Không còn băn khoăn khi hiểu rõ quy trình chấm thi

Không còn băn khoăn khi hiểu rõ quy trình chấm thi

(GD&TĐ) - Theo T.S Lê Hương Giang - Trưởng khoa Ngữ Văn - Trường ĐH Đồng Tháp: Việc chấm Văn đề mở đòi hỏi người chấm phải có cái nhìn “mở” trong thẩm định - đánh giá bài làm thí sinh.  Để các giám khảo thống nhất trong đánh giá, khâu thảo luận Hướng dẫn chấm trong bước tổ chức chấm chung cần thực hiện một cách nghiêm túc và cẩn trọng.

 

T.S Lê Hương Giang cho rằng: Đề môn Văn thi tốt nghiệp THPT 2013, đặc biệt ở câu 2 (nghị luận xã hội) thực sự tạo được sự quan tâm của dư luận xã hội.

Trước hết, đó là một thành công trong đổi mới cách ra đề Văn theo hướng mở với những tình huống cụ thể của đời sống. Đề mang tính thời sự nóng hổi gắn với một sự kiện vừa mới xảy ra không bao lâu làm xúc động cộng đồng nên đã có những tác động tích cực đối với HS ngay khi các em thực hiện nhiệm vụ thí sinh của mình.

“Trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi con người - nhất là lớp trẻ bị cuốn vào guồng quay của cuộc sống hiện đại, thái độ bàng quan và vô cảm đang trở thành một căn bệnh làm nhức nhối lòng người thì câu chuyện của học sinh Nguyễn Văn Nam đã đánh thức sự quan tâm của cộng đồng về lối sống, về nhân cách làm người từ những việc làm thiết thực với những người quanh ta.

Đề Văn về câu chuyện Nguyễn Văn Nam vì thế mang một ý nghĩa xã hội thật đáng trân trọng. Thông qua một tình huống cụ thể và có thật, những vấn đề của đời sống được đưa ra để HS bàn luận thật gần gũi và thiết thực trong định hướng lối sống và hình thành nhân cách cho HS.

Đề đã cụ thể hóa tinh thần đổi mới dạy- học môn Văn trong nhà trường phổ thông và hướng tới những mục tiêu của dạy- học môn Ngữ văn” - T.S Lê Hương Giang nhận định.

Về ý không cho điểm bài làm có suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực trong hướng dẫn chấm của Bộ GD&ĐT, sở dĩ dư luận băn khoăn lo lắng, theo T.S Lê Hương Giang, vì chưa nắm được quy trình chấm thi theo quy chế của Bộ.

Vì là hướng dẫn chung cho cả nước nên chỉ nêu tinh thần vận dụng, và việc học tập, thảo luận vận dụng hướng dẫn chấm sẽ cụ thể hóa những tình huống cụ thể với những dự kiến xử lí. Hơn nữa, trong bức tranh giáo dục hiện nay, tất cả giáo viên đều quán triệt tinh thần đổi mới dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá nên giám khảo hoàn toàn có thể xử lí các tình huống cụ thể.

Việc dạy Văn trong nhà trường phổ thông nhằm định hướng giáo dục đạo đức và nhân cách cho HS nên không thể chấp nhận những suy nghĩ “lệch lạc tiêu cực” kiểu chống lại ý đồ giáo dục đạo đức, nhân cách con người. (Ví dụ suy nghĩ cho rằng việc cứu những em nhỏ kia không phải là của mình, các em này phải trả giá cho trò nghịch ngợm, không nghe lời cha mẹ tắm sông …).

Và giáo viên phải hiểu và nhận ra thế nào “suy nghĩ lệch lạc , tiêu cực” để không thiệt thòi cho HS. (Ví dụ có thể có thí sinh cho rằng nếu rơi vào tình huống như Nam thì không hành động như thế vì em không biết bơi, em không thể lao xuống như Nam mà tìm cách khác để có thể cứu các em nhỏ - vấn đề là thí sinh lập luận như thế nào để thuyết phục giám khảo thấy rằng đó không phải là thói vô cảm).
 

   Hiếu Nguyễn (ghi)
 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ