruột tắc và chứa máu. Nếu thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, phần bì lấm chấm xuất huyết, tai lợn bị tím, khi chạm tay thấy chảy nhớt, rỉ nước... thì là thịt ôi hoặc thịt lợn mắc bệnh. Thịt lợn khỏe mạnh có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, da không có các đốm hay các vết khác thường, ngón tay ấn vào không bị lõm hay rỉ nước. Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế 

Để đảm bảo sức khỏe, người tiêu dùng cần chọn mua thịt lợn sạch tại những địa chỉ tin cậy, rõ nguồn gốc xuất xứ và được kiểm dịch. Các trường học cũng không nên vì bệnh dịch mà loại bỏ thịt ra khỏi bữa ăn của học sinh.

Nguyên tắc là bất cứ sản phẩm nào cũng phải nấu chín và quá trình nấu phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Để đề phòng dịch bệnh lây lan, Sở Y tế Hà Nội đã có chỉ đạo: Các trung tâm y tế, các trạm y tế phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành hữu quan đặc biệt là chi cục thú y và các cơ quan chính quyền tại các quận huyện, kịp thời tuyên truyền dịch tới người dân, cũng như hướng dẫn người dân ăn uống khoa học, hợp vệ sinh.

Song song với đó, công tác xử lý môi trường nhất là ở những cơ sở chăn nuôi tập trung và nhỏ lẻ phải được thực hiện rốt ráo. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã yêu cầu các quận huyện phối hợp với lực lượng thú y giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Quán triệt không vứt xác súc vật bừa bãi, phải tiêu hủy theo đúng quy định, tránh gây ô nhiễm ra môi trường xung quanh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ