Chỉ đến khi không chịu được những cơn đau dồn dập hành hạ với tần suất liên tục nhiều người mới đi khám và đã ở giai đoạn nặng.
TS Phạm Duy Hiền - Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Trung ương, một trong những bác sĩ đã từng xử lý nhiều ca liên quan đến u buồng trứng trẻ em đã đưa ra những khuyến cáo cho các bậc phụ huynh có con trong độ tuổi dậy thì.
TS Phạm Duy Hiền |
Thưa TS, u buồng trứng không còn xa lạ với nhiều người nhưng không ít người giật mình khi nhận được thông tin u buồng trứng ở trẻ em, thậm chí những bé chỉ mới 9 - 10 tuổi?
- Không phải bây giờ u buồng trứng ở trẻ em mới xuất hiện. Đây là bệnh có từ lâu nhưng hiện nay mới được chú ý. Một thực tế là, không ít ca u buồng trứng trẻ em bị bỏ ngỏ, không được chẩn đoán đúng cũng như không ai nghĩ tới.
Hiện chưa có số liệu cụ thể về u buồng trứng, nhưng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi tuần tiếp nhận 1 - 2/ca được xác định u buồng trứng.
U buồng trứng là loại bệnh thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là người trưởng thành. Bệnh tuy ít gặp ở các bé gái nhưng có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Từ bé gái trước dậy thì đến bà cụ đã mãn kinh từ rất lâu, từ người bình thường đến phụ nữ mang thai đều có thể bị u buồng trứng với tỉ lệ khác nhau tùy thuộc vào từng loại khối u.
Theo một thống kê, tỉ lệ u buồng trứng từ 5 - 10% trong cộng đồng dân số nữ. Người ta lo lắng nhất khi có u buồng trứng là do những biến chứng của nó, trong đó biến chứng hóa ác hay hóa ung thư buồng trứng là một biến chứng rất nguy hiểm đe dọa tính mạng, sức khỏe, tuổi thọ và việc điều trị phức tạp, tốn kém và bất cứ khối u buồng trứng nào cũng có khả năng hóa ác tính.
Nguy cơ u buồng trứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi thời kỳ nhưng thực tế hiện nay nhiều người không biết rõ về bệnh để có cách phát hiện, đặc biệt là ở trẻ em. Khi con gái có biểu hiện đau bụng nhiều gia đình cho rằng đau do bệnh khác mà “lãng quên” đến u buồng trứng. Theo TS., có cách nào để cha mẹ có thể tự phát hiện bệnh cho con từ sớm?
- U buồng trứng thường không có dấu hiệu điển hình. Hầu hết các bé gái được phát hiện bệnh khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở vùng hạ vị (dưới rốn).
Ở giai đoạn đầu, trẻ không có triệu chứng đặc biệt, chỉ hay đau bụng lâm râm dưới vùng rốn, sờ vào sẽ dễ dàng phát hiện u do trẻ có thành bụng mỏng.
Hầu hết bệnh nhi nữ được phát hiện khi nhập viện do đau bụng đột ngột, kèm theo nôn ói và có khối u ở hạ vị. Cũng có trường hợp bệnh được tình cờ phát hiện khi siêu âm bụng.
Một số trường hợp trẻ có thể có chu kỳ kinh nguyệt không đều, dậy thì sớm, nam hóa, trẻ có thể đau vùng bụng dưới âm ỉ hoặc từng cơn.
Đặc biệt, một số trường hợp u nang quá to gây chèn ép các cơ quan xung quanh ổ bụng thì có thể xuất hiện một số triệu chứng tưởng chừng như không liên quan đến bệnh như tiểu rắt, tiểu khó (nếu chèn ép bọng đái), tiêu bón (chèn ép trực tràng), phù hai chi dưới (chèn ép hệ tĩnh mạch)…
Do đó, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở chuyên khoa nếu thấy có một trong các triệu chứng như đau bụng dữ dội liên tục hoặc đau co thắt vùng bụng dưới, nôn, đôi khi trẻ có thể bị choáng vì đau; bụng to bất thường; sờ thấy khối ở vùng bụng kèm theo đau ở vùng này.
Trong trường hợp phát hiện muộn, trẻ em bị u buồng trứng có nguy cơ đối mặt với nguy hiểm nào, thưa TS?
- U buồng trứng nếu không được phát hiện kịp thời rất dễ gây biến chứng: Xoắn cuống khối u, vỡ u, chèn ép các cơ quan xung quanh, biến thành u ác tính. Xoắn cuống khối u thường gây đau bụng dữ dội, trong khi vỡ u gây đau bụng kèm dấu hiệu chảy máu bên trong.
Nếu không được can thiệp đúng, u buồng trứng có thể xảy ra các biến chứng như: Xoắn u nang, nhất là đối với các u nang lớn có cuống; vỡ u nang, do u quá lớn kèm xuất huyết bên trong u; chèn ép các tạng xung quanh, khi u phát triển quá lớn và phát hiện quá muộn.
Việc chẩn đoán bệnh, ngoài thăm khám lâm sàng, còn kết hợp thêm các phương pháp như siêu âm vùng bụng chậu, xét nghiệm dấu ấn ung thư, xét nghiệm giải phẫu bệnh, hóa mô miễn dịch (rất quan trọng để xác định mô tế bào và tính chất lành ác).
U ác tính, nếu phát hiện và điều trị muộn, sẽ gây xâm lấn vùng chậu và di căn đến các cơ quan xa như gan, phổi và não. Tuy vậy, việc điều trị bệnh này hiện có nhiều tiến bộ, vừa bảo đảm được tính mạng vừa duy trì hoạt động nội tiết và khả năng sinh con khi các bé gái trưởng thành.
Với trường hợp phải phẫu thuật, bệnh nhi sẽ được thực hiện như thế nào?
- Phương thức điều trị u buồng trứng phụ thuộc tuổi của bệnh nhi, tính chất lành hay ác tính của khối u và giai đoạn tiến triển của bệnh. Phẫu thuật nội soi mang lại tỉ lệ thành công lớn, đặc biệt là ở trẻ gái và nữ vị thành niên. Trong hơn 90% trường hợp, các bác sĩ có thể bảo tồn được một phần buồng trứng của bệnh nhân.
Phẫu thuật nội soi đang có ưu thế hơn mổ mở vì ít xâm lấn, dễ dàng quan sát toàn bộ ổ bụng và buồng trứng bên kia, ít gây tổn thương cho mô buồng trứng hơn khi bóc tách và đặc biệt thẩm mỹ. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ buồng trứng được chỉ định khi có khối u ác tính hoặc buồng trứng bị xoắn nhiều.
Với bệnh nhi, khi phải phẫu thuật u buồng trứng điều quan trọng là bảo tồn tối đa buồng trứng, các cơ quan trong cơ thể. Bởi buồng trứng ngoài chức năng cơ bản sinh đẻ sau này, đây còn là cơ quan tiết ra hoóc môn duy trì nội tiết tố ở phụ nữ.
Nếu mắc u buồng trứng cắt hết buồng trứng là cách tốt nhất để u không tái phát. Tuy nhiên, các bé còn nhỏ không thể cắt bỏ hết buồng trứng được nên nguy cơ tái phát là hoàn toàn có thể. Do đó, bệnh nhân cần kiểm tra lại theo định kỳ.
Trong số những ca đã phẫu thuật u buồng trứng tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỉ lệ tái phát thấp, kết quả kiểm tra định kỳ khá tốt.
Xin cảm ơn TS!