Không ngừng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của báo chí

Không ngừng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của báo chí
(GD&TĐ) - Báo chí chúng ta cần nhận thức sâu sắc và thực hiện đầy đủ những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: không ngừng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của báo chí.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã dự và phát biểu tại "Lễ kỉ niệm 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam" (21/6/1925- 21/62010) do TƯ Hội nhà báo Việt Nam tổ chức tối ngày 21/6 tại Hà Nội.
Dự buổi lễ có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Trưởng Bộ TT-TT Lê Doãn Hợp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Võ Văn Ninh, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TƯ Hội nhà báo Việt Nam cùng sự có mặt của đông đảo các nhà báo trong cả nước.
Không ngừng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của báo chí ảnh 2
Chủ tịch TƯ Hội nhà báo Việt Nam, Đinh Thế Huynh. Ảnh, gdtd.vn
Tại buổi lễ, Chủ tịch TƯ Hội nhà báo Việt Nam, Đinh Thế Huynh ôn lại những thời kỳ lịch sử của báo chí Cách mạng Việt Nam từ khi ra đời (năm 1925) đã đồng hành cùng tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trong ngày kỉ niệm vẻ vang này, những người làm báo bồi hồi tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập nền báo chí Cách mạng Việt Nam; tưởng niệm đến hơn 400 nhà báo-liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của nền báo chí Cách mạng nước nhà.
Kể từ khi thành lập, phát hành bí mật và công khai, báo chí đã vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn và sự đàn áp của kẻ thù để tuyên truyền Cách mạng, cổ vũ lòng yêu nước, và tinh thần dân tộc góp phần thắng lợi trong các phong trào lật đổ làm nên Cách mạng tháng Tám huy hoàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Những năm kháng chiến chống thực Pháp đầy hy sinh gian khổ, để kịp thời phản ánh mọi diễn biến cuộc chiến đấu, nhiều cán bộ, phóng viên đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Báo chí đã thông tin kịp thời, chính xác đường lối, chủ trương của Đảng, phương châm và những quyết sách nhằm đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của nhân dân ta, những đợt tuyên truyền lớn của báo chí ở trong Nam và ngoài Bắc đã tạo tiếng vang lớn, lần lượt góp phần đánh thắng những đợt hành quân, những chiến dịch quy mô lớn của Đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ đó nhiều nhà báo đã xông pha ở những vùng chiến sự ác liệt và không ít người đã anh dũng hy sinh.
Trên cả hai miền Nam-Bắc, các nhà báo đã thông tin kịp thời những chiến công vang dội, động viên quân dân cả nước hăng hái tham gia giết giặc lập công, thi đua lao động sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu; đưa tiếng nói của Đảng, của Bác Hồ đến với mỗi người dân đã cổ vũ, khích lệ Chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân ta chiến đấu và chiến thắng...
Ở mặt trận ngoại giao, trong gần 5 năm diễn ra Hội nghị Pa-ri, báo chí đã vạch trần và lên án tội ác chiến tranh của Đế quốc Mỹ cùng bọn tay sai, qua đó làm cho nhân dân tiến bộ trên thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ tiến bộ hiểu rõ và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta góp phần to lớn vào thắng lợi trên mặt trận ngoại giao. 
Trong công cuộc đổi mới đất nước, báo chí Cách mạng đã kịp thời đưa các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân; phát hiện nhân rộng các điển hình tiên tiến, những tấm gương dũng cảm quên mình vì an ninh tổ quốc và Trật tự an toàn xã hội...Đồng thời báo chí đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, bài trừ các tệ nạn xã hội, chống lại các âm mưu và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch.
Không ngừng nâng cao tính chân thật, tính giáo dục và tính chiến đấu của báo chí ảnh 3
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: chưa bao giờ có nhiều phương tiện thông tin hiện đại và đội ngũ những người làm báo hùng hậu như hiện nay . Ảnh, gdtd.vn
Tại buổi lễ: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ghi nhận và biểu dương những đóng góp to lớn của lực lượng báo chí Cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong thời kỳ đổi mới; xứng đáng với phần thưởng Huân chương Sao vàng mà Đảng và Nhà nước trao tặng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: chưa bao giờ nước ta có nhiều loại hình báo chí với số lượng và chất lượng như hiện nay; chưa bao giờ có nhiều phương tiện thông tin hiện đại và đội ngũ những người làm báo hùng hậu như hiện nay.
Hiện toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là sự nghiệp vô cùng to lớn nhưng cũng hết sức khó khăn, đòi hỏi xã hội phải có sự đồng tâm nhất chí cao, quyết tâm nỗ lực rất lớn, có niềm tin vững chắc và có ý chí, nghị lực phi thường. Báo chí với những chức năng cao quý của mình, phải làm sao góp phần tạo nên sự đồng tâm và sức mạnh đó. 
Để được như vậy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị báo chí: Tiếp tục làm tốt việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phản ánh sinh động những vấn đề thực tiễn của cuộc sống, phát hiện, biểu dương, nhân rộng những nhân tố mới, gương "người tốt- việc tốt", những điển hình tiên tiến, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Đấu tranh chống những quan điểm sai trái, làm thất bại chiến lược diễn biến hoà bình, âm mưu lật đổ của các thế lực thù địch. Báo chí góp phần tích cực xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự buổi lễ, Ảnh, gdtd.vn
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự buổi lễ, Ảnh, gdtd.vn
Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã trao tặng Hội nhà báo Việt Nam Huân chương Sao vàng.
Trong khuôn khổ buổi lễ, TƯ Hội nhà báo Việt Nam đã công bố và trao giải cho các tác phẩm báo chí xuất sắc của "Giải báo chí năm 2009". Đã có 130 tác phẩm đoạt giải, trong đó 1 tác phẩm đoạt giải A, 19 giải B, 54 giải C và 56 tác phẩm giải khuyến khích.

Cả nước hiện có 706 cơ quan báo chí gồm: 178 tờ báo in, 528 tạp chí in, một hãng thông tấn quốc gia, một Đài phát thanh, 1 Đài truyền hình quốc gia, một đài truyền hình của ngành, 63 Đài PT-TH địa phương, 500 Đài PT-TH cấp huyện, thị xã. Bên cạnh đó, báo điện tử phát triển mạnh, tạo nên một mạng thông tin báo chí điện tử sôi động có sức thu hút hàng triệu lượt người đọc trong và ngoài nước truy cập mỗi ngày.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân sao vàng cho Hội nhà báo Việt Nam. Ảnh, gdtd.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao tặng Huân sao vàng cho Hội nhà báo Việt Nam. Ảnh, gdtd.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao giải cho Nguyễn Thị Hoàng Anh và Dương Thế Hiển đồng tác giả của tác phẩm "Trạm cân Dầu Giây- Lợi bất cập hại" đoạt giải A. Ảnh, gdtd.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trao giải cho Nguyễn Thị Hoàng Anh và Dương Thế Hiển  đồng tác giả của tác phẩm "Trạm cân Dầu Giây- Lợi bất cập hại" đoạt giải A. Ảnh, gdtd.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch TƯ Hội nhà báo Việt Nam, Đinh Thế Huynh trao giải B cho nhóm tác giả đoạt giải. Ảnh, gdtd.vn
 Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch TƯ Hội nhà báo Việt Nam,    Đinh Thế Huynh trao giải B cho nhóm tác giả đoạt giải.  Ảnh, gdtd.vn
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trao tặng giải B cho các tác phẩm thuộc thể loại tin, bài phản ánh phát thanh, phóng sự, phóng sự điều tra,... Ảnh, gdtd.vn
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên trao tặng giải B cho các tác phẩm thuộc thể loại tin, bài phản ánh phát thanh, phóng sự, phóng sự điều tra,... Ảnh, gdtd.vn
Bá Hải

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.