Không nên học chỉ vì bằng cấp

GD&TĐ - Theo thống kê của Công ty tuyển dụng Navigos Search, số sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học không có việc làm cao gấp 5 lần học viên trường nghề.

Không nên học chỉ vì bằng cấp

Vào cuối tháng 3 tới, các học sinh lớp 12 sẽ nộp nguyện vọng vào các trường cao đẳng và đại học. Hiện nay, các em đang băn khoăn xem sẽ chọn học trường gì, nghề gì. Liệu có nhất thiết phải chen chân vào các trường đại học lớn hay không?

Theo thống kê năm 2017, có hơn 600.000 thí sinh thi trung học phổ thông nộp đơn xét tuyển vào đại học, chiếm khoảng 75% hồ sơ xét tuyển. Như vậy, hầu hết các em học sinh đều có nguyện vọng được vào học một trường đại học.

Tuy nhiên, nhiều sinh viên cầm tấm bằng đại học trên tay không đồng nghĩa có cơ hội việc làm như ý. Trong khi đó, các sinh viên trường nghề, cao đẳng, trung cấp kỹ thuật vẫn có nhiều khả năng tìm kiếm được việc làm tốt, đảm bảo về tài chính.

Bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực miền Bắc Công ty tuyển dụng Navigos Search (sở hữu trang web tuyển dụng trực tuyến Vietnamwoks) cho biết: Các nhà tuyển dụng có quan tâm bằng cấp. Nhưng quan trọng hơn, họ quan tâm chất lượng bằng cấp đó như thế nào chứ không phải bằng của bạn là cao đẳng hay đại học, kỹ thuật nghề.

Nhà tuyển dụng quan tâm năng lực của ứng viên có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không, khả năng bắt nhịp môi trường ra sao và thái độ công việc thế nào.

Thực tế đáng buồn là phần lớn sinh viên ra trường hiện nay không đáp ứng được những yêu cầu đó của nhà tuyển dụng. Muốn sử dụng được lực lượng lao động, các doanh nghiệp phải chấp nhận đào tạo lại từ đầu, kể cả những sinh viên tốt nghiệp từ trường đại học hàng đầu.

Một trong những vấn đề đầu tiên mà các doanh nghiệp phải đào tạo lại cho sinh viên là ý thức công việc. Nhiều đơn vị tuyển dụng cho biết ý thức của không ít bạn trẻ mới ra trường kém. Sinh viên bước ra từ những trường đại học có tiếng thường mắc tâm lý tự kiêu, có phần ảo tưởng.

Do đó, nhiều công ty ngầm quy định tránh tuyển sinh viên từ những trường này, mặc dù đây là những cơ sở tên tuổi trên thị trường giáo dục. Điều này có nghĩa học tại một trường đại học thuộc hàng top, có danh tiếng cũng chưa chắc có việc làm như ý.

Về xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời gian tới, bà Lan cho biết: Những công việc liên quan công nghệ sẽ cần nguồn nhân lực lớn trong cuộc cách mạng 4.0. Thời điểm này có khoảng 60% công việc mới ra đời so với trước năm 2000, đòi hỏi kỹ thuật cao. Nếu sinh viên chỉ học những môn truyền thống trong nhà trường, các bạn sẽ không đáp ứng được nhu cầu công việc.

Ví dụ về lĩnh vực may mặc, da giày, trước đây, các công ty nước ngoài vào nước ta rất nhiều, đặt trụ sở, nhà máy tại Việt Nam để có được nguồn nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học công nghệ, toàn bộ hệ thống sản xuất đã được thay thế bằng robot. Doanh nghiệp không cần nhân công trực tiếp tham gia sản xuất từng chi tiết nhỏ như trước, trong khi máy móc có thể làm tốt hơn.

Từ đó thấy rằng cuộc công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ thay đổi rất nhiều, từ công việc đến đào tạo, ngành nghề trong tương lai. Những ngành liên quan công nghệ sẽ cần nguồn nhân lực rất lớn, có cơ hội việc làm cao, ổn định.

Do vậy, các học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời hãy chọn công việc mình đam mê bởi vì không phải tất cả cánh cửa mở ra cho tương lai các bạn đều phải đi qua cổng trường đại học. Nhiều cơ sở có cơ chế đào tạo, liên kết tốt giữa nhà trường và doanh nghiệp. Vì thế, các bạn đi ra từ trường nghề vẫn có công việc với mức thu nhập ổn định.

Clip: VTV

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...