“Khủng hoảng” tuổi lên 7

Bà nội bảo Mít đi học, bé không chịu và còn lý sự: "Bố mẹ lúc nào cũng bắt con phải thế nọ, thế kia. Nếu bố đánh con, con sẽ gọi 113".

Bé 7 tuổi rất nhiều lý lẽ
Bé 7 tuổi rất nhiều lý lẽ

Chuyện của các bé

Mẹ Mít kể chuyện: "Con trai mình 7 tuổi đang học lớp 1. Nhưng bây giờ có ai nhắc bé làm chuyện gì sai, bé đều trả lời: "Đằng nào thì mẹ cũng mắng". Bà nội bảo Mít đi học viết chữ đẹp ở nhà cô, bé không thích đi và còn nói: "Bố mẹ lúc nào cũng bắt con phải thế nọ, thế kia. Nếu bố đánh con, con sẽ gọi 113".

Cuối cùng, bà cũng đưa được Mít đi học. Nhưng trước khi đi, bé lại dặn bà đừng mách với mẹ. Bé đã biết lỗi rồi. Chuyện như thế rất hay diễn ra ở nhà Mít. Khi không có bố mẹ ở nhà, bé thường phớt lờ ý kiến của người lớn. Tới khi bố mẹ gần đi làm về, bé lại vội xin lỗi, năn nỉ đừng ai mách với bố mẹ.

Bé Cún 7 tuổi cũng luôn khẳng định: "Con yêu mẹ hơn vì mẹ đẻ ra con chứ bố có đẻ ra con đâu". Lúc sau, bé lại bảo: "Con yêu bố mẹ như nhau vì mẹ đẻ ra con, nhưng phải có bố thì mẹ mới đẻ con được". Có lúc cu cậu, chẳng biết nghe ở đâu, lý sự: "Bố chỉ tạo con ra trong bụng mẹ. Còn mẹ phải đẻ con rất đau, nên con vẫn yêu mẹ hơn".

Rồi bé suốt ngày hỏi và lý sự, nhưng bố mẹ Cún chưa biết giải thích với bé: "Bố tạo ra con trong bụng mẹ như thế nào?", "Mẹ đẻ con ra bằng cách nào, vì bụng mẹ làm gì có sẹo, chẳng lẽ lúc mẹ đẻ xong thì bụng nó tự liền vào à?".

Hãy tìm cho con người thầy tốt nhất

Khi bé lớn lên, bé sẽ trải qua các giai đoạn mà các chuyên gia tâm lý gọi là khủng hoảng: tuổi lên 3, lên 7 và 13 tuổi. Các giai đoạn này như những nấc thang, dẫn dắt bé từ một đứa trẻ thành một người trưởng thành.

Khủng hoảng tuổi lên 7 là một nấc thang đầy thú vị, mặc dù cũng lắm "phiền toái". Về "hình thức", bé sẽ cao hơn rất nhanh, khuôn mặt có nhiều biến đổi. Răng sữa bắt đầu thay.

Về "nội dung", bé trở nên một cách già dặn ghê gớm. Bé bắt đầu nhớ mọi việc lâu hơn và đưa ra những câu hỏi vặn vẹo làm cha mẹ nhiều khi cũng bí quá, không biết trả lời thế nào. Bé bắt đầu xây dựng hình mẫu lý tưởng cho mình và điều khiển cảm xúc của bản thân.

Mẹ bé Mít kể rằng: "Con mình đang khóc thảm thiết nhưng vẫn liếc mình trong gương xem mình khóc thế nào?".

Bảy tuổi, bé cũng muốn tách dần ra khỏi bố mẹ. Không muốn đi cùng bố mẹ đến nhà họ hàng hay người quen. Bé bắt đầu thích chơi với các bạn bằng tuổi cơ. Nhiều lúc bé lại thích một mình để tập làm người lớn.

7 tuổi, giai đoạn rất nhạy cảm với cả bé và bố mẹ. Hãy đừng nuông chiều hay nghiêm khắc với con một cách quá đáng. Hãy luôn tôn trọng cảm xúc của con, cho con một khoảng trời tự do nhưng cũng phải có những giới hạn nhất định. Quan trọng nhất, bố mẹ và người lớn trong gia đình phải là tấm gương để bé noi theo.

Đây là giai đoạn khủng hoảng mà bé cần có người chỉ dẫn để thông qua đó làm quen với thế giới xing quanh. Thầy cô giáo lúc này có vai trò cực kỳ quan trọng: giúp trẻ hình thành các thói quen và kỹ năng. Bé chăm học, hư hay không cũng bắt đầu từ đây. Lời nói của các thầy cô giáo có sức nặng và ảnh hưởng đến bé hơn bố mẹ nhiều.

Nhiều chuyên gia đã đưa ra lời khuyên cho giai đoạn này là: "Bố mẹ hãy tìm cho con người thầy đáng tin cậy".

Theo Tri thức trẻ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ