Không phải là… thủ kho

GD&TĐ - Một bạn đọc gửi đến Báo GD&TĐ lời chia sẻ, đại ý rằng, trường học của cô nói riêng và một số nơi khác chưa thực sự coi trọng thư viện và nhân viên thư viện. 

Thư viện là môi trường tự học của học sinh. Ảnh: Bắc Việt
Thư viện là môi trường tự học của học sinh. Ảnh: Bắc Việt

Bạn đọc kể: Trong cuộc họp bàn giải quyết công việc cho một giáo viên bị kỷ luật, nhiều ý kiến đề nghị nên điều chuyển giáo viên này sang kiêm nhiệm công tác thư viện. “Thư viện đâu phải kho sách? Nhân viên thư viện đâu phải thủ kho. Ai làm việc chưa tốt tìm cách “đẩy” sang làm thư viện thì làm sao thư viện phát triển hiệu quả?”, người đọc bức xúc.

Câu chuyện trên không phải là cá biệt. Cho đến nay, số trường học có nhân viên thư viện được đào tạo bài bản còn quá ít, đa số vẫn kiêm nhiệm. Thực tế, vẫn có nhiều người làm rất tốt, tâm huyết với sự nghiệp truyền bá văn hóa đọc đến HS, nhưng không ít trong số đó là những giáo viên non tay nghề, có điều tiếng về chuyên môn, thậm chí vừa qua án kỷ luật, tâm lí thả lỏng 8 tiếng/ngày rồi nhận lương.

Với lý do kiêm nhiệm không có chuyên môn nên làm chưa tốt, nhiều thư viện chỉ mở ra rồi đóng lại theo lịch cho đúng kế hoạch, chẳng khác nào nhà kho. Tình hình thư viện rộn ràng hơn ở cấp tiểu học, nhưng càng lên cao ở THCS, THPT càng đìu hiu.

Thủ thư nhiều lúc như bị lãng quên, chỉ khi có đoàn kiểm tra nào đó về trường thì mới xuất hiện để chỉnh lý, đi sắp xếp. Đến nỗi, phó giám đốc một sở GD&ĐT của thành phố lớn trong một hội nghị về công tác thư viện đã phải kêu lên: “Các đồng chí thư viện đừng coi mình là thủ kho. Nếu là thủ kho thì mất đi 90% ý nghĩa của người làm nghề thư viện và không cần phải đào tạo chuyên môn nghiệp vụ. Cần phải tổ chức được những hoạt động liên quan đến thư viện để thu hút người đọc”.

Chưa bao giờ vấn đề khơi dậy văn hóa đọc lại trở nên khẩn thiết như bây giờ, khi ngay từ thuở chập chững, trẻ em đã biết giải trí trên smartphone với hàng loạt chương trình game hấp dẫn. Trong muôn vàn kế vực dậy văn hóa đọc, thư viện trường học, kho tri thức phải là trung tâm khơi dậy tinh thần ham đọc sách, bổ sung và làm giàu kiến thức, cũng như nâng cao kiến thức của trẻ. Tình trạng lãnh đạo nhà trường còn thờ ơ với thư viện trường học nên buông lỏng quản lý đã làm lãng phí một nguồn tài nguyên văn hóa lớn, hạn chế việc nâng cao chất lượng dạy và học.

Thư viện hiệu quả phải hoạt động tích cực song song với kiến thức HS lĩnh hội. Bên cạnh việc đầu tư phòng ốc, thiết bị để đạt chuẩn, thiết nghĩ, quan trọng hơn là cần có nhận thức đúng và quan tâm đầu tư cho nhân viên - Trái tim của thư viện. Đó không hẳn chỉ là thực hiện các chế độ đúng luật, hỗ trợ tiền tiết thư viện cho giáo viên đứng buổi 2 tốt hơn, mà phải bắt đầu từ công tác tuyển chọn, dùng người cho phần việc này theo đúng phương châm “dụng nhân như dụng mộc”.

Nhân viên thư viện nếu kiêm nhiệm phải được chọn lựa từ đội ngũ nhân sự là những người thật sự yêu thích đọc và biết truyền bá văn hóa đọc qua hoạt động giới thiệu sách, biết chủ động tham mưu cho lãnh đạo để phát triển thư viện chứ không phải lấy từ nguồn nhân sự dôi dư hay có vấn đề. Thực tế cho thấy, ngay cả những nơi dù phòng ốc thư viện còn hạn chế, có thể nằm ở vị trí khuất nẻo, nhưng vẫn thu hút học sinh, hoạt động hiệu quả, bởi nơi đó có những người làm công tác thư viện có tâm, có tầm, biết truyền lửa văn hóa đọc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội học thực hành. Ảnh: Website nhà trường

Các trường có 'nhờn luật'?

GD&TĐ - Thanh tra Bộ GD&ĐT đã có Kết luận về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học...