Khuyến khích sinh viên học ngoại ngữ tăng cường

GD&TĐ - Ngày 30/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020”.

Khuyến khích sinh viên học ngoại ngữ tăng cường

Đề án quy định sinh viên tốt nghiệp (đầu ra) đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3 đối với cao đẳng, đại học không chuyên ngữ, bậc 4 đối với cao đẳng chuyên ngữ và bậc 5 đối với đại học chuyên ngữ theo Khung Năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Hiện nay năng lực ngoại ngữ của sinh viên khi nhập học (đầu vào) rất khác nhau và thường là chưa đạt chuẩn.

Trước thực tế đó, Đề án yêu cầu các trường triển khai hình thức dạy học ngoại ngữ tăng cường để hỗ trợ chương trình đào tạo chính khoá nhằm bảo đảm năng lực ngoại ngữ của sinh viên khi tốt nghiệp.

Bộ GD&ĐT vừa có hướng dẫn gửi các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng và các trường sĩ quan có đào tạo trình độ đại học, cao đẳng triển khai dạy học ngoại ngữ tăng cường.

Trong khi học sinh trung học phổ thông chưa được học ngoại ngữ theo chương trình mới (chương trình học 10 năm, ban hành theo quy định của Đề án), khuyến khích sinh viên tham gia học ngoại ngữ tăng cường nhưng không bắt buộc.

Theo đó, quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ được nâng cao dần đối với từng khoá tuyển sinh, từng chương trình đào tạo nhưng phải hướng tới sớm đạt mục tiêu của Đề án; lộ trình đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và sự cố gắng của nhà trường.

Nhà trường công bố công khai chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, lộ trình đạt chuẩn cũng như các loại chứng chỉ ngoại ngữ được chấp nhận cho miễn học/thi ngoại ngữ (nếu có) trên trang thông tin điện tử chính thức của trường trước mỗi khoá/kỳ học để sinh viên có kế hoạch học tập và đạt chuẩn theo quy định.

Về việc triển khai dạy và học ngoại ngữ tăng cường, các trường tổ chức thi, kiểm tra khảo sát năng lực ngoại ngữ đầu vào của sinh viên để làm căn cứ xếp lớp học ngoại ngữ tăng cường theo năng lực thực tế của sinh viên.

Nội dung học tập, giáo trình, tài liệu và hình thức triển khai dạy học ngoại ngữ tăng cường nên đa dạng, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, với năng lực của sinh viên để tạo môi trường, điều kiện học tập và phát huy tốt nhất khả năng của sinh viên.

Thời lượng tổ chức học do trường quyết định trên cơ sở điều kiện thực tế của trường, yêu cầu về chuẩn đầu ra ngoại ngữ của từng ngành, lĩnh vực đào tạo và đảm bảo quy định hiện hành về khối lượng kiến thức tối thiểu đối với mỗi trình độ đào tạo.

Hình thức tổ chức dạy học có thể là học trên lớp, dạy học trực tuyến, các hình thức ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng nước ngoài…, coi trọng việc hướng dẫn và tạo môi trường cho sinh viên tự học; phối hợp đồng bộ với các chương trình học ngoại ngữ chính khóa.

Nhà trường cũng cần thông báo kế hoạch tổ chức dạy học ngoại ngữ tăng cường trước từng khóa/kỳ học để hỗ trợ những sinh viên có nhu cầu.

Bố trí giảng viên có năng lực thực tế trên cơ sở đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng của trường, khuyến khích sử dụng giảng viên, tình nguyện viên bản ngữ tham gia cùng các giảng viên trong nước.

Về sử dụng cơ sở vật chất, cần tận dụng cơ sở vật chất và thiết bị của nhà trường, chú trọng sử dụng hiệu quả thiết bị có ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông.

Về kinh phí, các trường chủ động xây dựng mức thu học phí ngoại ngữ tăng cường theo quy định Nghị định 74/2013/NĐ-CP theo nguyên tắc thỏa thuận với người học, đảm bảo bù đắp chi phí. Việc thu học phí dạy học ngoại ngữ tăng cường không tính cho nội dung chương trình đào tạo theo quy định bắt buộc.

Bộ GD&ĐT yêu cầu hàng năm các trường báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu đầu ra về năng lực ngoại ngữ và dạy học ngoại ngữ tăng cường cho các báo cáo về thực hiện nhiệm vụ năm học.

Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, đề nghị các trường liên hệ với Bộ GD&ĐT để được xem xét và giải quyết kịp thời.