Kì thi đã phản ánh được chất lượng dạy và học của các nhà trường

Kì thi đã phản ánh được chất lượng dạy và học của các nhà trường

(GD&TĐ)- Kết thúc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn: 

Phóng viên: Thưa thứ trưởng, chủ trương chung của Bộ GD-ĐT trong những năm gần đây là tổ chức các kì thi tốt nghiệp THPT  an toàn, nghiêm túc, tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội; trên tinh thần đó, thứ trưởng đánh giá chung về kì năm nay như thế nào?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh, gdtd.vn
  Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Ảnh, gdtd.vn  

Thứ trưởng (TT) Nguyễn Vinh Hiển: Sau 5 năm ngành GD-ĐT triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, công tác tổ chức thi tốt nghiệp đã trở lại nghiêm túc. Cách thức tổ chức các kì thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT đã đi vào ổn định; nhất là trong công tác ra đề thi, cách thức tổ chức kì thi đã có đổi mới. Kì thi năm nay có những thay đổi chủ yếu trong tổ chức coi thi, chấm thi và thanh tra thi. Năm nay, không nhất thiết phải tổ chức thi theo cụm, mà tùy từng điều kiện thực tế ở địa phương mà Sở GD-ĐT tham mưu cho UBND tỉnh quyết định hình thức tổ chức thi cho phù hợp với hoàn cảnh từng nơi; không tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh, mà chỉ tổ chức chấm chéo trong địa bàn từng tỉnh, thành phố; không có lực lượng thanh tra ủy quyền của Bộ tại các địa phương, thay vào đó, nhiệm vụ thanh tra kì thi được giao chính cho Sở GD-ĐT. Sở bố trí cán bộ làm công tác thanh tra, nếu thiếu, có thể huy động cán bộ tại các trường ĐH-CĐ-TCCN trên địa bàn làm công tác thanh tra kì thi. 

Kì thi năm nay đã được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Trách nhiệm của UBND các tỉnh, thành phố, các Sở GD-ĐT, các nhà trường đã được phát huy tốt hơn. Địa phương đã chủ động đề ra các giải pháp triển khai, tổ chức kì thi nghiêm túc, phù hợp với quy chế thi của Bộ. Nhìn chung, kì thi đã đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra là an toàn, nghiêm túc, khách quan và phản ánh được chất lượng dạy và học của các nhà trường.

Pv: Trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức các kì thi những năm gần đây, năm nay, Bộ GD-ĐT đã có nhiều điểm mới trong quy chế, trong cách thức tổ chức kì thi, vậy Thứ trưởng cho biết cơ sở nào để Bộ mạnh dạn đưa ra những đổi mới đó?

TT Nguyễn Vinh Hiển: Những điểm mới trong quy chế năm nay được đưa ra trên cơ sở những điều kiện tổ chức thi (như ăn ở, đi lại của giáo viên, học sinh trong kì thi), điều kiện dạy và học ở các địa phương; nếu học sinh nghiêm túc trong học tập, trong kiểm tra đánh giá, cán bộ tổ chức thi có tinh thần trách nhiệm cao thì không nhất thiết tổ chức thi liên trường để đơn giản và tiết kiệm hơn. Đổi mới trong công tác chấm thi cũng không ngoài mục đích tương tự nhưng vẫn đảm bảo tích công bằng, khách quan. Năm nay, yêu cầu phúc khảo của mọi thí sinh đều được đáp ứng; theo đó, các hội đồng phúc khảo sẽ gặp một số khó khăn như số lượng bài thi xin phúc khảo sẽ tăng lên; Tuy nhiên để hướng đến tính dân chủ trong giáo dục và thi cử, Bộ vẫn  đưa vào áp dụng điểm mới trong phúc khảo bài thi của thí sinh.

Những thay đổi quan trọng trong quy chế thi năm nay chủ yếu là hướng đến học sinh, đến quyền lợi của người học và hướng đến ý thức trách nhiệm của các nhà trường, các Sở GD-ĐT. Đây là một chủ trương đúng đắn nhằm phát huy trí tuệ, sự năng động của từng cán bộ, từng đơn vị trong quá trình làm thi. Năm nay, Bộ đã chuyển trực tiếp đề thi in trên giấy đến Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố góp phần giảm thời gian làm đề, sao in đề thi, giảm căng thẳng và tiết kiệm chi phí cho kì thi.  

Ts làm bài thi tại HĐCT trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh, gdtd.vn
 Ts làm bài thi tại HĐCT trường THPT Kỳ Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ảnh, gdtd.vn

Pv: Qua thông tin phản ánh từ nhiều phía, đề của các môn thi năm nay đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ  thí sinh, giáo viên và đông đảo người dân quan tâm đến ngành giáo dục, vậy thứ trưởng có thể cho biết chủ trương của ngành trong công tác ra đề thi năm nay?

TT Nguyễn Vinh Hiển: Yêu cầu của đề thi là phải bao quát được nội dung trong chương trình dạy học, chủ yếu được ra trong chương trình lớp 12, phát huy được sự cố gắng của học sinh, đáp ứng được yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, học sinh phải hiểu và vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề đặt ra trong đề thi từ mức độ thấp đến cao. Đề thi năm nay đảm bảo tính chính xác, khoa học sư phạm. Để làm được những điều trên đây, không phải đến lúc thi Bộ mới tính đến chuyện ra đề. Trong năm học, Bộ đã chỉ đạo việc ra đề kiểm tra từng phần hoặc kiểm tra học kì, kiểm tra cuối năm theo ma trận đề, trong đó đảm bảo các yêu cầu nêu trên. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang áp dụng nhiều cách kiểm tra, đánh giá tiên tiến khác. 

Đề thi năm nay bước đầu được thí sinh, giáo viên và đông đảo người dân đánh giá là tốt, không có sai sót, có thể phân loại được trình độ của thí sinh; đáp ứng được yêu cầu 50% điểm dành cho nhớ kiến thức, 50% còn lại là điểm dành cho hiểu và vận dụng kiến thức. Đề thi đã có những câu hỏi gắn với thực tiễn chính trị xã hội và đảm bảo được tính tích hợp trong kiểm tra đánh giá. Ví dụ như: đề thi Địa lý đã tích hợp các kiến thức thực tế về an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo; Đề thi môn Lịch sử, Ngữ văn đã gắn được với những vấn đề mang tính thời sự của đất nước. Năm nay, đề thi được tiếp tục ra trên tinh thần “đề mở” nhằm phát huy tính độc lập, sáng tạo của thí sinh, giúp cho học sinh đỡ phải nhớ máy móc những con số, sự kiện. Hướng ra “đề mở” như thế sẽ được Bộ tiếp tục duy trì trong các năm tiếp theo. 

Pv: Thanh tra là công tác quan trọng, mấu chốt trong thi cử, kì thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều thay đổi trong công tác này, vậy thực tế công tác thanh tra được Bộ và các địa phương triển khai thực hiện như thế nào tại các HĐCT?

TT Nguyễn Vinh Hiển: Như trên đã đề cập, mục đích chính của công tác thanh tra là làm cho các đơn vị tổ chức thi thường trực ý thức trách nhiệm cao, đồng thời góp phần phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong thi cử. Các vấn đề này có thể thuộc về trách nhiệm của Hội đồng coi thi, Hội đồng chấm thi, có thể là của Ban chỉ đạo thi của địa phương và cả ở Trung ương. Do vậy, trách nhiệm thanh tra thi là của các cơ quan quản lý giáo dục, với thi tốt nghiệp thì thanh tra trước hết thuộc về trách nhiệm của Sở GD-ĐT, của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Vì lực lượng này bám sát địa bàn, bám các hội đồng thi và từng cá nhân trong hội đồng để uốn nắn kịp thời những sai sót trong quá trình làm thi. Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn thanh tra đến các Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; ở đây có sự phân cấp rõ ràng trong thanh tra: Đối tượng thanh tra của Sở GD-ĐT là các Hội đồng coi thi, người tham gia làm công tác tổ chức thi cấp dưới Sở; đối tượng thanh tra của Bộ là Ban chỉ đạo thi các tỉnh thành, phố. Do vậy, số lượng thanh tra viên sẽ giảm đi, nhưng các đoàn thanh tra của Bộ lại tăng lên và chủ yếu là làm nhiệm vụ thanh tra  không báo trước…Theo đánh giá, việc đổi mới trong công tác thanh tra là phù hợp với thực tế tổ chức kì thi trong cả nước. 

Tại HĐCT trường THPT Việt Nam- Ba Lan, TP.Hà Nội, với nụ cười rạng rỡ sau khi kết thúc bài thi sớm, ảnh, gdtd.vn
Tại HĐCT trường THPT Việt Nam- Ba Lan, TP.Hà Nội, với nụ cười rạng rỡ sau khi kết thúc bài thi sớm, ảnh, gdtd.vn

Pv: Thứ trưởng đánh giá thế nào về tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của ngành giáo dục các địa phương trong cả nước khi được Bộ GD-ĐT phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong triển khai thực hiện công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT  năm nay? 

TT Nguyễn Vinh Hiển: Khi được giao quyền chủ động nhiều hơn, UBND các tỉnh, thành phố, các Sở GD-ĐT đã thể hiện ý thức trách nhiệm cao hơn. Tôi đánh giá cao ý thức trách nhiệm của Ban chỉ đạo thi tại nhiều tỉnh, thành phố đã chỉ đạo, phân công, phân nhiệm cho các ngành cùng phối hợp thực hiện công tác thi như công an, giao thông, điện lực, y tế, bưu chính viễn thông, văn hóa thể thao và du lịch… nhằm đảm bảo an ninh, giao thông, ổn định giá cả, giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm trong những ngày diễn ra kì thi… Về phía các Sở GD-ĐT, đã đưa ra các yêu cầu rất cao trong tập huấn cho cán bộ lãnh đạo hội đồng thi, cho giám thị, thanh tra viên... Nhiều địa phương đã có những sáng kiến của riêng mình để tổ chức đưa đón, nơi ăn ở cho thí sinh nhằm làm cho thí sinh bớt đi khó khăn trong sinh hoạt, tập trung tốt cho kì thi như nhiều điển hình tốt đã được báo chí đăng tải trong quá trình diễn ra kì thi. 

Ví dụ như: tại Hà Nội, nhiều giáo viên “đi thi” cùng sĩ tử để động viên các em trước giờ vào phòng thi. Tại Quảng Nam, nhiều phụ huynh học sinh đã nghỉ việc đồng ruộng để đưa con đến trường thi; xúc động hơn có cả cảnh chồng bồng con đợi vợ thi ở Thừa Thiên Huế. 

Tại tỉnh Điện Biên, mưa lớn kéo dài, nước lũ cuốn trội sạt lở nhiều đoạn đường đến một số HĐCT của các huyện trong tỉnh. Nhưng nhờ chuẩn bị chu đáo, cố gắng nỗ lực của Ban chỉ đạo thi của tỉnh, thầy cô và các em học sinh nên ngày thi đầu tiên đã diễn ra tốt đẹp. Tương tự như vậy, Ban chỉ đạo thi của tỉnh Hòa Bình  đã có phương án dự phòng mưa lũ có thể ảnh hưởng đến giờ thi của học sinh nên đã bố trí các xe gầm cao tại các ngầm qua sông, suối để đưa đón thí sinh.

Tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình đã duy trì tổ chức bữa cơm trưa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc nhà ở xa trường; những tấm gương “nhường cơm sẻ áo” của Hội Khuyến học các huyện Châu Thành, Cần Đước (Cần Thơ) cho học trò  trong những ngày thi. 

Hoặc như thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã đảm bảo các bến đò ngang hoạt động liên tục đưa đón thí sinh không trễ giờ trường thi. Tại Vĩnh Long, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh đều có chương trình hỗ trợ cơm trưa dành cho thí sinh ở xa, thí sinh có hoàn cảnh khó khăn từ nguồn vận động của hội phụ huynh; tại Kiên Giang học sinh ở huyện đảo Kiên Hải phải vượt biển gần 30km vào đất liền để thi nên ban đại diện phụ huynh các trường đã bố trí cho các thí sinh ăn ở tại ký túc xá…

Pv: Một số báo nêu trong kì thi tốt nghiệp năm nay, tại nhiều HĐCT, “phao” thi được phát hiện khá nhiều, Thứ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

TT Nguyễn Vinh Hiển: Nhiều người thấy tại trường thi hay bên ngoài khu vực thi có một số sách, vở được in, phô tô thu nhỏ hoặc tương tự và đều cho là “phao thi” nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy. Đây không hẳn là “phao”, tài liệu để học sinh dùng quay cóp trong phòng thi. Nhiều khi, các em đi thi đem theo những tài liệu tương tự như vậy để ôn bài. Song việc vứt bừa bãi các thứ đó bên ngoài hoặc bên trong khu vực thi đã gây nên tình trạng bị hiểu nhầm. Việc thí sinh lợi dụng tài liệu quay cóp trong phòng thi đã có kỉ luật trường thi, đã có các giám thị coi thi xử lý nghiêm. Tuy nhiên, trong những kì thi tới, cũng phải giáo dục thí sinh không được vứt bừa bãi không chỉ tài liệu tham khảo mà ngay cả vật dụng cá nhân để tránh những hiểu nhầm đáng tiếc và ảnh hưởng đến môi trường sống của dân cư cạnh trường thi. Tôi cũng phải khẳng định là tình trạng mang “phao thi” đến khu vực thi cho đến nay vẫn chưa chấm dứt được. Đặc biệt là tôi không hài lòng với sự tham gia tiếp tay, hỗ trợ của một số cơ sở in sao ở bên ngoài trường thi góp phần không nhỏ phát tán “phao thi” cho học sinh. 

Pv: Theo Thứ trưởng, qua kì thi năm nay, những bài học kinh nghiệp nào cần được phát huy trong các kì thi tới? 

TT Nguyễn Vinh Hiển: Những kinh nghiệm chính, theo tôi là: cách thức tổ chức kì thi làm sao để phát huy tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, của từng cán bộ, giáo viên làm công tác tổ chức thi dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo thi các cấp. Bộ GD-ĐT chủ động đề xuất và được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội tham gia vào cuộc cùng ngành giáo dục hỗ trợ thí sinh đi thi để làm nên thành công chung của kì thi trên phạm vi toàn quốc. Phải tổ chức tốt quá trình dạy và học, trong đó có khâu ôn tập cho học sinh; đồng thời đảm bảo vững chắc chất lượng dạy học, thầy dạy tốt, trò học tốt sẽ tự tin bước vào kì thi và kết quả kì thi chắc chắn sẽ cao?

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bá Hải (ghi)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ