Không chủ quan

GD&TĐ - Tính đến sáng 18/3 đã có hơn 2.000 trẻ mầm non ở Thuận Thành (Bắc Ninh) được đưa tới Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương ở Hà Nội để xét nghiệm ấu trùng sán lợn. Trước sự việc này, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế và các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo và cách điều trị bệnh.

Hành lang bệnh viện đến đầu chiều ngày 18/3 vẫn còn rất đông người nhà ngồi đợi xét nghiệm và lấy kết quả. Ảnh: Thế Đại
Hành lang bệnh viện đến đầu chiều ngày 18/3 vẫn còn rất đông người nhà ngồi đợi xét nghiệm và lấy kết quả. Ảnh: Thế Đại

Điều trị sớm để tránh lây lan

Trước sự việc người dân đổ xô cho con đi xét nghiệm tại hai bệnh viện trên, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết: Để biết người bệnh có mắc bệnh sán dây, ấu trùng sán lợn hay không, cần dựa vào các biểu hiện triệu chứng bệnh như: Đi ngoài ra đốt sán, rối loạn tiêu hóa, đau bụng kéo dài… cũng như sau khi đã thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Bệnh ấu trùng sán lợn sẽ được điều trị khỏi bằng các thuốc Praziquantel và Albendazole.

Người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng. Việc chẩn đoán có mắc bệnh ấu trùng sán lợn hay không cần dựa vào nhiều yếu tố vì xét nghiệm ELISA kháng thể dương tính có thể do đã bị nhiễm bệnh trước đó. Vì vậy, việc chẩn đoán chính xác nguồn lây truyền, đường lây cần có các điều tra, đánh giá dịch tễ cẩn thận, rõ ràng, chính xác, bảo đảm khách quan dựa trên các bằng chứng khoa học.

Hiện nay, ngành y tế vẫn theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị cho những người nhiễm bệnh, giảm thiểu lây lan trong cộng đồng, đặc biệt tập trung vào các biện pháp tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh, phối hợp với các cơ quan truyền thông, các ban ngành chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường để phòng tránh các trường hợp nhiễm bệnh.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh này đã có phác đồ điều trị, uống thuốc trong 1 ngày để tiêu diệt sán trưởng thành và trong vòng 2 tuần để tiêu diệt trứng sán. Đặc biệt, bệnh sán lợn gạo không có triệu chứng lâm sàng, không phải là bệnh cấp tính gây nguy hiểm đến tính mạng nên người dân không nên quá hoang mang, lo lắng. Cha mẹ cần bình tĩnh đưa con em mình đi khám để được điều trị bệnh kịp thời.

Không nên chủ quan

Trao đổi về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, chuyên gia bảo vệ trẻ em cho rằng: Các cơ quan bảo vệ trẻ em và các cơ quan chức năng cần lên tiếng đồng thời vào cuộc để sớm tìm ra nguyên nhân khiếnhàng chục trẻ ở Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn. Vì nếu là bệnh giun sán bình thường có thể điều trị được, tuy nhiên có khoảng hơn 1% ấu trùng sán lợn di chuyển lên mắt và lên não. Những trường hợp này khiến cho bệnh nhân bị mù lòa thậm chí bị tê liệt thần kinh. Thực tế ở nước ta cũng đã có bệnh nhân cũng đã chết vì sán lên não.

Vì vậy, ấu trùng sán lợn tuy không phải là bệnh cấp tính nhưng cũng là bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng. Việc các bà mẹ lo lắng đem con đi xét nghiệm cũng là việc thường tình và ai cũng làm khi phát hiện con ăn phải thực phẩm bẩn, trong đó có lợn gạo. Trước sự việc này, sự vào cuộc của ngành y tế cũng như chính quyền địa phương và nhà trường còn chậm trễ. Theo lý thuyết thì sẽ có thuốc để điều trị chỉ hai tuần là dứt điểm.

PGS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tỷ lệ nhiễm sán lợn của trẻ em tại 55 tỉnh, thành trong cả nước được khảo sát là 8 - 10%. Số trẻ em của huyện Thuận Thành được phát hiện bị nhiễm sán lợn vẫn nằm trong tỷ lệ chung của cả nước. Hơn nữa, với bệnh sán lợn thời gian ủ bệnh từ 3 tháng đến 10 năm.

Với các trẻ ở huyện Thuận Thành, có thể thời gian ủ bệnh từ trước đó, đến giờ đi xét nghiệm mới phát hiện ra. “Kết quả này không có gì bất thường. Chẳng qua người dân cứ đồn thổi lên thôi. Thời điểm hiện tại không phải vụ dịch, không phải ngộ độc thực phẩm, không phải bệnh cấp tính. Tỷ lệ xét nghiệm tương ứng với các tỉnh, thành khác mà chúng tôi đã công bố”, báo phunuvietnam dẫn lời bác sĩ Kính.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh; Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành; rau sống không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn; Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông. Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi.

  • (Khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.