Kỉ niệm đáng nhớ của sinh viên đi thực tập

Bên cạnh những áp lực công việc, kì thực tập cũng mang đến cho sinh viên nhiều kỉ niệm đáng nhớ.

Kỉ niệm đáng nhớ của sinh viên đi thực tập

Cô giáo bị… ngã giữa sân trường

Mỗi lần nhắc lại kỉ niệm ngày đi thực tập là hai cô bạn Hồng Duyên và Vân Anh (Sinh viên Cao đẳng Sư phạm Trung ương) lại có vô số điều để nhớ, để cười, thậm chí là… ngại ngùng.

Về thực tập tại một trường tiểu học ở vùng quê Bắc Ninh, đường từ nhà đến trường phải… đi qua cánh đồng. Mỗi sáng cỏ còn ướt khiến cho hai cô giáo tương lai luôn phải tới trường trong tình trạng… chân ướt bẩn, quần xắn cao. Vì dạy tiểu học, học sinh còn nhỏ nên không ít lần các cô bị đặt vào thế… dở khóc dở cười.

Hồng Duyên kể: “Một lần mình dạy lớp 1B, đang giảng bài thì thấy học sinh nhao nhao hết lên, xuống mới biết có một em bị… ị đùn trong lớp. Lúc đấy hơi sốc vì gặp tình huống “ngoài sư phạm”, phải nhờ người đến dọn “chiến lợi phẩm” của cậu học sinh ấy rồi mới ổn định lại lớp được".

Cũng gặp tình huống oái ăm tương tự, nhưng kỉ niệm của Vân Anh khi nhắc lại còn… đau khổ hơn. Ấy là hôm cô nàng mang giày cao gót, đang đi trên sân trường thì bị… ngã trước bao nhiêu con mắt của học sinh. “May là lúc ấy có hai em học sinh đến đỡ mình dậy, còn mình thì ngại đỏ hết mặt, đến hôm sau còn bị học sinh trêu”.

Với những sinh viên sư phạm, việc đứng trên bục giảng trở thành cô giáo mang rất nhiều ý nghĩa. Mỗi kì thực tập qua đi thêm một lần những thầy, cô giáo tương lai ấy thêm tình yêu với nghề, nhiệt huyết với học sinh. Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội) kể về kỉ niệm hai lần khóc khi đi thực tập của mình: “Lần đầu tiên mình khóc là những ngày đầu đứng lớp, do quá áp lực và không giữ được lớp trật tự nên đã khóc ngay trên bục giảng. Lần thứ hai là ngày cuối cùng kì thực tập, các em học sinh có tặng mình một món quà, rồi cả cô cả trò ôm nhau khóc rất nhiều”.

Những kỉ niệm đáng nhớ của sinh viên đi thực tập

Hồng Duyên

Kỉ niệm thắm thiết tình quân dân

Đối với những sinh viên Học viện An ninh nhân dân, thì quãng thời gian đi dân vận năm thứ hai luôn chứa đựng nhiều kỉ niệm nhất.

Trong quá trình đi dân vận ấy, các chiến sĩ tương lai được đưa đến những vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc, ăn cùng dân, ở cùng dân. Với không ít những “cậu ấm cô chiêu”, việc lao động như những người nông dân thực thụ đã gặp phải rất nhiều khó khăn.

Hoàng Giang (sinh viên khóa 43, Học viện An ninh nhân dân) nhớ lại: “Mỗi sáng bọn mình phải dậy từ 5h để đi làm cùng người dân, đi làm nương, đi cuốc đất, leo đồi. Nhiều người không quen việc bị đau người, phồng rộp chân tay là bình thường. Có bạn quen ở thành phố không có cây chè nên bảo đi hái chè lại mang về cả rổ… rau ngót! Có đứa phải nhóm lửa bếp củi nhem nhuốc hết cả mặt mũi và vẫn không cháy được”.

Đi dân vận dù vất vả nhưng cũng chứa bao kỉ niệm đẹp về tình người tình quê mà mỗi sinh viên đều cảm nhận được. Hoàng Hà (khóa 44, Học viện An ninh) chia sẻ: "Bọn mình đi đến đâu mọi người đều vẫy cười, bà con coi mình như con em trong nhà, lúc đi gói ghém cho rất nhiều sản vật ở đấy. Buổi chia tay mấy bạn nữ khóc nhiều lắm, mình là con trai cũng phải cố để không khóc". Bởi vậy mà quãng thời gian ấy, dù khó khăn, vẫn muốn quay về.

Những kỉ niệm đáng nhớ của sinh viên đi thực tập

Hoàng Giang

Lạc đường khi đi tác nghiệp

Với sinh viên báo chí, thực tập không gì hơn là được đi tác nghiệp, viết bài và chờ đợi tên của mình dưới mỗi bài viết trên trang báo. Tuy nhiên đôi khi không phải chuyện gì cũng diễn ra suôn sẻ, những phóng viên tương lai nhiều lúc cũng phải đối mặt với không ít tình huống khó khăn.

Phương Anh (sinh viên Khoa Báo chí, Học viện Báo chí tuyên truyền) kể lại kì thực tập của mình: “Bài viết đầu tiên của mình được đích thân trưởng ban gọi xuống ngồi cạnh nhìn sếp chữa bài. Lúc đấy tim đập chân run, người co rúm lại sợ bị mắng, bản thảo chi chít lỗi phải sửa nhưng lúc ấy sếp chỉ nhẹ nhàng chỉ cho về sửa lại, hôm sau có tên bài trên báo cảm giác sung sướng lắm”.

Lần khác đi viết bài, cô nàng phải “vừa đi vừa khóc” vì… không biết đường đi từ Cầu Giấy sang Gia Lâm, đành phải lần dò đi theo… xe bus, nhưng xe bus lại đi lòng vòng khiến cho cô phóng viên trẻ đi cả mấy tiếng không tới nơi. Cũng nhờ bài học này mà mỗi lần sau đi đâu cô nàng đều phải… tra Google Map thật kĩ, thậm chí viết sẵn đường vào sổ rồi mới tự tin đi.

Những kỉ niệm đáng nhớ của sinh viên đi thực tập

Phương Anh

Say sóng đến… hết thời gian thực tập

Mỗi ngành nghề đều có một đặc điểm, nơi làm việc riêng. Khác với các ngành khác, đặc trưng của Hàng hải là biển thế nên nơi thực tập của sinh viên hàng hải cũng là… ngoài biển.

Cùng với sự háo hức với lần đầu tiên “tàu anh ra khơi”, những ngày lênh đênh trên biển cũng để lại không ít kỉ niệm vui – buồn với các chàng thủy thủ.

Nguyễn Đình Hội (sinh viên Khoa Máy, Đại học Hàng Hải) kể lại: “Kỉ niệm đẹp nhất trong thời gian đi thực tập là lúc mình được ngắm bình minh trên biển. Đó là lần đầu tiên và cũng là khoảnh khắc đẹp nhất mà mình từng thấy”.

Tuy nhiên ngoài những lúc được ngắm bình minh, hoàng hôn, tắm biển hay đến những hòn đảo đẹp, điều “đáng sợ” nhất với các anh chàng hàng hải chính là cơn ác mộng mang tên… say sóng. Đình Hội kể: “Nhiều người dù đã chuẩn bị sức khỏe từ trước vẫn không thể chịu được say sóng, thậm chí nằm bẹp chẳng nhìn ngắm được gì”.

Thế mới biết biển “dữ dội và dịu êm”, dù có những mệt nhọc nhưng mỗi chuyến đi đều là một trải nghiệm mới mẻ với những chàng thủy thủ tương lai.

Những kỉ niệm đáng nhớ của sinh viên đi thực tập

Đình Hội

Có thể nói rằng, “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, mỗi kỉ niệm lần thực tập đầu tiên luôn là điều đáng nhớ nhất trong đời mỗi sinh viên.

Theo Tiin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ