Không để xảy ra hiện tượng dạy chữ trước cho trẻ

Không để xảy ra hiện tượng dạy chữ trước cho trẻ

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã thẳng thắn đề nghị các Sở, địa phương báo cáo rõ những kết quả đã đạt được về các mặt như: Nói không với bệnh thành tích, đổi mới phương pháp, vấn nạn bạo lực học đường, 3 công khai và kế hoạch thực hiện công tác phổ cập Mầm non 5 tuổi.

fd
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại HN

Qua báo cáo của ngành giáo dục đào tạo 5 TP lớn cho thấy rất nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng một số lĩnh vực cũng không kém phần thách thức..

Đã  đổi mới nhưng còn nhiều vướng mắc

Nổi bật là băn khoăn về hành lang pháp lý và định biên cho việc triển khai dạy ngoại ngữ ở cấp tiểu học (thí điểm dạy Anh văn cho học sinh lớp 3 tại 5 TP lớn).

Rồi vấn đề triển khai các đề án kiên cố hóa trường lớp, thực trạng phát triển giáo dục các bậc học, công tác phân luồng và thực hiện việc đổi mới cơ chế tài chính.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, ông Huỳnh Văn Hoa cho biết: Ngành giáo dục Đà Nẵng trong năm qua vẫn tiếp tục theo đuổi và kiện toàn những mục tiêu phát triển mà chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cũng như chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính Phủ về “ Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục” và nhiệm vụ chủ đề của năm học là “Năm học đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Thành tựu đạt được hết sức đáng vui mừng. Tuy nhiên, một số khó khăn và thách thức vẫn còn như: các khoản thu sự nghiệp của ngành tiếp tục gặp khó khăn, hạn chế trong việc hỗ trợ ngân sách cho các hoạt động dạy và học. Nhiều đơn vị trường học, nhất là trường ngoài công lập, trường ở vùng khó khăn chưa xây dựng được các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao tỉ lệ xếp loại học lực, ứng dụng CNTT, cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy.

Ông Đỗ Thế Hùng, giám đốc Sở GD-ĐT TP Hải Phòng cũng nêu lên một số khó khăn của địa phương đang còn tồn đọng và quyết tâm khắc phục trong tới đây như: công tác kiên cố hóa trường lớp, ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp giảng dạy, phát triển mạng lưới trường lớp…

Đồng thời đưa ra những kiến nghị như: Bộ cần xem xét và ban hành mức thu học phí ở các cấp học để phù hợp với điều kiện và tình hình hiện nay ở các địa phương. Phân cấp quản lý một cách triệt để hơn nữa để các trường thuộc khối giáo dục chuyên nghiệp: TCCN, TC nghề, CĐ cộng đồng, để các trường thuận lợi hơn. Đặc biệt, cần xem lại việc chỉ đạo dạy bộ môn GDQP cho phù hợp với tình hình thực tế bởi lẽ hiện nay không có giáo viên. 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Tài, phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM cho rằng: Chúng ta cần phải xác định rõ quan điểm đánh giá để tránh những vướng mắc. Bởi nếu chỉ xác định quan điểm và đánh giá như cách mà ngành giáo dục hiện nay đang làm ( Luôn đòi hỏi ở người giáo viên, một người quản lý phải xây dựng một ngôi trường, một lớp học đều phải xuất sắc hết) e rằng sẽ đẩy ông thầy giáo và người làm quản lý trên đi đến chỗ không trung thực và sa vào bệnh thành tích bởi chính áp lực do cái quan điểm thiếu thực tế trên mang lại.

Cần minh bạch, rõ ràng và chi tiết hơn

Đó là đề nghị của bà Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non khi cho rằng báo cáo của các Sở không làm rõ ra những vấn đề đang nóng sốt hiện nay để từ đó cùng nhau đưa ra những giải pháp.

Trong đó bà nhấn mạnh đến 5 vấn đề chính, đó là công tác quản lý các trường mầm non có yếu tố nước ngoài hiện nay ra sao? Cách thức xử lý hiện tượng cho trẻ học trước tuổi được thực hiện như thế nào? Đội ngũ nhân viên y tế trong các trường hiện nay đã được cải thiện chưa? Giải pháp nào cho sự thiếu hụt trên. Vấn đề quy hoạch đất đai, trường lớp, phòng ốc ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa đã làm đến đâu để chuẩn bị thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi?

Đồng ý quan điểm với bà Lê Minh Hà, Vụ trưởng Vụ giáo dục Tiểu học Lê Tiến Thành đề nghị các trường, các địa phương cần phải thực chất và cụ thể hơn trong hành động để đổi mới chất lượng giáo dục, phương pháp giảng dạy tại các trường. Vụ trưởng đề nghị các địa phương, sở GD-ĐT cần quan tâm sát sao hơn các trung tâm ngoại ngữ nhằm giữ vững định hướng phát triển và đòi hòi về chất lượng của nhân dân.

Ông Nguyễn Bá Cần, phó Cục trưởng Cục cơ sở vật chất thì bức xúc khi cho rằng các địa phương luôn kêu thiếu quỹ đất để xây dựng trường lớp, thiếu sự hỗ trợ từ các cục, vụ trong đầu tư cơ sở vật chất. Nhưng trong bản báo cáo lại không hề thể hiện được công tác quy hoạch, sử dụng và khai thác như thế nào trong việc sử dụng cơ sở vật chất của địa phương mình.

Đồng chí Nguyễn Thành Tài đề nghị: Các Sở GD-ĐT cần phải thẳng thắn chỉ ra những gì còn tồn tại, xác định thật rõ, thật kỹ càng những nguyên nhân khiến cho một số công việc chưa được tốt, để từ đó có hướng khắc phục chứ không nên dừng ở mức báo cáo chung chung. Công tác phân luồng học sinh yếu kém cần phải được làm ngay từ cấp THCS nhằm tránh hiện tượng nghỉ, bỏ học. Quan điểm đầu tư cho giáo dục cũng cần phải làm và xác định một cách cụ thể, bài bản chứ không nên dựa vào những dự báo chủ quan từ những báo cáo mang lại. Có như thế mới mong chất lượng giáo dục, nền giáo dục phát triển và đi lên.

fs
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu bên lề HN

Ghi nhận những đóng góp từ các đại biểu, từ các cục, vụ chức năng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đánh giá: Nhìn chung, 5 TP lớn đều đã triển khai tích cực và có những tiến bộ đáng ghi nhận. Cụ thể là việc triển khai phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, việc thực hiện 3 công khai và Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Tuy nhiên, với những hạn chế còn vướng phải trong việc thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng CNTT, tình trạng cho trẻ học trước tuổi, đặc biệt là vấn đề bạo lực học đường…, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương cần phải nhanh chóng rà soát lại và thực hiện dứt điểm trong năm nay để hướng đến những mục tiêu, kế hoạch mới.

Trong đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đặc biệt lưu tâm việc các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch phổ cập mầm non 5 tuổi. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương, sở ngành phải xác định rõ mục tiêu và chiến lược phát triển như thế nào đến năm 2015. Phải cụ thể hóa được việc cân đối nguồn lực xem còn thiếu gì? Từ đội ngũ, cơ sở vật chất, tài chính, cơ chế, chính sách…Để từ đó xác định rõ mục tiêu và chủ động tập trung phát triển ở đâu.

Về vấn nạn bạo lực học đường, tình trạng cho trẻ học trước tuổi, cũng như những vướng mắc, lỏng lẻo trong quản lý các cơ sở trường học có yếu tố nước ngoài, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải sớm rà soát lại các văn bản pháp quy, nhằm kiện toàn các văn bản luật để đưa ra những chế tài cụ thể, rõ ràng với những sai phạm mà các trường có yếu tố nước ngoài vướng phải.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các trường, địa phương, cụ thể là 5 TP lớn cần sớm đưa ra lời hứa (sự khẳng định) sẽ không để xảy ra hiện tượng dạy chữ trước cho trẻ, cũng như không để xảy ra tình trạng bạo lực học đường liên tiếp như thời gian qua.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ