(GD&TĐ) - Ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền có buổi đối thoại trực tuyến với nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ xung quanh các vấn đề xã hội đang quan tâm như: Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm, Dạy nghề giai đoạn 2012-2015; Vấn đề đảm bảo An toàn vệ sinh lao động, bảo hộ lao động; Hướng giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội, việc nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ; Xuất khẩu lao động...
Thúc đẩy dạy nghề, tạo việc làm
Chương trình mục tiêu Quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015 gồm 6 đề án (Đổi mới phát triển dạy nghề, Đào tạo dạy nghề cho lao động nông thôn; Vay vốn Quĩ quốc gia giải quyết việc làm, Hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Hỗ trợ phát triển thị trường lao động và Nâng cao năng lực truyền thông, giám sát đánh giá thực hiện chương trình). Mặc dù chậm phê duyệt nhưng theo Bộ trưởng một số dự án, chương trình đã được triển khai thực hiện từ năm 2010-2011 nên việc đảm bảo các chỉ tiêu cho cả kỳ vẫn có khả năng đạt kế hoạch.
Về mục tiêu đến năm 2015 cả nước đạt tỷ lệ 40% lao động. Những năm gần đây việc tuyển mới, dạy nghề những năm vừa qua gặp rất nhiều khó khăn (2 năm 2011-2012 chỉ tuyển mới dạy nghề cho 3,3 triệu người, bình quân đạt 1,65 triệu người/năm mới đạt 34% kế hoạch 5 năm). Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cần triển khai đồng bộ, quyết liệt từ các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành thì mới đạt chỉ tiêu 40% lao động qua đào tạo nghề vào 2015.
“Chú trọng tập trung tuyên truyền tạo nhận thức trong xã hội về việc học nghề cùng với việc triển khai phân luồng, tư vấn hướng nghiệp học nghề đối với học sinh THPT, củng cố nâng cao năng lực các cơ sở dạy nghề. Triển khai lồng ghép thực hiện các chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với các đối tượng hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số… có nhu cầu đều được học nghề”, là các giải pháp bà đưa ra.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Bà Chuyền cho rằng, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đang là một thực trạng nhức nhối. Ngoài việc tuyên truyền tạo nhận thức đến chủ sử dụng lao động, người lao động ý thức về đảm bảo an toàn trong sản xuất thì việc tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt những cơ sở sản xuất vi phạm an toàn vệ sinh lao động sẽ được chú trọng trong giai đoạn tới. Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án tăng cường năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH đến năm 2020, nghiên cứu xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội cho ý kiến về dự Luật An toàn vệ sinh lao động (năm 2014).
Về câu hỏi xung quanh việc nâng độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao làm công tác quản lý (Khoản 3, Điều 187, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012, có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013), Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, đây là vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ giao cùng các Bộ ngành soạn thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện “Quan điểm của Ban soạn thảo là Nghị định chỉ hướng dẫn luật, không được làm trái luật. Quá trình thực hiện rất thận trọng, Bộ LĐ-TB&XH luôn lắng nghe các ý kiến, tiếp thu, chỉnh lý để có bước đi, lộ trình thích hợp để không làm ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ”.
Lý giải nguyên nhân 12.000 hồ sơ thi tuyển tiếng Hàn trúng tuyển đã hết hạn nhưng vẫn chưa được giải quyết, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: “Do tỷ lệ lao động Việt Nam sang làm việc hết hạn hợp đồng bỏ trốn ở lại ở mức cao. Do vậy, phía Hàn Quốc thông báo chưa ký gia hạn bản tiếp nhận lao động mới để tập trung giải quyết số lao động Việt Nam hết hạn về nước. Bộ sẽ tập trung thực hiện các biện pháp tuyên truyền vận động cả tại Việt Nam và Hàn Quốc để người lao động hết hạn hợp đồng về nước. Cùng với đó là nghiên cứu xây dựng các chế tài ngăn ngừa lao động vi phạm”.
Anh Quang