Kì 1: Lớp học đặc biệt "4 trong 1"

Kì 1: Lớp học đặc biệt "4 trong 1"

(GD&TĐ) - Tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng quân dân quần đảo Trường Sa không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc mà còn dành những điều kiện tốt nhất sẵn có để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, những công dân tương lai của đảo. 

->> Kỳ 2: Dạy và học theo mô hình trường học mới

Vạn lý Trường Sa! Quần đảo bão tố, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi thiêng liêng của Tổ quốc. Mọi câu chuyện, mọi con người ở đây, vì thế cũng hết sức đặc biệt. Giữa thị trấn Trường Sa,  giữa trời và biển tưởng chỉ có những người lính giữ đảo nên không ít người đã ngạc nhiên khi vừa nghe tiếng chuông chùa văng vẳng, vừa nghe tiếng trẻ ê a học bài... 

Có lẽ, không nơi nào trên dải đất hình chữ S này có một trường học học đặc biệt như thế. Cuối tháng Tư vừa qua, nhờ tham gia đoàn công tác "Tiến ra biển đảo quê hương" do Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng dẫn đầu, tôi đã được tận mắt chứng kiến những hình ảnh về ngôi trường giữa đại dương, ngôi trường của tình thương và trách nhiệm. 

Kì 1: Lớp học đặc biệt "4 trong 1" ảnh 1
Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa bế cháu Đặng Phương Nam trong chuyến thăm và khánh thành trường học tại Trường Sa

Mâm cơm hiếu học

Nói đến trường Sa là nghĩ đến sự hy sinh, gian khổ, là nghĩ đến những con người nghị lực phi thường. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần trước cho chuyến thăm huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) như vậy nhưng sức tưởng tượng của tôi cũng hết sức hữu hạn. Đặt chân lên đảo, không khỏi khâm phục cư dân, chiến sĩ nơi đây mới thấy sức chịu đựng sự kiên cường của con người là vô hạn - Họ là những người đang cống hiến, hy sinh, đối mặt với nhiều khó khăn gian khổ làm nhiệm vụ nuôi trồng thủy sản, hậu cần nghề cá, bảo vệ chủ quyền biển đảo.. 

Càng cảm phục hơn khi trong khó khăn thì tình quân quân dân càng thêm gắn bó, không chỉ vượt qua những khó khăn thường ngày mà còn chung tay chăm lo, vun trồng cho thế hệ trẻ, những công dân tương lai của huyện đảo. Những cán bộ xã kiêm nhiệm giáo viên, mâm cơm quây quần, đầm ấm của các phụ huynh với nữ giáo viên duy nhất trên đảo, lớp học ghép trong phòng học mượn của UBND xã đã gây ấn tượng mạnh với khách đất liền.

Cô giáo Bùi Thị Nhung và lớp học đặc biệt
Cô giáo Bùi Thị Nhung và lớp học đặc biệt

Tại đảo Trường Sa Lớn, mặc dù có trăm việc phải lo nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền vẫn tổ chức được cho học sinh điểm trường Trường Sa học hai buổi mỗi ngày, quy củ không khác gì trong đất liền. Những ngày đầu, trường thiếu giáo viên, hai cán bộ xã trẻ có trình độ lập tức được điều động kiêm nhiệm giáo viên để đứng lớp. Thiếu phòng học, UBND xã đã ưu tiên dành một phòng họp để làm lớp học. 

Một lớp học bình thường như bao lớp học khác. Cũng bảng đen, phấn trắng. Điều đặc biệt duy nhất là ngôi trường chỉ có duy nhất một lớp học. Duy nhất một cô giáo đứng lớp. Học sinh là bảy em nhỏ học theo chương trình từ lớp 1 đến lớp 4. Bốn lớp học được chia ra theo bốn hướng, mỗi hướng một chiếc bảng đen. Cô giáo Bùi Thị Nhung (quên xã Cam Hải Tây, Cam Lâm, Khánh Hòa) đi vòng quanh 4 chiếc bảng ấy suốt buổi học. 

- Trong hành trình “Tiến ra biển, đảo quê hương”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng dẫn đầu đoàn đại biểu ngành Giáo dục đã dự lễ khánh thành trường Tiểu học Trường Sa. Công trình Trường Tiểu học Thị trấn Trường Sa do quỹ học bổng Vừ A Dính tài trợ hoàn toàn kinh phí xây dựng từ Chương trình “vì học sinh Trường Sa thân yêu”. Quy mô công trình gồm 2 phòng học, 2 phòng công vụ, 1 phòng vui chơi, 1 phòng thư viện với tổng mức đầu tư công trình là 10,5 tỷ đồng. 

Đến thăm nhà chị Lương Thị Tình. Không giấu được niềm vui khi lâu lâu mới có khách từ đất liền ra, chị Tình khoe: Hai cháu nhà chị đang đi học. Cháu lớn Nguyễn Anh Đức học lớp 4, cháu nhỏ Nguyễn Quỳnh Hương học lớp 3. Trước khi ra đảo, vợ chồng chị cũng rất lo lắng cho chuyện học hành của các con. Bước chân lên tàu, suy nghĩ đầu tiên trong tâm tưởng của anh chị là làm cách nào để duy trì chuyện học cho con con. Tuy nhiên, ra nơi định cư mới ở đảo, chị Tình thật bất ngờ khi chính quyền  đảo coi việc học hành của người dân là một vấn đề chính của đảo. Điều này đã khiến anh chị và các hộ dân khác yên tâm, phấn khởi tập trung cho lao động sản xuất, xây dựng hòn đảo quê hương thứ hai của họ. Càng bất ngờ và vui mừng hơn khi năm 2008, chị Tình và các chị em khác trên đảo nhận tin vui: Cô Bùi Thị Nhung - Giáo viên Trường Tiểu học Suối Cát (huyện Cam Lâm) xung phong ra đảo. 

Chị Tình kể, cuộc sống trên đảo khiến người ta xích lại gần nhau hơn. Ngày 20/11 và các ngày lễ tết khác hàng năm, không có lệ đi thăm cô như ở đất liền mà người dân ở đây đều làm cơm, mời ba mẹ con cô Nhưng sang cùng chia vui. Khi cô giáo mới ra đảo, sinh hoạt còn bỡ ngỡ, chị em xúm vào giúp đỡ mỗi người một việc. Họ chia sẻ từng mớ rau quý hiếm trên đảo. Những khi các ông chồng đi biển về, có cá ngon đều chia sẻ với cô Nhung. 

Phải học giỏi hơn bạn mới chịu

Cô giáo Bùi Thị Nhung không giấu nổi tự hào: Dù khó khăn, dù lớp vắng vẻ nhưng thật mừng là bọn trẻ rất ham học và học rất giỏi. Đây là nguồn động viên an ủi, động lực lớn lao để giáo viên khắc phục khó khăn trên đảo, bám trường, bám lớp.

Chị Lương Thị Tình cùng cháu gái Nguyễn Quỳnh Hương với nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ra thăm đảo
Chị Lương Thị Tình cùng cháu gái Nguyễn Quỳnh Hương với nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa ra thăm đảo

Một cư dân khác ở thị trấn Trường Sa, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, hai con chị đều rất chịu khó học hành và có ý thức học tập. “Ngày học 2 buổi trên lớp nhưng đến tối về nhà lại miệt mài học". Cháu lớn Nguyễn Thị Trà My đã học hết lớp 3, liên tục 3 năm liền là học sinh giỏi. “Cháu về tâm sự  với mẹ là con phải học thật giỏi, giỏi hơn các bạn khác trên lớp mới chịu”. Thấy các con ham học, chị Thúy khuyến khích các con là cố gắng chăm ngoan học tập, phần thưởng lớn nhất là chuyến về thăm đất liền vào mùa hè năm tới. 

Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa Hoàng Thị Lý cho biết: Năm qua 100% học sinh Tiểu học trên của huyện đảo Trường Sa đạt chất lượng học sinh giỏi và khá. Số học sinh chuyển tiếp lên THCS, học lực của các em này vẫn duy trì ở mức khá, giỏi và hạnh kiểm tốt. Trong khi đó, những kĩ năng sống của các em có bước phát triển rất tốt. 

Hình ảnh đầu tiên khi đặt chân lên đến đảo Trường Sa là các em học sinh Tiểu học đang nô đùa trong nắng hè rực rỡ của biển đảo. Tiếng cười của các em át tiếng sóng cho thấy niềm vui trong đó. Niềm vui đó được nhân lên khi trong năm học mới, các em được học trong một ngôi trường mới khang trang. Với trẻ em ở đây, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. 

Trước nỗ lực vượt khó, tất cả "vì sự nghiệp trồng người" của cô giáo Bùi Thị Nhung, thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng đã trao tặng Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho cô giáo Bùi Thị Nhung đã có thành tích xuất sắc trong công tác giai đoạn 2008 - 2012. 

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa - Chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính mong mỏi: Ngôi trường mới với không gian thoáng mát sẽ tạo điều kiện cho giáo viên giảng dạy tốt hơn, là môi trường thân thiện để các em học sinh yêu thích đến trường. Đồng thời, từ ngôi trường này sẽ là nơi để các thế hệ học sinh của đảo Trường Sa không chỉ trau dồi kiến thức mà còn rèn luyện cả về đạo đức, thể chất để trở thành những công dân ưu tú của đất nước; là nơi mở ra điều kiện học hành ngày càng tốt hơn cho thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trên quê hương biển đảo thân yêu này.

Bá Hải 

___________________

Kì 2: Dạy và học theo mô hình trường học mới

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ