Kiểm định chương trình đào tạo bởi các tổ chức quốc tế: Lối ra hội nhập cho giáo dục đại học

GD&TĐ - Cho đến nay, đã có 7 trường ĐH, 132 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài và được công nhận theo tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục bởi các tổ chức kiểm định quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, nhiều trường ĐH vẫn loay hoay với các câu hỏi như chọn tổ chức kiểm định nào, nên kiểm định cấp chương trình đào tạo hay cấp cơ sở giáo dục? 

Đoàn kiểm định AUN khảo sát phòng thí nghiệm khoa Điện – Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.
Đoàn kiểm định AUN khảo sát phòng thí nghiệm khoa Điện – Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tuấn - Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng, trường có 9 chương trình đào tạo (CTĐT) được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chí chuẩn AUN – QA (chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á). Ngoài ra, nhà trường còn có 3 CTĐT đã được công nhận đạt chuẩn châu Âu của CTI. Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cần xây dựng lộ trình tiếp cận với các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định quốc tế như ABET, AUN - QA… với những bước đi khả thi nhất.

“Nhà trường đẩy mạnh việc bồi dưỡng chuyên môn công tác đảm bảo chất lượng như cử CBQL và giảng viên ra nước ngoài tham gia tập huấn AUN - QA, CDIO, đổi mới chính sách....; tham gia các dự án quốc tế trong nước như Dự án Chương trình tiên tiến, PFIEV của Bộ GD&ĐT; Dự án HEEAP, VULII, BUILD-IT của ASU và USAID… Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức tập huấn nội bộ tại trường về kỹ năng tự đánh giá cách cải tiến và công tác tổ chức đánh giá ngoài” - PGS.TS Phạm Văn Tuấn cho biết.

PGS.TS Phạm Văn Tuấn – Trưởng phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng GD, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng.

Từ kinh nghiệm của 3 CTĐT của hệ đào tạo kỹ sư Việt - Pháp PFIEV đã được kiểm định và công nhận theo tiêu chuẩn châu Âu EUR - ACE bởi tổ chức kiểm định độc lập CTI (Commission des Titres d’Ingénieur) của Pháp tiếp tục công nhận đạt chuẩn giai đoạn 2017 – 2020, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã đầu tư nguồn lực lớn cho công tác cải tiến rà soát, phát triển CTĐT; tổ chức hoạt động đào tạo; cải thiện chất lượng CSVC và hệ thống trang thiết bị thực hành thí nghiệm; hợp tác với các bên liên quan, đặc biệt là nhà sử dụng lao động, doanh nghiệp và cựu SV để phát triển đào tạo, NCKH và phục vụ cộng đồng.

PGS.TS Phạm Văn Tuấn cho biết thêm: “Khó khăn lớn nhất là văn hóa chất lượng chưa được hình thành đồng đều từ cấp quản lý chức năng cho đến quản lý chuyên môn, đến đội ngũ CBVC và người học”. Chính vì vậy, theo kinh nghiệm của ông Tuấn thì các cơ sở giáo dục đại học cần có chiến lược, chính sách, triển khai theo lộ trình và cần thời gian để hình thành.

Thực tế, các cơ sở GDĐH gần như chủ yếu tập trung cho công tác đánh giá ngoài và kiểm định chất lượng cơ sở đào tạo chứ chưa chú trọng đến kiểm định CTĐT. Về vấn đề này, PGS.TS Phạm Văn Tuấn cho rằng, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT thì tất cả cơ sở GDĐH cần đăng ký KĐCL trường và có tối thiểu 10% CTĐT được KĐCL đến năm 2020.

“Đối với KĐCL thì đây là công tác đòi hỏi sự huy động và đầu tư nguồn lực tổng thể do đó hầu hết các trường ĐH phải ưu tiên KĐCL trường trước, sau đó mới triển khai KĐCL CTĐT. Đây cũng là bước chuẩn bị tốt hơn cho hoạt động KĐCL CTĐT. Bộ tiêu chuẩn KĐCL cấp CTĐT hiện hành theo TT 04/2016 dựa rất nhiều vào các quy định và quy trình ĐBCL các mặt hoạt động do nhà trường quy định để tổ chức triển khai CTĐT bởi khoa và bộ môn” – Trưởng phòng Khảo thí và ĐBCL Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng khẳng định.

Theo đánh giá của PGS.TS Phạm Văn Tuấn thì kết quả kiểm định khẳng định vị thế, uy tín của nhà trường không chỉ trong nước mà trên quốc tế. “Nhà trường xác định việc đạt được tiêu chuẩn chất lượng trong đợt đánh giá lần này chỉ là bước khởi đầu, không phải là đích đến cuối cùng vì hoạt động bảo đảm chất lượng là một quá trình cải tiến liên tục. Từ các khuyến nghị của đánh giá ngoài cơ sở giáo dục bởi Trung tâm KĐCL - ĐHQG Hà Nội, Tổ chức HCERES của CH Pháp, Tổ chức

AUN-QA của Mạng lưới các Trường ĐH ASEAN, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng đã và đang: Phát triển hệ thống ĐBCL bên trong theo khung bảo đảm chất lượng ASEAN và hướng dẫn của Tiêu chuẩn AUN-QA; cải tiến toàn bộ CTĐT CLC đại học theo tư duy thiết kế, phát triển. Cụ thể: CTĐT được thiết kế lại với số tín chỉ là 120 tín chỉ, thời gian đào tạo rút xuống còn 4 năm” - ông Tuấn cho biết.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tuấn, Trường ĐH Bách khoa đã thiết kế lại chương trình dạy học cũng như tổ chức lại các hoạt động dạy học. Trong đó, với chương trình dạy học phải có tính tích hợp, đáp ứng Tiêu chuẩn 3 CDIO, trong đó các học phần có sự hỗ trợ lẫn nhau, với một kế hoạch rõ ràng để kết hợp việc học kiến thức và đồng thời rèn luyện các kỹ năng, thái độ cho SV.

Chương trình dạy học có học phần Nhập môn ngành kỹ thuật (đáp ứng Tiêu chuẩn 4 CDIO); Khung chương trình dạy học được đối sánh với tiêu chuẩn kiểm định chất lượng (Tiêu chuẩn 5 ABET) và các CTĐT quốc tế tiên tiến. Các chuẩn đầu ra của CTĐT được chuyển tải một cách có hệ thống thành các chuẩn đầu ra trong từng học phần (course), từng hoạt động học tập (learing activity) để bảo đảm SV khi tốt nghiệp đạt được các chuẩn đầu ra của cả CTĐT.

Với hoạt động dạy - học, nhà trường triển khai các mô hình học tập dựa trên dự án thông qua: Các dự án liên môn (PBL) tại mỗi học kỳ, bắt đầu từ học kỳ 3 - 7. Riêng với thực tập tốt nghiệp, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng tổ chức khóa luận tốt nghiệp qua mô hình Capstone Project. Nhà trường cũng chủ trương tăng cường bồi dưỡng kỹ năng cá nhân, kỹ năng giao tiếp, năng lực tiếng Anh: Bằng cách tích hợp, lồng ghép vào quá trình dạy học các học phần; thông qua các khóa học tăng cường tiếng Anh; thông qua các chương trình, hoạt động ngoại khóa…

“Xét theo tiêu chuẩn tiêu chí thì mỗi cơ sở GDĐH có điểm mạnh và tồn tại riêng. Về bản chất thì chỉ có cơ sở GDĐH hay khoa phụ trách CTĐT mới hiểu rõ nhất những tồn tại. Và chất lượng của sự cải tiến những tồn tại đó không ai khác do chính cơ sở GDĐH hay khoa phụ trách CTĐT đó quyết định. Vai trò của tư vấn chỉ nhằm hỗ trợ, chia sẻ về kinh nghiệm trong nước và quốc tế để nhà trường có thể tham khảo, chọn lựa cách cải tiến hiệu quả hơn trong một nguồn lực cho phép”. PGS.TS Phạm Văn Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.