Không thể khoán trắng

GD&TĐ - Giáo dục và phát triển kỹ năng của trẻ ban đầu cần được thực hiện trong môi trường gia đình, đến nhà trường, rồi sau mới là xã hội. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, trong môi trường gia đình hiện nay nhiệm vụ này ít được các bậc cha mẹ quan tâm hướng dẫn. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong lúc đó, nhà trường, với chương trình học nặng về kiến thức, chạy theo thi cử, ít có điều kiện và không gian để hài hòa dạy người song hành với dạy kiến thức. Vì thế, tình trạng học sinh yếu kỹ năng sống trở nên phổ biến.

Thiếu sự rèn luyện, trải nghiệm thực tế để hình thành những kỹ năng cần thiết, trẻ dễ sinh thói quen ỷ lại người khác, bản lĩnh cá nhân kém, dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xung quanh, thiếu khả năng kiềm chế hành vi cá nhân, từ đó khó thành công trong cuộc sống, công việc và xây dựng gia đình riêng khi trưởng thành.

Xuất phát từ nhu cầu rèn kỹ năng sống cho con của không ít bậc cha mẹ, đặc biệt ở các đô thị lớn, các lớp, trung tâm giáo dục kỹ năng sống theo mô hình dịch vụ bùng nổ trong những năm gần đây. Mới đây, chỉ tính riêng TPHCM, Sở GD&ĐT thành phố này đã công bố danh sách bao gồm 95 đơn vị được cấp phép hoạt động đào tạo kỹ năng sống.

Đáng nói, so với cùng kỳ năm ngoái toàn thành phố chỉ có 54 trung tâm, thì năm nay, con số đơn vị mở dịch vụ đào tạo kỹ năng sống tăng gần gấp đôi! Tuy nhiên, đấy chỉ là các đơn vị đã có giấy phép. Thực tế, vẫn có không ít tổ chức (như trung tâm ngoại ngữ) và cá nhân tham gia đào tạo kỹ năng sống không phép, cũng đã và đang tồn tại.

Phụ huynh cho con học gì ở các lớp kỹ năng sống? Thực tế tại các trung tâm, đơn vị này cho thấy nội dung chương trình đào tạo chủ yếu trang bị cho học sinh những kiến thức, giá trị, thái độ và kỹ năng phù hợp; Rèn luyện kỹ năng sống nhằm giúp học sinh hình thành giá trị nhân cách, rèn luyện hành vi, thái độ sống tích cực, chủ động; kỹ năng toán trí tuệ; kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng tư duy... Mức học phí cũng không phải rẻ, từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng/tháng tùy điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ, thương hiệu của đơn vị.

Sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở giáo dục kỹ năng sống là một tín hiệu tốt, ghi nhận sự chung tay của xã hội trong việc tạo thêm môi trường trải nghiệm, thực hành, chia sẻ trách nhiệm của nhà trường và gia đình góp phần giáo dục trẻ toàn diện. Tuy nhiên, khi dịch vụ giáo dục kỹ năng sống cũng là “con gà đẻ trứng vàng” đối với một số nhà đầu tư thì vấn đề chất lượng cũng có nhiều điều đáng lưu ý. Trong đó, giáo trình giảng dạy bê nguyên xi nước ngoài hay tự biên tự diễn, phù hợp lứa tuổi hay không, nhân sự giảng dạy được thẩm định chuyên môn chưa vẫn là một ẩn số với không ít địa chỉ?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đánh giá, nhiều người dạy kỹ năng mềm có vấn đề và thiếu chuẩn. Cá biệt ở một trung tâm, có người bị sa thải hơn 10 công ty vẫn đi dạy kỹ năng mềm. Nhiều người biến buổi dạy kỹ năng mềm thành nơi trình diễn bản thân, quảng bá hình ảnh cá nhân nghĩ rằng môn này chỉ học cho vui nên không quan tâm đến các chuẩn mực khác!

Phát triển kỹ năng cho trẻ là một quá trình, và gia đình vẫn là cái nôi của giáo dục, nhà trường là lực lượng hỗ trợ, không thể khoán trắng cho dịch vụ chỉ trong thời gian ngắn một vài tháng. Một vài kỹ năng lý thuyết, thực hành trên lớp chỉ có ý nghĩa thị phạm, muốn hiệu quả với trẻ phải duy trì, vận dụng sáng tạo và lâu dài. Trẻ càng nhỏ thì vai trò giáo dục gia đình càng quan trọng. Chính những sinh hoạt hằng ngày ở nhà, sự tham gia và hướng dẫn của cha mẹ có vai trò quyết định trong hình thành kỹ năng sống cho trẻ.

Giám đốc một trung tâm giáo dục kỹ năng sống cho biết: “Nhiều trẻ tuổi teen lần đầu đến trung tâm trong học kỳ hè chưa từng biết xếp chăn mền khi ngủ dậy. Sau khóa học, các em thực hiện được việc này nhưng… khi trở về gia đình, không ai nhắc nhở, lại trở về lối sống như cũ. Xây dựng kỹ năng của trẻ không phải ngày một, ngày hai. Nếu kỳ vọng quá nhiều ở dịch vụ, khoán trắng cho dịch vụ, thiếu sự kiên trì phối hợp ở môi trường gia đình, hiệu quả sẽ không như ý”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.