(GD&TĐ) - 15/4 là ngày đầu tiên quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo Thông tư số 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực. Mặc dù quy định Thông tư đã nêu rõ: “Xe đang lưu thông trên đường, không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” nhưng người dân vẫn lo lắng liệu ra đường có bị CSGT hỏi về đăng ký xe.
Cuối buổi sáng 15/4, tại “chốt” ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo do các chiến sĩ thuộc đội 1 Phòng CSGT Hà Nội phụ trách, các phóng viên chứng kiến nhiều phương tiện bị chặn lại và xử phạt tại chỗ do vượt đèn đỏ, lấn làn đường. Tuy nhiên, chưa có trường hợp nào bị hỏi đến vấn đề “chính chủ”. Một sĩ quan quân đội rẽ phương tiện trái làn vừa nhận biên bản xử phạt xong, quay ra cho biết: Ngay từ tối qua ở nhà đã bảo nhau xe chưa kịp chuyển đăng ký, từ ngày mai ra đường đi đứng cẩn thận kẻo bị xử phạt, nhưng vội vàng thế nào vẫn rẽ nhầm đường, may mà lỗi chưa chuyển đổi quyền sở hữu xe không bị hỏi đến. Một tài xế cho biết, sáng 15/4 anh đi từ quê ra Hà Nội (150km) hết gần 4 tiếng, trong khi mọi lần chỉ đi 3 tiếng. Lý do là xe chưa đổi chủ, sợ nhỡ đâu vượt quá tốc độ lại bị hỏi cả đăng ký xe chính chủ thì phiền phức. Chiến sĩ CSGT trẻ trực tại “chốt” Bà Triệu - Trần Hưng Đạo cũng xác nhận: Chỉ huy đội đã quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của Thông tư, tuyệt đối không dừng xe để hỏi về chủ quyền phương tiện.
Đội tuần tra cơ động của CSGT Hà Nội kiểm tra giấy tờ của người vi phạm giao thông chiều 15/4 trên đường Giải Phóng. Ảnh Khánh Sơn |
Tại “chốt” ngã tư Đại Cồ Việt - Giải Phóng, một số người dân vi phạm giao thông đang bị xử lý tại chỗ cũng xác nhận không bị hỏi đến tên sở hữu xe, dù 3 trong số 4 người vi phạm có tên trên đăng ký khác với trên bằng lái xe. Trao đổi nhanh với báo chí chiều 15/4, Đại tá Đào Vinh Thắng, Trưởng phòng CSGT Hà Nội, cũng nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo của Phòng là lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ chỉ xử lý những hành vi vi phạm giao thông và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; không được phép yêu cầu kiểm tra, xử lý lỗi không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Đại tá Đào Vinh Thắng còn cho biết nếu người dân phát hiện lực lượng CSGT làm chưa đúng nhiệm vụ thẩm quyền, có thể phản ảnh trực tiếp và kịp thời qua đường dây nóng của Phòng CSGT thành phố (số 04.39396 886). Tùy mức độ vi phạm, phòng CSGT sẽ đưa ra hình thức kỷ luật cụ thể.
Tuy vậy, vị lãnh đạo này cũng đề nghị người dân nên nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ sang tên đổi chủ phương tiện theo đúng quy định; đặc biệt là đối với trường hợp xe đã đăng ký, chuyển nhượng qua nhiều người; vốn đã được Bộ Công an hướng dẫn cụ thể tại Thông tư số 12/2013/TT-BCA, cũng chính thức có hiệu lực từ 15/4/2013 và kéo dài đến ngày 31/12/2014.
Điều 9. Xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (Điểm e Khoản 3 và Điểm c Khoản 6 Điều 33 Nghị định số 34), Thông tư 11/2013/TT-BCA 1. Xe đang lưu thông trên đường, không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”. 2. Thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe (sau đây gọi là mua, bán xe không sang tên) theo quy định tại Thông tư của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm: “mua, bán xe không sang tên” và xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định. |
Khánh Sơn