(GD&TĐ) - Syria đang là điểm nóng của thế giới. Tình hình Syria hiện nay không phải là duy nhất trong lịch sử. Trước đó, vào năm 1957, một tình huống tương tự đã diễn ra, để cuối cùng lại im lìm như chưa hề có tiếng súng!
Điểm nóng Trung Đông
Tàu tuần dương "Zhdanov" của Liên Xô tại Syria, năm 1957 |
Từ khoảng tháng Tư trở lại đây, Mỹ và NATO đã thay đổi chính sách cứng rắn hơn với lãnh đạo Syria. Hàng trăm lính thủy đánh bộ Mỹ đã được triển khai ở phía bắc Jordan, nới chỉ cách Syria 60 km. Vua Ả Rập Saudi Abdullah vội cắt ngắn kỳ nghỉ của mình tại Ma-rốc và trở về Riyadh vì lý do “có liên quan đến sự kiện đang xảy ra trong khu vực.”
Các động thái trên, theo các nhà thời sự, giống như “cao trào” khi Mỹ và các đồng minh của mình quyết định can thiệp vũ trang một cách trực tiếp để đảo ngược tình hình ở Libya vào tháng tháng 8/2011.
Phản ứng trước những bước đi nguy hiểm trên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong bài phát biểu gần đây nhất đã khẳng định sẽ hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Tổng thống Asadd nhằm chống lại phe đối lập do phương Tây ủng hộ lẫn các kế hoạch của NATO thiết lập khu vực cấm bay tại Syria.
Nga cho biết Moscow đã sẵn sàng để có mặt tại cao nguyên Golan - khu quân sự cách ly Israel và Syria – nhằm thay thế cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Áo tại đây, nếu Liên Hợp Quốc yêu cầu. Động thái này cho thấy Moscow đang chuẩn bị “kịch bản” cho việc quân đội Nga sẽ có mặt tại “chảo lửa Trung Đông” trong nay mai.
Chuyện xưa nhớ lại
Tình hình Syria hiện nay không phải là duy nhất trong lịch sử. Trước đó, vào năm 1957, một tình huống tương tự đã xảy ra và sau khi “dàn quân, đạn lên nòng súng” rồi cuối cùng cũng “cuốn cờ, ra đi ”.
Vào đầu năm 1957, Tổng thống đương nhiệm của Ai Cập Gamal Abdel Nasser và người đồng cấp của Syria Shukri Kouatly tiến hành đàm phán nhằm xây dựng một liên minh giữa Ai Cập và Syria được gọi là Cộng hòa Ả Rập Thống nhất, đã gặp phải sự chống đối quyết liệt của nhiều thế lực.
Ngày 8/9/1957, Mỹ đã điều động 5 tàu chiến thuộc hạm đội 6 của Hải quân Mỹ và 38 tàu chiến Mỹ dẫn đầu bởi tàu sân bay “Lake Chemplen” thuộc phiên đội thứ 24 của Mỹ ở phía đông Địa Trung Hải với khoảng 10.000 thủy quân lục chiến đến bờ biển Syria nhằm lật đổ Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser và Tổng thống Syria Shukri Kouatly.
Thổ Nhĩ Kỳ (gia nhập NATO tháng 2/1952), theo kịch bản của Mỹ, dàn quân dọc biên giới với Liên bang Xô viết nhằm gây áp lực và kéo mỏng lực lượng quân sự Liên Xô.
Ngay lập tức, Liên Xô điều động tàu tuần dương "Zhdanov" và tàu khu trục "Freedom" tới cảng Latakia vào ngày 1/10. Đây là lần đầu tiên, tàu chiến của Liên Xô có mặt tại Syria. Đồng thời tại các cảng của Nam Tư và Albania (Đồng minh của Liên Xô thời bấy giờ) vào ngày 12 tháng 10, một tàu tuần dương và hai tàu khu trục của Hạm đội Biển Đen đã đến và neo lại.
Các tàu chiến lớp Nikolai Filchenkov và tàu khu trục Kulakov lớp Udaloy 1 bờ biển Syria, năm 2013 |
Sau khi đã bày binh bố trận hoàn chỉnh, vào ngày 7/10, thông qua tờ “New York Times” tại Moscow, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Khrushchev tuyên bố: “Liên Xô sẽ không cho phép bất kỳ một cuộc tấn công nào từ bên ngoài vào Syria. Việc giới cầm quyền Mỹ đang sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ là công cụ đối đầu trược tiếp với Syria mà thậm chí còn dàn quân gần biên giới với Liên Xô là việc làm vô ích và không mang lại kết quả nào.”
Ông Khrushchev nói thêm rằng: Hoa Kỳ ở cách xa khu vực này, còn chúng ta ở kề bên nên “nước xa không cứu được lửa gần” và nếu có bắt đầu nổ súng, thì từ súng trường ban đầu sẽ dẫn tới sử dụng tên lửa hạt nhân vào cuối cuộc chiến.
Kết quả này sẽ vô cùng thảm khốc và không lường được hết. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô cũng công khai nói rằng Moscow cung cấp cho Syria một lượng vũ khí đủ để bảo vệ mình trước bất kỳ một cuộc xâm lăng nào.
Ngay sau lời tuyên bố trên, ngày 13/10, Kremlin đã sử dụng tàu quân sự chuyển các đơn vị chiến đấu đầu tiên của quân đội Ai Cập được trang bị vũ khí của Liên Xô đến cảng Latakia để tăng cường phòng thủ thủ đô Syria- Damascus.
Ngoài ra, Liên Xô đã tăng cường lực lượng của mình trên biển Biển Đen và trên đất liền, tại Bulgaria, để uy hiếp Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, tại Ai Cập, Sudan, Iraq, Yemen, Jordan một làn sóng tình nguyện viên xin đến Syria để bảo vệ những người anh em Ả Rập dâng lên cao hơn bao giờ hết.
Cho dù Mỹ không ngừng tăng số lượng binh sĩ Hoa Kỳ tại các căn cứ quân sự của họ ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, song các phản ứng quyết liệt của Đảng Cộng sản Liên Xô và Tổng bí thư Khrushchev đã khiến kế hoạch lật đổ Tổng thống Syria Shukri Kouatly của NATO trở nên “bất khả thi”.
Cuối cùng, “thùng thuốc súng Syria” đã không phát nổ và các cường quốc đã phải ngồi lại với nhau tại Nam Tư để cam kết tôn trọng tính toàn vẹn về lãnh thổ và chủ quyền của người dân Syria trong các vấn đề của chính họ.
Nguyễn Thành Minh
( Theo “ Quân sử Xô Viết”)