(GD&TĐ) - TS Nguyễn Văn Biên – Phó Chủ nhiệm khoa Vật Lý – Trường ĐHSP Hà Nội, đã bảo vệ luận án Tiến sĩ chuyên ngành “Lí luận và phương pháp dạy học bộ môn vật lý” tại CHLB Đức, khẳng định: Mấu chốt của đổi mới dạy học phải là sự đồng bộ giữa toàn bộ thành tố trong hệ thống.
->> Bài học hình thành từ trò chơi
Hai khâu cần đổi mới nhất: nhân lực và đánh giá
Theo TS Nguyễn Văn Biên, việc đổi mới dạy học không chỉ có đổi mới phương pháp mà còn là sự đổi mới đồng bộ về mục tiêu, chương trình dạy học, nội dung dạy học, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trong dạy học. Một thành tố nữa rất quan trọng đó là đổi mới việc quản lí chất lượng nhân lực ngành giáo dục.
Vấn đề nổi cộm nhất của giáo dục phổ thông hiện nay chính là sự thiếu đồng bộ giữa các thành tố dạy học nói trên, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ của khâu kiểm tra đánh giá. Vì vậy, TS Nguyễn Văn Biên khẳng định: Hai khâu cần đổi mới nhất để đảm bảo tính hệ thống đó là nhân lực và đánh giá.
Dư luận xã hội do ảnh hưởng bởi cơ chế tuyển dụng dựa trên bằng cấp, ảnh hưởng sâu đậm của việc học để làm quan từ thời phong kiến đã tạo ra một guồng quay cuốn toàn bộ quá trình dạy học vào các kì thi. Trong khi bản thân các kì thi này lại chưa đánh giá được mục tiêu giáo dục đã được đề ra trong chương trình. Để vượt qua được các kì thi, đặc biệt là kì thi tuyển sinh đại học, học sinh rèn luyện những kiến thức, kĩ năng không cần thiết và hầu hết là bị lãng quên ngay sau kì thi. Đây là một sự lãng phí lớn trong giáo dục.
Mấu chốt của đổi mới dạy học phải là sự đồng bộ
Không có phương pháp dạy học nào tối ưu trong mọi trường hợp |
Khẳng định mấu chốt của đổi mới dạy học phải là sự đồng bộ giữa toàn bộ thành tố trong hệ thống, theo TS Nguyễn Văn Biên, để việc đổi mới dạy học có hiệu quả cần thực hiện đồng thời những việc sau:
Đổi mới chế độ tiền lương của giáo viên, sao cho quy toàn bộ các thu nhập của giáo viên thành lương.
Đổi mới cách đào tạo và tuyển chọn giáo viên, phân bổ hợp lí giữa chỉ tiêu tuyển sinh của các trường sư phạm với chất lượng đội ngũ giảng viên của từng trường cũng như chất lượng sinh viên đầu ra, tuyển chọn có thể ít nhưng đảm bảo chất lượng đầu vào. Một sinh viên có năng lực đầu vào thấp sẽ khó có thể trở thành một giáo viên giỏi. Có sự gắn kết chặt chẽ giữa các trường sư phạm và các trường phổ thông trong khâu đào tạo và bồi dưỡng giáo viên.
Có chính sách tập huấn có sát hạch đối với các nhà quản lí. Thay đổi nội dung và cách thức kiểm tra đánh giá. Tôn trọng vai trò của giáo viên trong quá trình đánh giá, phối hợp giữa đánh giá kết quả với đánh giá quá trình.
Thêm nữa, đó là dư luận xã hội về giáo dục, điều này phụ thuộc vào nhận thức của toàn thể xã hội nên đòi hỏi một sự vận động lâu dài. Qua kinh nghiệm bản thân, TS Nguyễn Văn Biên thấy rằng, hiện nay một đối tượng cha mẹ học sinh có những quan niệm hết sức tiên tiến về việc học, việc thi của con em mình, họ sẵn sàng trả tiền cao để con em mình được hưởng một chế độ học tập chất lượng.
Người thầy: cơ chế khuyến khích và năng lực
Nhân lực là một trong hai khâu cần đổi mới nhất. Ảnh: Lê Văn |
Có thể thấy một thực tế rằng, cũng trong môi trường ấy, nhưng nhiều giáo viên đã tạo được “thương hiệu” với những bài giảng đầy sức cuốn hút khiến học sinh yêu thích, say mê. Điều đó chứng tỏ nỗ lực từ bản thân người thầy là rất quan trọng. Nhưng, việc làm thế nào để đổi mới phương pháp trở thành động lực tự thân của mỗi giáo viên chứ không phải là cách làm hình thức, chỉ được đầu tư mỗi buổi thao giảng, dự giờ không hề đơn giản.
Đồng tình với nhận định này, TS Nguyễn Văn Biên đã chỉ ra 2 yếu tố để giáo viên có động lực đổi mới dạy học một cách mạnh mẽ, đó là cơ chế khuyến khích và năng lực giáo viên.
“Nếu xã hội tôn vinh những người thầy có nhiều học sinh đạt được giải này giải khác tại các kì thi mà không tôn vinh những người thầy hướng tới việc rèn luyện các năng lực của học sinh thì sẽ không duy trì được việc đổi mới dạy học. Mặt khác, nếu giáo viên không có năng lực thì dù có muốn thực hiện đổi mới cũng không làm được. Như vậy một trường hợp là thực hiện được nhưng không làm còn một trường hợp là muốn nhưng không thực hiện được.
Chẳng hạn, đối với giáo viên Vật lí, các nhà lí luận và bản thân các giáo viên đều biết rõ vai trò của việc sử dụng thí nghiệm trong dạy học, nhưng vì năng lực thực nghiệm không phải là một năng lực được đánh giá trong các kì thi nên giáo viên dù muốn cũng không thể mất nhiều thời gian, công sức cho việc sử dụng thí nghiệm được. Thời gian dạy học là như nhau, cách dạy tốt nhất để đạt được kết quả cao nhất đó là luyện thật nhiều bài theo dạng các đề thi, cho nên giáo viên không muốn mất thời gian vào việc tiến hành thí nghiệm” – TS Nguyễn Văn Biên cho hay.
TS Nguyễn Văn Biên lưu ý thêm: Không có phương pháp dạy học nào là tối ưu trong mọi trường hợp, giáo viên cần được đào tạo về kiến thức chuyên ngành và kiến thức về phương pháp dạy học để có thể vận dụng một cách linh hoạt tùy từng đối tượng học sinh. Đơn cử như CNTT và thiết bị là một thành tố trong quá trình dạy học, nên nó cũng cần có sự sử dụng đồng bộ, sao cho giúp học sinh đạt được các mục tiêu dạy học, chứ không phải sử dụng như một vật trang trí cho bài dạy. CNTT hay thiết bị dạy học không tạo ra bài học thành công, mà cách thức sử dụng chúng để hỗ trợ quá trình nhận thức của học sinh mới là điều quan trọng.
Hải Bình