Kiểm điểm, phê bình Viện trưởng Báo chí xung quanh vụ ‘nhà báo quốc tế’

Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, Học viện đã kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc Viện trưởng Viện Báo chí về những lình xình liên quan "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn trái nguyên tắc, không xin ý kiến đảng ủy, ban giám đốc.

Kiểm điểm, phê bình Viện trưởng Báo chí xung quanh vụ ‘nhà báo quốc tế’
Trang bìa Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế

Trang bìa Tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế.

Thông tin trên vừa được PGS.TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền xác nhận với Tiền Phong ngày 21/5.

Theo ông Nam, sau mấy ngày làm việc, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đã kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc Viện trưởng Viện Báo chí PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng về việc làm thủ tục đề xuất đưa ông Lê Hoàng Anh Tuấn trở thành hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trái nguyên tắc, không xin ý kiến đảng ủy, ban giám đốc.

Việc đưa ông Tuấn về thỉnh giảng cũng chưa được tìm hiểu kỹ, thấu đáo nên hiệu quả không cao, nhất là ông này không chính danh.

"Chuyện nhầm cũng có thể thông cảm vì mỗi năm bên Học viện mời hàng trăm nhà báo về thỉnh giảng, cũng may trường hợp ông Tuấn nhanh chóng bị hủy bỏ", ông Nam nói.

Đối với tờ tạp chí Chống tham nhũng và Hợp tác quốc tế của ông Tuấn, theo ông Nam, ở bên Séc, các tổ chức dân sự thành lập một tờ báo, tạp chí rất dễ dàng. Tuy nhiên, tờ tạp chí của ông Tuấn không phải là tạp chí khoa học.

“Theo PGS.TS Đỗ Thu Hằng giải trình thì Tạp chí Chống tham nhũng chỉ xuất bản ở Cộng hòa Czech duy nhất một số và được lưu ở thư viện. Tuy nhiên, từ số thứ 2, 3... trở đi, tạp chí này hoàn toàn không xuất bản mà được làm giả bằng cách rất đơn giản do "nhà báo quốc tế" photo, chế bản tại... Việt Nam”, ông Nam cho hay.

Trước đó, khi PV Tiền Phong gửi email hỏi Thư viện quốc gia Séc đã được hồi âm: “Tạp chí này được ký gửi vào kho của thư viện, chứ không phải để đọc”.

Ngày 17/5, Vondráková Sona - người phụ trách dịch vụ tham khảo, tra cứu liên thư viện, thư viện quốc gia Séc, email: “Lưu chiểu được thực hiện đối với các ấn phẩm in tại Séc, viết về Séc hoặc do tác giả người Séc viết ra. Theo quy định mỗi số báo nộp vào kho lưu chiểu 1 bản và được cất giữ trong kho của thư viện”. Như vậy thư viện không duyệt mua tạp chí này, không liệt kê tạp chí trong danh mục tham khảo, không trưng bày tạp chí trong phòng mượn cũng như phòng đọc.

Theo danh sách 13 số xuất bản của tạp chí gửi tại thư viện quốc gia Séc có rất nhiều PGS.TS của Viện Báo chí (thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền), Học viện Cảnh sát Nhân dân, Học viện Ngoại giao...gửi và được đăng bài ở đây.

Bàn về vấn đề này, ông Nam cho biết, phía PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng báo cáo như ở trên, tức chỉ xuất bản duy nhất một số. Các số sau được làm giả, và các thầy cô gửi bài đã bị lừa.

Cũng theo Giám đốc Học viện Trương Ngọc Nam, thông thường các bài báo quốc tế như vậy để được đăng trên các tạp chí uy tín, chuẩn chỉ, để được thông qua các hội đồng và xuất bản sẽ phải mất chi phí không dưới 2.000 EURO (nhiều giảng viên có bài đăng tạp chí khoa học quốc tế cho rằng không mất chi phí-PV).

Nhưng các bài báo mà các giảng viên được đăng trên tạp chí giả này hầu như không mất chi phí gì đáng kể, chỉ là ngoại giao, mời nhau, chiêu đãi nhau. 

Trên tạp chí này, riêng PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng có 4 bài đăng (thực tế là 5 bài - PV) và ba giảng viên báo chí khác mỗi người được đăng 1 bài. Anh em cũng nghi ngờ vì thủ tục đăng quá dễ dãi, nhưng khi nhận bản in thì thấy bài báo cũng chuẩn chỉ, đúng form, được dịch ra tiếng Anh... ", ông Nam nói.

Theo thầy Nam, các thầy cô chỉ gửi bản thảo tiếng Việt, còn việc dịch sang tiếng Anh thì "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn "nhận làm tất".

Theo ông Nam, chủ trương mới của Bộ GD-ĐT đặt ra là người hướng dẫn khoa học và ngay cả nghiên cứu sinh cũng phải có bài báo quốc tế mới đủ tiêu chuẩn. Vì vậy, học viện cũng đang hợp tác với nhiều viện nghiên cứu, cơ quan báo chí ở nước ngoài để các giảng viên có thêm cơ hội đăng bài báo quốc tế. 

Trong bối cảnh đó, các thầy cô đã gửi bài với mong muốn được đăng trên Tạp chí Chống tham nhũng được xuất bản ở Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, dù tên Tạp chí là Chống tham nhũng, bài báo khoa học của các giảng viên gửi đi đều "không liên quan gì đến đề tài chống tham nhũng cả".

"Đó là những tạp chí giả. Việc xử lý hiện nay là không công nhận các bài báo này vì thực tế các bài báo đó không được đăng ở tạp chí quốc tế gì", ông Nam nói.

Riêng về thông tin PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng - viện trưởng Viện Báo chí, đưa bài báo đăng trên tạp chí giả này vào hồ sơ khoa học để đăng ký đề tài NAFOSTED đã được xử lý ra sao, ông Nam cho biết đó "chỉ là vài bài không đáng kể", hồ sơ vẫn đủ điều kiện.

"Đó là đề tài về Mạng xã hội - Thực trạng và giải pháp tại Việt Nam do học viện chủ trì, cô Hằng chỉ là thư ký khoa học", ông Nam nói.

Theo Tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ