Không có chuyện luận án của ông Hoàng Xuân Quế bị đánh tráo

GD&TĐ - Trước nghi vấn do ông Hoàng Xuân Quế đặt ra rằng cuốn luận án tiến sĩ của mình có khả năng đã bị đánh tráo ở Thư viện Quốc gia, phía Thư viện Quốc gia khẳng định quy trình thu nhận, lưu giữ luận án của Thư viện rất chặt chẽ, do nhiều đơn vị biệt lập tham gia, không thể thực hiện được việc đánh tráo.

Luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế được đăng ký tại Sổ Đăng ký cá biệt số 25 năm 2003	(Số kho 9716, trang 136)
Luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế được đăng ký tại Sổ Đăng ký cá biệt số 25 năm 2003 (Số kho 9716, trang 136)

Không có chuyện đánh tráo

Trước đó, ông Hoàng Xuân Quế cho rằng, cuốn luận án tiến sĩ lưu tại Thư viện Quốc gia không có chữ ký của ông và các tài liệu kèm theo nên có thể đã bị đánh tráo. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT khẳng định, trong các quy định liên quan được áp dụng vào thời điểm năm 2003, chỉ có nội dung “Tác giả luận án cần có lời cam đoan danh dự về công trình khoa học này của mình”, không có quy định cụ thể về việc ký tên tại “Lời cam đoan”.

Vì vậy, nhiều luận án hiện đang được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia cũng không có chữ ký của tác giả tại “Lời cam đoan”; trong đó có cả luận án của ông Hoàng Xuân Quế và luận án của ông Mai Thanh Quế. Kết quả kiểm tra xác suất 12 cuốn luận án đang lưu tại Thư viện Quốc gia vào giai đoạn đó có tới 5 cuốn không có chữ ký của nghiên cứu sinh tại Lời cam đoan, đồng thời không có tài liệu khác nộp kèm theo.

Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế được nguyên Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký thay Bộ trưởng là đúng thẩm quyền, căn cứ theo các quy định của pháp luật và theo văn bản phân công các Thứ trưởng phụ trách các mặt công tác của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. 

Cũng có ý kiến cho rằng, cuốn luận án tại Thư viện Quốc gia và thư viện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân khác với cuốn luận án nộp tại Bộ GD&ĐT, nên không thể căn cứ vào cuốn luận án tại Thư viện Quốc gia để đưa ra kết luận. Bộ GD&ĐT đã xem xét cả ba cuốn luận án mà ông Hoàng Xuân Quế đã nộp theo quy định và nhận thấy:

Thứ nhất, cuốn luận án lưu tại Thư viện Quốc gia và cuốn luận án lưu tại thư viện Trường ĐH Kinh tế quốc dân hoàn toàn giống nhau cả về nội dung và hình thức.

Thứ hai, cuốn luận án mà ông Hoàng Xuân Quế đã nộp tại Bộ GD&ĐT có nội dung hoàn toàn giống với hai cuốn luận án kia. Trong ba cuốn này đều có 52,5 trang sao chép từ luận án của ông Mai Thanh Quế, nhưng có đôi chút khác biệt về dàn trang. Cụ thể, cuốn luận án nộp tại Thư viện Quốc gia: Chương 2 từ trang 58 đến trang 118, Chương 3 từ trang 119 đến trang 162; Cuốn luận án nộp Bộ GD&ĐT: Chương 2 từ trang 58 đến trang 119, Chương 3 từ trang 120 đến trang 163.

Theo quy định tại Quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT và văn bản hướng dẫn thực hiện của Bộ GD&ĐT, thời điểm nộp luận án cho Bộ GD&ĐT (để làm cơ sở thành lập Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước) diễn ra trước thời điểm nộp luận án cho các thư viện (sau khi đã bảo vệ luận án cấp Nhà nước). Vì vậy, sự khác nhau về một số chi tiết có tính hình thức nhưng giống nhau về nội dung giữa cuốn luận án nộp cho Bộ GD&ĐT và cuốn luận án nộp cho Thư viện Quốc gia như đã nêu trên càng khẳng định rõ hơn về việc sao chép.

Tuân thủ đúng quy trình

Trước ý kiến cho rằng, Kết luận dựa vào Biên bản xác minh của Hội đồng Chức danh giáo sư ngành kinh tế không thuyết phục, vì đối tượng được xác minh không phải là cuốn luận án được chấm tại Hội đồng chấm luận án, Bộ GD&ĐT có ý kiến:

Thứ nhất, trong ba cuốn luận án dùng để đối chiếu, căn cứ trước hết là cuốn mà ông Hoàng Xuân Quế đã nộp cho Bộ GD&ĐT làm cơ sở thành lập Hội đồng chấm luận án cấp Nhà nước. Tại các buổi làm việc trực tiếp và trong các văn bản giải trình, ông Hoàng Xuân Quế đều đề nghị Bộ GD&ĐT căn cứ vào cuốn luận án nộp tại Bộ để xem xét, kết luận về nội dung tố cáo.

Tiếp đến là cuốn luận án nộp tại Thư viện Quốc gia, sau khi ông Hoàng Xuân Quế đã bảo vệ thành công luận án ở Hội đồng cấp Nhà nước, để làm thủ tục cấp bằng tiến sĩ. Cuối cùng là cuốn luận án nộp tại thư viện Trường ĐH Kinh tế quốc dân - đây là tài liệu trong hồ sơ bảo vệ luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.

Ba cuốn luận án này, nghiên cứu sinh bắt buộc phải nộp và được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tiếp nhận, lưu giữ theo quy định của pháp luật. Các cuốn luận án này được nộp ở các thời điểm khác nhau, với các ý nghĩa pháp lý khác nhau và do các cơ quan có thẩm quyền khác nhau lưu giữ. Vì vậy, ba cuốn luận án của ông Hoàng Xuân Quế đã nộp đều là chứng cứ pháp lý đầy đủ.

Biên bản làm việc của giữa Bộ GD&ĐT với Thư viện Quốc gia ngày 30/9/2013
  • Biên bản làm việc của giữa Bộ GD&ĐT với Thư viện Quốc gia ngày 30/9/2013

Thứ hai, quy chế về tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ không bắt buộc các thành viên Hội đồng chấm luận án phải lưu giữ luận án của nghiên cứu sinh. Theo ông Hoàng Xuân Quế, ông chỉ xin lại được 4/7 cuốn luận án, song lại làm thất lạc một cuốn bìa cứng không có xác nhận của thành viên Hội đồng. Ba cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế cung cấp trong quá trình giải quyết tố cáo không đồng nhất, có dấu hiệu thay đổi một số trang. Vì vậy không thể dùng làm căn cứ xem xét, kết luận.

Cũng theo Bộ GD&ĐT, một số bên liên quan trong sự việc này đã có nhận thức không đúng về thời hiệu khiếu nại, tố cáo. Cụ thể Điều 28 của Quy chế đào tạo sau ĐH, ban hành kèm theo Quyết định số 18/2000/QĐ-BGDĐT và văn bản hướng dẫn thực hiện Quy chế này của Bộ GD&ĐT, chỉ xem xét để giải quyết kịp thời các vấn đề cần thiết để cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ cho người có đủ điều kiện; còn quyền tố cáo của công dân và trách nhiệm giải quyết tố cáo của cơ quan có thẩm quyền được quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo trước đây cũng như Luật Tố cáo hiện nay.

Theo đó, việc tố cáo và giải quyết tố cáo không có quy định về thời hiệu. Thực tế các cơ quan có thẩm quyền vẫn xem xét, xử lý các hành vi gian lận trong tuyển sinh, cấp phát văn bằng mỗi khi phát hiện hay có tố cáo, để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Cũng có ý kiến cho rằng, bản Kết luận có lỗi về thủ tục, sai thẩm quyền ký văn bản theo quy định của pháp luật về thanh tra. Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT khẳng định: Bộ GD&ĐT giải quyết vụ việc theo quy trình giải quyết tố cáo (căn cứ Luật Tố cáo, Nghị định số 76/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tố cáo và các văn bản có liên quan) chứ không theo quy trình thanh tra của Luật Thanh tra.

Cụ thể Bộ GD&ĐT đã áp dụng Chương IV Luật Tố cáo, quy định về việc “Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước về các lĩnh vực”. Theo đó, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT là người giải quyết tố cáo. Vì vậy, Bộ trưởng đã giao Thanh tra và các đơn vị chức năng xác minh nội dung tố cáo theo trình tự quy định, báo cáo Bộ trưởng ban hành kết luận theo thẩm quyền. Bản Kết luận mang tên “Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân” không phải là kết luận thanh tra, do đó không thể căn cứ vào Luật Thanh tra để khẳng định rằng việc ban hành Kết luận là sai thủ tục hay sai quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ