Khuyên dạy con trong Vườn Thơ của Y Phương

GD&TĐ - Là cha mẹ, sinh con ra, ai mà chắng mong con khôn lớn bằng người. Cho nên ngoài việc chăm sóc về thể chất, còn phải chuẩn bị cho con hành trang, để sau này bước vào cuộc sống đầy chông gai. Những lời khuyên dạy của cha mẹ, cũng là những bài học đầu đời, trang bị cho con, trong hành trình cuộc sống.

Khuyên dạy con trong Vườn Thơ của Y Phương

Nhưng tùy theo phong tục tập quán của mỗi dân tộc mà có những lời khuyên dạy riêng. Đây là lời “Nói với con” (SGK lớp 9), của nhà thơ Y Phương, dân tộc Tày:

Chân phải bước tới cha

Chân trái bước tới mẹ

Một bước chạm tiếng nói

Hai bước chạm tiếng cười

Người đồng mình yêu lắm con ơi.

Trong cái nôi êm ấm của gia đình, cha ngồi bên phải, mẹ ngồi bên trái nâng đỡ cho con tập đi như chim mẹ đỡ cho chim con khi ra ràng. Ngồi bên trái hay bên phải, bước đến với cha, với mẹ bằng chân nào, đâu phải chuyện ngẫu nhiên vô tình, mà theo phong tục định sẵn. Đây là phong tục của dân tộc Tày mà cũng là phong tục của dân tộc Kinh. Trong cơ thể con người, chân phải và tay phải mạnh hơn và thuận hơn chân, tay bên trái, nên tay chân phải được coi trọng hơn.

Tác giả không miêu tả cụ thể gương mặt của từng nhân vật, nhưng không hiểu vì sao ta vẫn thấy gương mặt của cha mẹ sáng lên vì vui mừng, theo dõi từng bước con chập chững tập đi. Còn đứa trẻ vừa nhăn nhó cố sức, vừa hớn hở, khi ngã vào vòng tay đón đỡ của cha, khi thì và vào trong lòng mẹ. Cùng với việc dạy con tập đi phải “dạy ăn, dạy nói, dạy cười, dạy đi thong thả, dạy ngồi nết na”. Nhưng do cách tư duy bằng hình tượng cụ thể của dân tộc mà tác giả dùng từ chạm và từ tới. Chạm và tới ở đây, có nghĩa là bắt đầu tập nói, tập cười: Đi một bước tập nói, đi hai bước tập cười. Từ vẻ đẹp ngây thơ, có phần ngộ nghĩnh của con mà tác giả liên tưởng đến dân tộc mình:

Người đồng mình yêu lắm con ơi

Lờì thơ da diết, bật ra tự đáy lòng, mang giọng điệu tự hào về đức tính và tài hoa của người đồng mình: Người đồng mình đan lờ cải nan hoa.(Lờ là dụng cụ để đơm cá, hình trụ, hai đầu có hai cái hom, cho cá chui vào, nhưng không thể chui ra được). Cải nan hoa là hình thức nghệ thuật trong nghề đan lát. Người đan lờ, cải đảo nống nan, cho thành hoa, để sản phẩm vừa đẹp lại vừa bền. Cải nan hoa, là hình ảnh thực, bỗng bất ngờ chuyển sang hình ảnh ảo: Vách nhà ken câu hát. (đồng bào dân tộc hoặc bà con nông dân nghèo, không có điều kiện xây tường quanh nhà nên thường dùng tre, nứa, ván gỗ để dựng vách. Tre,nứa có khi đan thành tấm phên, có khi xếp liền nhau cho chặt, gọi là ken). Ken câu hát là hình ảnh nghịch lý, nhằm ca ngợi bàn tay khéo léo của người đồng mình. Vách nhà được ken dựng lên, đẹp đến mức tưởng như mỗi đường nét có thể thành một câu hát lượn tình tứ. Tự hào về tài hoa của dân tộc Việt, Nguyễn Đình Thi trong đoạn trích “Bài ca Hắc hải” cũng từng viết:

“Tay người như có phép tiên,

Trên tre lá cũng dệt nghìn bài thơ”.

Vẻ đẹp của cuộc sống, có từ trong mỗi nhà, có ở khắp núi rừng, ở mọi néo đường và cả trong lòng người:

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng.

Những tấm lòng tốt trên con đường ta đi, hôm nay là một niềm mơ ước !

Mạch thơ ở đây cứ như con suối dạt dào, biến hóa khôn lường. Đang nói với con về cảnh hiện tại của người đồng mình,người cha bỗng quay ngoắt về quá khứ riêng tư, nói với con mà cũng là tự nói với mình:

Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời

Mỗi bước trưởng thành của con người, đều có quy luật riêng của nó. Trai gái lớn lên, đều trải qua chuyện yêu đương, dựng vợ gả chồng. Ngày cưới, đúng là ngày đẹp nhất, không thể nào quên được. Cuộc đời từ cái ngày ấy, như đã được nhân đôi, được bay trên đôi cánh của niềm vui hạnh phúc! Nếu chỉ yêu thôi thì chưa đủ mà trong tình yêu, cần phải có tình thương, thì mới là trọn vẹn. Cho nên, người cha đã truyền cho con nhiệt huyết của tình thương ấy:

Người đồng mình thương lắm con ơi

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn.

Người ta dùng độ cao để đo chí lớn, nhưng ở đây lại dùng để đo nỗi buồn. Phải chăng đây là lời sai, ý lệch ? Thực ra đây là một cách nói gián tiếp, mang tính tương phản, thể hiện tình ý sâu xa. Khi đứng trước đèo cao, ai đó mà tỏ ra buồn nản là kém ý chí, càng lên cao mà nỗi buồn càng lớn là không có chí lớn. Còn đường xa cũng thế, phải có chí lớn mới vượt nổi con đường đầy đá sắc chông gai, ghềnh sôi, thác réo, vực thẳm, sông dài. Có chí lớn rồi, còn phải biết trọng nghĩa tình với mảnh đất mình đã sinh ra và nuôi mình khôn lớn:

Dầu sao thì cha cũng muốn

Sống trên đá không chê đá gập ghềnh

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Ý không chê được láy đi láy lại, cứ nhấn vào nhau như một nỗi niềm, về thái độ sống, nhằm khắc sâu vào lòng trẻ. Phải chăng là người cha khuyên con nên cam chịu hoàn cảnh mình đang sống? Không! Đây là lời nhắc nhở về lòng yêu quê hương, đừng bội bạc với quê hương, cho dù đó là nơi đất khổ nghèo chăng nữa. Bởi lẽ:

“Con ong làm mật yêu hoa

Con cá bơi yêu nước, con chim ca yêu trời”.

Và:

“Núi cao bởi có đất bồi

Núi chê đất thấp núi ngồi ở đâu!”

(Tố Hữu)

Người đồng mình đã sống với tình yêu và sức mạnh, hồn nhiên như sông như suối, lên thác xuống ghềnh, không lo cực nhọc là thế:

Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con.

Thô sơ da thịt là là dáng vẻ mộc mạc, chân chất ở bên ngoài, tương phản với phẩm chất lớn lao cao cả, tiềm ẩn: Không nhỏ bé ở bên trong: Với phẩm chất cao quý ấy, tuy người đồng mình, sống trên cao nguyên đá, đầy gian khổ nhưng đã không cam chịu mà luôn luôn tìm cách vượt lên:

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục

Phong tục là lối sống riêng của mỗi vùng đất, mỗi dân tộc, do thích ứng của con người với hoàn cảnh sống, lâu dần hình thành nếp sống, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.Quê hương làm ra phong tục là như vậy. Còn đục đá kê cao quê hương, vừa là hình ảnh thực, vừa là cách nói bóng gió xa xôi. Nếu ai đã có dịp lên vùng cao nguyên đá Hà Giang, thì đều phải ngạc nhiên và cảm phục về sức mạnh và tài hoa của đồng bào. Hầu như mọi công trình kiến trúc đều là từ vật liệu đá. Ở xứ đá, cái gì cũng đá mà! Đá xếp thành tường nhà, tường hoa, cổng ngõ cũng toàn là… đá. Do bàn tay người, mà từ quê hương khổ nghèo, “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, trở nên những động đá mộng mơ, cho người người mê đắm.

Mấy câu thơ kết thúc như một nốt nhấn rắn rỏi, mà réo rắt, trong bản hòa ca, nặng nghĩa, nặng tình. Nó có tác dụngnhư một lời thề sắt đá: Phải xứng đáng với quê hương, khắc sâu vào lòng đứa con yêu và cũng là lòng của người làm mẹ, làm cha:

Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bao giờ nhỏ bé được

Nghe con. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ