Không có chuyện “bên trọng, bên khinh”

GD&TĐ - Thẩm định sách giáo khoa là công việc quan trọng; do đó dù bất cứ tổ chức, cá nhân nào biên soạn thì vẫn có Hội đồng quốc gia thẩm định khách quan, công bằng, để bộ sách được lựa chọn bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ai cũng biết, sách giáo khoa chính là cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 1 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đâu đó vẫn còn có ý kiến băn khoăn về quy trình, tiêu chí để lựa chọn sách giáo khoa. Thực ra vấn đề này đã được nêu rõ tại Thông tư số: 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ GD&ĐT “Ban hành Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa, tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa, tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa”.

Chúng ta nên có niềm tin vào đánh giá, lựa chọn khách quan của Hội đồng thẩm định về sách giáo khoa. Bởi Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan; có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Vì thế sách giáo khoa đã được Hội đồng thẩm định là phù hợp với toàn quốc; bảo đảm phù hợp với thực tế dạy học của nhà trường ở những vùng miền khác nhau và đáp ứng yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục 2019 cũng quy định khá rõ ràng và tường minh rằng, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tài liệu giáo dục địa phương do UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn, đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, được hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học để thẩm định sách giáo khoa. Hội đồng và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định.

Với những quy định khá chặt chẽ như vậy nên bất kỳ bộ sách nào cũng có thể không đạt trước hội đồng thẩm định (nếu như không bảo đảm các tiêu chí ). Do đó, chúng ta cũng không nên quá ngạc nhiên khi có bộ sách này đạt mà bộ sách kia không đạt (nếu có).

Là người trực tiếp tham dự một số cuộc họp liên quan đến thẩm định sách giáo khoa, không riêng gì tôi, tất cả mọi người đều có chung cảm nhận: Quan điểm của Bộ GD&ĐT là, dù sách giáo khoa do Bộ GD&ĐT chủ trì biên soạn hay sách giáo khoa do các tổ chức cá nhân khác thực hiện cũng đều bình đẳng, công bằng trước Hội đồng thẩm định. Tất nhiên sẽ không có chuyện “bên nặng, bên nhẹ”, hay “bên trọng, bên khinh”; tất cả vì mục tiêu chung là chất lượng và vì sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ