Không “tẩy chay” tiền mặt mùa dịch

Không “tẩy chay” tiền mặt mùa dịch

Đưa tiền cũ vào phòng... cách ly

Theo các nghiên cứu khoa học của một số trường đại học uy tín trên thế giới, trong đó có Trường Đại học New York (Mỹ), tiền giấy ẩn chứa tới gần 3.000 loại vi khuẩn. Không ít trong số chúng có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm. Với cơ chế lây bệnh khó lường, virus chủng Corona mới hoàn toàn có thể lưu trú trên tiền giấy và lây lan trong quá trình sử dụng.

Ở các quốc gia lớn trên thế giới, để ngăn chặn dịch viêm phổi cấp do virus chủng Corona mới (2019-nCoV) gây ra, các ngân hàng trung ương đã có biện pháp tẩy trùng và cách ly tiền mặt cũ khỏi lưu thông, đưa tiền mới vào thay thế. Vào tuần trước, ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã sử dụng tia cực tím và lò sấy nhiệt độ cao để khử trùng tiền mặt. PBOC cũng bắt đầu thay thế các tờ tiền cũ bằng tiền mới được in, nhân viên được phép làm việc từ xa...

Trong thói quen giao dịch của người Việt Nam, tiền mặt đóng góp một vai trò rất lớn, chiếm tới 90% trong hoạt động thanh toán thường nhật. Vì thế, không thể “cách ly” tiền mặt ra khỏi thanh toán như nhiều tin đồn được lan rộng trước đó.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch virus Corona đang bùng phát như hiện nay, dù chưa có trường hợp nào chứng minh việc lây nhiễm 2019-nCoV qua đường giao dịch tiền mặt, song nguy cơ thực tế là có. Bởi vậy, vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt cần được chú ý một cách nghiêm túc, ít nhất cũng phải hạn chế phương thức lưu thông này.

Đây là một trong những giải pháp được đưa ra tại Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi virus Corona gây ra được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức mới đây.

Tại hội nghị, khi nói về rủi ro lây bệnh qua giao dịch tiền mặt, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở Việt Nam nhưng lại chưa có đủ phương tiện để khử trùng tiền mặt.

Hơn nữa, việc “cách ly” tiền mặt có thể gây chậm trễ, gián đoạn giao dịch. Do đó, để giảm rủi ro lây nhiễm của dịch bệnh và không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người dân, NHNN đã chỉ đạo ngân hàng các tỉnh, thành phố tính toán đưa tiền mới vào lưu thông.

“Số tiền cũ quay vòng nhận về từ khách hàng, các ngân hàng sẽ tạm thời để lưu trong khu vực cách ly với thời gian đủ lâu và đưa vào sử dụng ở thời điểm thích hợp, vẫn bảo đảm an toàn khi giao dịch”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu rõ.

Tăng lưu thông thanh toán điện tử

Song song với việc bảo đảm nhu cầu giao dịch tiền mặt của người dân, lãnh đạo NHNN cũng khuyến khích các ngân hàng và công ty tài chính thúc đẩy hình thức thanh toán điện tử để hạn chế rủi ro trong giao dịch trực tiếp. Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết NHNN đã giao Vụ Thanh toán của NHNN nghiên cứu cơ chế hướng dẫn bổ sung để sớm hoàn thiện hình thức này.

Đây là cơ hội lớn để các ngân hàng phát triển và tuyên truyền cho phương thức thanh toán điện tử vốn đã và đang trở nên ngày càng phổ biến hiện nay.

Các ngân hàng lớn như SHB, HDBank, SeABank, TP Bank... đã có những động thái đầu tiên nắm bắt cơ hội này và tung ra các chương trình khuyến khích khách hàng sử dụng phương thức thanh toán trực tiếp khi giao dịch liên quan đến tiền. Đồng thời, các ví điện tử cũng tận dụng cơ hội để quảng bá nhiều hơn cho các tiện ích thanh toán của mình tới từng người dân.

Với tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh chiếm tới 72% hiện nay, tham vọng dịch chuyển thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử không phải là khó thực hiện. Tuy nhiên, lựa chọn nhà cung cấp nào lại còn phải tùy thuộc vào khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng của từng ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp trong mùa dịch

Trong hội nghị kể trên, NHNN cũng đã họp bàn với các ngân hàng thương mại nhằm đưa ra phương án tín dụng cho các ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch viêm phổi Vũ Hán do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, dịch bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là các ngành dịch vụ du lịch, logistics, xuất nhập khẩu, sản xuất nông nghiệp… từ đó ảnh hưởng đến hoạt động cho vay, trả nợ ngân hàng.

Ông khẳng định, NHNN sẽ thúc đẩy các hệ thống ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễm giảm lãi vay… theo quy định hiện hành.

Ông Tú cũng yêu cầu Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế chủ động nghiên cứu để trong thời gian sớm nhất (không quá 2 tuần) hoàn thành dự thảo cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng vay vốn ngân hàng bị tác động bởi dịch bệnh này. Tuy nhiên, các ngân hàng không được lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng và việc phân loại, xử lý nợ xấu.

Phó Thống đốc cũng đánh giá hiện thanh khoản của các ngân hàng thương mại hiện đang dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn nên các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. “Trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ có điều chỉnh để gián tiếp hỗ trợ các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân”, ông Tú nói.

Trả lời báo chí, TS Nguyễn Anh Phong, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng (Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM) có nhận định: Các thành phố lớn hiện nay đã quen với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, người dân ở các vùng nông thôn và đối tượng người lớn tuổi thường rất khó tiếp xúc với hình thức thanh toán văn minh này. Đây cũng là dịp nên đẩy mạnh truyền thông hơn để mục tiêu thanh toán không tiền mặt phát triển hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ