Không đề nghị đặc xá với tội khủng bố và xâm phạm an ninh quốc gia

GD&TĐ - Sáng 8/8, trong khuôn khổ của Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội, các đại biểu cho ý kiến về Luật Đặc xá (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Mở đầu phiên thảo luận, bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội trình bày một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Trên cơ sở đó, các đại biểu đã thảo luận một số vấn đề còn băn khoăn.

Theo đó, về thời điểm đặc xá (Điều 5 dự thảo Luật), nhiều ý kiến nhất trí quy định 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá (3 năm hoặc 5 năm/đợt); đề nghị quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2/9 hoặc ngày Tết Nguyên Đán hoặc ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4...

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTP đề nghị cho giữ 3 thời điểm đặc xá như dự thảo Luật của Chính phủ trình; không quy định thời điểm, tần suất cụ thể đặc xá mà giao cho Chủ tịch nước căn cứ các quy định của Luật và tình hình của đất nước ở từng thời kỳ để quyết định thời điểm đặc xá phù hợp, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

UBTP cũng đề nghị chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng, ngoài 2 đối tượng được đề nghị đặc xá như quy định của dự thảo Luật thì bổ sung thêm đối tượng là người đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (người này phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện như người đang chấp hành hình phạt tù, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù).

Về các trường hợp không đề nghị đặc xá theo Điều 12 của dự thảo Luật, bà Lê Thị Nga cho biết: UBTP nhận thấy, Luật Đặc xá hiện hành quy định không đề nghị đặc xá đối với trường hợp "Trước đó đã được đặc xá” hoặc “Có từ 2 tiền án trở lên”. Quy định này là chặt chẽ, phù hợp và qua thực tiễn thi hành không phát sinh vướng mắc, khó khăn.

Vì vậy, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Điều 12 dự thảo Luật đã được chỉnh lý, theo đó giữ lại 2 trường hợp không đề nghị đặc xá nêu trên; đồng thời, bổ sung các trường hợp không được đề nghị đặc xá đối với người bị kết án về một số tội quy định tại Chương XIII (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia), Chương XXVI (Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh) và Tội khủng bố (Điều 299) của BLHS.

"Theo dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) Chính phủ trình, một năm có 3 thời điểm đặc xá đó là: nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt. Việc quy định 3 thời điểm này là hơi dày. Nên quy định thời điểm đặc xá vào 2 thời điểm đó là: Tết Nguyên đán và Tết Độc lập" - ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ