Từ xa xưa, cuộc sống ở Vĩnh Yên gặp nhiều khó khăn, địa hình đi lại phức tạp và hiểm trở nên việc học hành của con em các dân tộc nơi đây có nhiều hạn chế. Với tinh thần vượt khó đi lên, người dân Vĩnh Yên từ xưa luôn có truyền thống cần cù trong lao động, và nơi đây còn được biết đến như một điểm sáng về phong trào khuyến học, khuyến tài của huyện.
Một lòng vì con chữ
Trong những năm qua, Hội khuyến học xã Vĩnh Yên đã sát cánh cùng các trường học của xã duy trì và tổ chức tốt các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Công tác khuyến học xã đã kết hợp cùng các chi hội khuyến học của các bản, các dòng họ đã làm tốt công tác tuyên truyền cho các hội viên cũng như mọi tầng lớp nhân dân trong xã để mọi người thấu hiểu việc đầu tư cho con em học tập là trách nhiệm đồng thời là quyền lợi của mỗi gia đình.
Do làm tốt công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, cùng với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền nên trong những năm qua phong trào giáo dục của xã Vĩnh Yên đạt được những thành tích to lớn.
Hàng năm 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, tỷ lệ tốt nghiệp lớp 9 đạt trên 95%, tỷ lệ đỗ vào lớp 10 đạt trên 85%, học sinh giỏi, giáo viên giỏi ngày một nâng cao cả về số lượng và chất lượng, có nhiều em đỗ vào các trường đại học và rất nhiều em đỗ vào các trường cao đẳng, trung cấp và trường nghề.
Kết quả nổi bật, có hiệu quả thiết thực trong việc đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài ở Vĩnh Yên là công tác vận động xây dựng quỹ khuyến học, khen thưởng cho các giáo viên, học sinh. Cách làm này bước đầu tạo ra phong trào chung, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội cho khuyến học nhưng chưa làm nên bước “đột phá” đáng kể trong việc xây dựng quỹ hoạt động.
Bên cạnh đó, phong trào xây dựng dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học cũng luôn được duy trì và phát triển. Nhiều dòng họ đã thành lập được quỹ khuyến học từ khi thành lập hội, tiêu biểu như dòng họ Lý ở bản Tổng Kim, dòng họ Thào ở Lùng Ác, dòng họ Lò ở bản Nặm Pạu…
Do vậy, nhiều gia đình đã khắc phục mọi khó khăn để tạo điều kiện cho con em được học tập tốt. Dòng họ Lò ở bản Nặm Pạu, xã Vĩnh Yên là dòng họ hiếu học tiêu biểu đầu tiên ở xã Vĩnh Yên. Những năm gần đây, con em của dòng họ luôn đi đầu trong phong trào học tập của xã. Nhờ làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, nên năm học vừa qua, dòng họ Lò có 9 học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, 19 em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, hiện nay có 52 em đang theo học các cấp học ở địa phương, 3 em theo học đại học, 7 em học tại các trường cao đẳng.
Chung tay “trồng người”
Chưa bao giờ tinh thần hiếu học và khát khao thoát nghèo lại trở thành động lực và ý chí của trẻ em Vĩnh Yên như trong giai đoạn này. Gia đình ông Lý A Pao có ba con trai thì cả ba con ông đều được học hành đầy đủ. Hai con trai của ông đã học đại học, con trai cả trở thành thầy giáo cấp 3 ngay tại Nghĩa Đô, con trai thứ hai học Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, tốt nghiệp xung phong lên công tác tại vùng cao Si Ma Cai, con trai thứ ba đang học Đại học Hùng Vương.
Ông Pao cho biết những năm trước đây, trường cấp 3 cách gần 40 cây số, nhà hoàn cảnh nhưng ông vẫn tạo điều kiện cho các con học hành đầy đủ và trưởng thành. Anh Lý Gìn Phù là con trong một gia đình nghèo đã vượt khó tìm đến cái chữ và giờ đây trở thành thầy giáo của bản mình. Năm qua, bản có nhiều học sinh tốt nghiệp cấp 3 đi học cử tuyển và thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng. Còn bọn trẻ thì ham học, ngày đêm “khăn gói” xuống núi trọ học…
Trong hành trình gian nan tìm đến cái chữ ở Lùng Ác luôn có mặt của những tấm gương hiếu học làm rạng danh cho bản của mình và là nòng cốt cho sự đổi thay cuộc sống nơi đây. Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo khó có 4 anh chị em, cha mẹ đều là nông dân, hai anh em Sùng Minh Thành và Sùng Dùng Bềnh ở bản Lùng Ác đã nhen nhóm ý chí học tập ngay từ khi cắp sách tới trường. Nhà nghèo, thiếu thốn, nhưng không làm nao núng ý chí học tập của hai anh em.
Được tuyển vào học tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và THPT số 1 Bảo Yên, xa nhà, hai anh em luôn bảo ban nhau để học tập chăm chỉ, quyết chí dùi mài đèn sách để đỗ vào đại học. Sau khi tốt nghiệp THPT, cả hai anh em đều thi đỗ vào Học viện An ninh và Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên…
Khi mà điều kiện cuộc sống còn khó khăn, khi việc học chữ, dạy chữ cho con em đồng bào các dân tộc ở Vĩnh Yên còn nhiều trăn trở và cần sự chung tay của toàn xã hội thì ở các bản Tày, bản Mông ở Vĩnh Yên có những con người sẵn sàng hiến từng tấc đất của gia đình cho mỗi ngôi trường được khang trang, góp phần vào truyền thống khuyến học khuyến tài của xã.
Tại bản Nặm Mược nằm cách trung tâm xã Vĩnh Yên khoảng gần 3 cây số, nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Dao sinh sống, chị Ma Thị Thọ, dân tộc Tày đã quyết định hiến 1.020m2 đất thổ cư của gia đình để xây dựng điểm trường mẫu giáo bản Nặm Mược. Chuyện chị Thọ hiến đất dựng trường khiến bà con thôn bản rất khâm phục. Gia đình chị cũng chẳng khá giả gì. Chồng lâm bệnh nặng mất sớm khi chị mới 34 tuổi, để lại 3 đứa con đang tuổi ăn học.
Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào ít đất ruộng và đồi nương. Nhưng đứng trước hoàn cảnh trẻ con trong thôn bản ngày ngày phải lội suối qua đoạn đường 3km đường núi để đến trường trung tâm, có đứa không có điều kiện để đi học nên phải theo cha mẹ lên nương lên rẫy, chị Thọ đã bàn với gia đình mình cắt bớt phần đất để cho xã đầu tư xây điểm trường. Ước mong đơn giản nhất của chị là được nhìn thấy lũ trẻ trong bản có điều kiện tốt hơn để học chữ và trở thành người tốt.
Dù điều kiện có khó khăn nhưng công tác khuyến học, khuyến tài ở xã vùng cao Vĩnh Yên những năm qua đã góp phần xây dựng xã hội học tập, khuyến khích học sinh tích cực đến trường học chữ. Cũng từ đó, tạo sự quan tâm đồng bộ của các lực lượng xã hội đối với công tác giáo dục nơi đây.