Khử khuẩn bằng lò vi sóng, khẩu trang mất tác dụng

Khử khuẩn bằng lò vi sóng, khẩu trang mất tác dụng

Khử khuẩn bằng lò vi sóng

Theo TS Doãn Ngọc Hải, để tránh lãng phí với khẩu trang y tế dùng một lần, có thể sử dụng lò vi sóng để tái sử dụng khẩu trang. Hiện nay, các công nghệ phổ biến để khử khuẩn là dùng tia UV (tia cực tím, tia tử ngoại); khí ozone (một dạng của khí oxy); dùng nhiệt và sóng viba (sóng điện từ có bước sóng nhỏ, được dụng trong công nghệ sản xuất lò vi sóng). 

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã thử nghiệm khử khuẩn khẩu trang y tế đạt chuẩn dựa trên các phương pháp này và kết luận tia UV chỉ có thể khử khuẩn trên bề mặt khẩu trang nhưng không có hiệu quả với lớp giữa. Thiết bị khử khuẩn bằng khí ozone khá cồng kềnh, cách làm phức tạp. Sử dụng sóng viba là phương án dễ dàng, khả thi và có tính ứng dụng, phổ biến nhất.

Theo đó, khẩu trang vải, khẩu trang y tế dùng 1 lần (loại đạt chuẩn để phòng chống dịch Covid-19) sau khi đã sử dụng có thể sử dụng nước muối ion, nước muối sinh lý 0,9% hoặc các dung dịch có tính sát khuẩn khác. Việc xịt chất sát khuẩn này có mục đích chính là làm ẩm khẩu trang, việc sát khuẩn chỉ là phụ. Sau đó, khẩu trang được cho vào lò vi sóng, lưu ý là để mặt được xịt dung dịch sát khuẩn hướng lên trên. 

Hiện nay, công suất mặc định của lò vi sóng tại Việt Nam đang phổ biến ở mức 800W. Tuy vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia, lò vi sóng để khử khuẩn khẩu trang nên được dùng riêng, không dùng chung cho việc làm nóng đồ ăn hay các mục đích khác. Quá trình thử nghiệm và kiểm chứng, hiệu quả của việc khử khuẩn khẩu trang bằng lò vi sóng có thể lên đến 99,999999%.

Hiện, các thông số thiết lập cho lò vi sóng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng bằng các thử nghiệm. Vì vậy, người dân áp dụng phương pháp này cần tuân thủ chính xác, để bảo đảm khả năng sát khuẩn, cũng như an toàn cho chính mình, tuyệt đối không tự ý sáng tạo, điều chỉnh mức thời gian hay công suất vì có thể gây cháy nổ. Loại khẩu trang được khuyến nghị sử dụng cho phương pháp khử khuẩn này là khẩu trang vải, khẩu trang y tế dùng 1 lần đạt chuẩn.

Làm hỏng tác dụng ngăn virus của khẩu trang

Công nghệ tái khử trùng khẩu trang là có. BS Trần Văn Phúc cho biết, khi sản xuất khẩu trang, có công đoạn khử trùng bằng khí ethylene oxide, rất tiếc là chỉ có thể thực hiện ở cơ sở sản xuất khẩu trang, người dân không thể làm được. Hơn nữa, khẩu trang liên tục hấp thụ hơi nước do cơ thể con người thở ra trong quá trình sử dụng, hơi nước sẽ làm mất dần các điện tích của lớp lọc nên giảm khả năng hấp phụ, vì thế mà nhà sản xuất không được phép dùng khẩu trang cũ để khử khuẩn theo phương pháp này rồi tái sử dụng.

PGS.TS Phạm Văn Nho, Phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội cho rằng, lò vi sóng chắc chắn sẽ diệt hết virus, nhưng đa phần các gia đình hiện nay sử dụng lò vi sóng để hâm nóng và chế biến thức ăn. Chắc hiếm có gia đình nào mua lò vi sóng chỉ để diệt khuẩn khẩu trang. Trong khi việc cho khẩu trang vào trong lò có lẫn dầu mỡ, thức ăn bám dính, có thể sẽ không bảo đảm vệ sinh. Có rất nhiều cách để tái sử dụng khẩu trang, kể cả là khẩu trang y tế mà không cần thiết phải sử dụng đến một chiếc lò vi sóng chuyên dụng. 

Việc giặt, phơi khẩu trang dưới nắng đã có thể diệt sạch vi khuẩn đến trên 90%. Trước khi sử dụng, có thể đem máy sấy tóc sấy qua lớp trong và ngoài của khẩu trang, hoặc cho vào máy sấy quần áo. Nếu không có máy sấy thì dùng bàn là, ủi kỹ hai mặt của khẩu trang là có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng. Ngoài ra trên thị trường hiện nay, có nhiều loại dung dịch nano diệt khuẩn, có thể xịt vào khẩu trang để bảo vệ khỏi Covid-19, có tác dụng tương đương các loại khẩu trang diệt khuẩn.

BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho rằng, việc cho khẩu trang vào lò vi sóng để diệt khuẩn là không hiệu quả. Lí do, khi xịt nước lên khẩu trang để quay trong lò, các giọt nước hấp thụ năng lượng từ sóng viba làm tăng nhiệt độ lên rất cao sẽ gây biến tính sợi polypropylen, nhưng virus kích thước siêu nhỏ cỡ nanomet có thể không nằm trong giọt nước nên không nhận đủ năng lượng từ vi sóng để bị ảnh hưởng, nghĩa là virus ít bị phá hủy. Mặt ngoài của khẩu trang N95 và khẩu trang y tế có một lớp “chống thấm nước”. Lớp này làm cho nước, máu, mủ, các loại dịch, nước bọt, giọt bắn… rất khó xâm nhập. Cồn 75% có sức căng bề mặt khác xa so với nước, nên khi tẩm cồn vào khẩu trang để khử trùng, thì lớp “chống thấm nước” bị phá hủy, chức năng ngăn chặn sẽ không còn.

Một phương pháp khác là chiếu tia cực tím diệt virus được nhiều người lựa chọn.

Coronavirus rất nhạy cảm với tia cực tím. Vật liệu polypropylen là chất nhiệt dẻo, sợi siêu mỏng có khả năng chống lão hóa kém và rất nhạy cảm với các tia cực tím. Sau khi được chiếu xạ bằng tia cực tím, cấu trúc sợi sẽ bị phá hủy hoặc suy thoái oxy hóa một cách nhanh chóng, điều này sẽ làm giảm đáng kể hiệu suất lọc. Nghiên cứu của nhà sản xuất cho thấy, khẩu trang N95 và khẩu trang y tế luộc trong nước, hấp, sấy, khử trùng bằng cồn, chiếu tia cực tím, hay cho vào lò vi sóng quay; thì khả năng ngăn chặn virus từ 95% giảm xuống còn 60% tương đương với khẩu trang vải mà thôi.

Trong điều kiện quá khan hiếm khẩu trang hiện nay, các chuyên gia cho rằng nếu khẩu trang không phải dùng ở người ốm, ở trong bệnh viện, hay những nơi có nguy cơ cao như nơi công cộng, trên tàu xe; thì người khỏe mạnh vẫn có thể dùng lại khẩu trang của chính mình một vài lần, nhưng tổng thời gian đeo cái khẩu trang ấy không nên quá 6 giờ, khoảng cách giữa hai lần sử dụng nên cách nhau ít nhất 3 ngày để đảm bảo virus đã bị tiêu diệt do không tồn tại được ngoài môi trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ