Không có “sinh vật lạ” trên Trạm ISS

GD&TĐ - Các vi khuẩn vũ trụ không khác vi khuẩn Trái đất quá nhiều để có thể gây nguy hiểm cho các phi hành gia - Đó là nhận định của các nhà khoa học ở Trường ĐH Bách khoa McCormick thuộc ĐH Northwestern (Mỹ). 

Không có “sinh vật lạ” trên Trạm ISS

Các nghiên cứu di truyền học vi khuẩn trên quỹ đạo của các nhà nghiên cứu khẳng định chúng bị biến đổi, nhưng các đột biến đó giúp vi khuẩn tồn tại trong những điều kiện vũ trụ, không gây ra nguy hiểm cho con người.

Các nhà nghiên cứu quyết định kiểm tra xem trong những điều kiện môi trường như trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) các chủng vi khuẩn, chẳng hạn như vi khuẩn kháng kháng sinh có phát triển một cách nguy hiểm hay không. Các nghiên cứu cho thấy, đúng là các vi khuẩn “quỹ đạo” có thể khác với vi khuẩn trên Trái đất, để thích nghi với các điều kiện khó khăn và thay đổi, tuy nhiên chúng không gây nguy hiểm cho phi hành đoàn.

“Từ lâu, các nhà khoa học đã tìm hiểu xem các sinh vật, trong đó có vi khuẩn, có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện khác thường trên ISS (trong đó có tình trạng không trọng lượng, thiếu lưu thông khí, mức phóng xạ gia tăng) hay không? Vậy những điều kiện khắc nghiệt có khiến cho các siêu vi khuẩn ở đó có ưu thế? Có lẽ là không” - bà Erica Hartmann, đồng tác giả công trình nghiên cứu cho biết.

Dạng nghiên cứu này ngày càng trở nên quan trọng hơn trong mối liên quan đến các kế hoạch của các sứ mệnh có phi hành đoàn lên sao Hỏa. Cần biết rằng, trong những điều kiện của chuyến du hành vũ trụ, các vi khuẩn có thể phản ứng lại. “Suốt một thời gian dài, chúng ta sẽ du hành trong các khoang chứa (capsule) nhỏ, trong đó không thể trổ các cửa sổ, không có không khí lưu thông. Không có cách nào xác định những điều kiện đó đã ảnh hưởng đến các vi sinh ra sao” - Bà Hartmann nói.

Trên Trạm ISS có hàng nghìn loài vi khuẩn, đến Trạm qua trung gian là phi hành gia hoặc hàng hóa. Các phân tích hệ gen những vi khuẩn ấy được gửi về Trung tâm Thông tin Công nghệ Sinh học quốc gia Hoa Kỳ. Các tác giả sử dụng các dữ liệu để so sánh hai chủng vi khuẩn Staphylococcus aureus và Bacillus cereus trong môi trường Trái đất và quỹ đạo. Chủng vi khuẩn đầu tiên sống trên da người, chủng thứ hai- chủ yếu trong đất.

“Vi khuẩn sống trên da, thường quen với nhiệt độ và các chất hữu cơ - bà Hartmann nhấn mạnh - Nếu để chúng vào môi trường khác, chẳng hạn như trên thành tàu vũ trụ, chúng sẽ gặp một cú sốc lớn. Để tồn tại trong những môi trường như vậy, vi khuẩn buộc phải biến đổi”.

Ông Ryan Blaustein, đồng tác giả công trình nghiên cứu, bổ sung thêm: “Các phân tích gen cho thấy, vi khuẩn trên ISS biến đổi để thích nghi với các điều kiện sống trên đó, chứ không phải để gây bệnh. Chúng tôi không phát hiện ra điều gì có thể làm tăng độc tính vi khuẩn hay mức độ kháng kháng sinh”.

Các kết quả nghiên cứu này là tin tốt cho các nhà thiên văn học cũng như các du khách vũ trụ tiềm năng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý, những người ốm có thể mang các vi sinh mới lên quỹ đạo.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ