Không chỉ trẻ con, người lớn cũng phải tiêm vắc xin để phòng bệnh sởi

GD&TĐ - Đó là khuyến cáo của TS.BS Đoàn Thu Trà - Phó giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai trước tình trạng bệnh sởi người lớn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Bệnh nhân đang điều trị sởi tại BV Bạch Mai.
Bệnh nhân đang điều trị sởi tại BV Bạch Mai.

Nhiều ca sởi biến chứng nguy hiểm từ người lớn

Đang điều trị bệnh sởi ngày thứ 5 tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai, anh N.A (29 tuổi, ở Bắc Giang) cho biết: anh vào viện do bị sốt cao khoảng 1 tuần, sau đó xuất hiện các nốt ban trên da. Tuy nhiên, anh chỉ nghĩ mình bị sốt virut thông thường và dùng thuốc hạ sốt, vì không nghĩ người lớn có thể mắc sởi.

Chỉ đến khi có những biến chứng sốt cao không dứt, ho và đau rát họng nhiều anh N.A mới đi khám và được chuẩn đoán anh đã mắc bệnh sởi biến chứng viêm đường hô hấp.

Hiện Trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho khoảng chục ca sởi người lớn có biến chứng. Có thời điểm Trung tâm tiếp nhận tới 10 ca sởi một ngày, trong đó có cả trường hợp là phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch...

Trước đó theo thống kê, trong tháng 5/2019, số ca mắc sởi điều trị tại trung tâm là 70 ca, trong đó phổ biến là trong độ tuổi 25-35, hầu hết các bệnh nhân đều chưa tiêm phòng vắc xin sởi.

TS.BS Đoàn Thu Trà cho biết: Tỷ lệ mắc sởi ở người lớn khá cao, lại thường chủ quan và không nghĩ mình có thể mắc sởi, chỉ đến khi rất nặng, hoặc có biến chứng như viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có ca bị sởi biến chứng viêm não, viêm màng não rất nặng mới đến viện thăm khám và điều trị.

Các chuyên gia cho biết sởi bùng phát ở người lớn có thể là nguồn lây dễ dàng cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng.

“Phòng bệnh là vô cùng quan trọng và biện pháp đặc hiệu là tiêm vắc xin. Bất kỳ người lớn nào chưa từng mắc sởi hay chưa tiêm phòng cần bổ sung mũi tiêm này càng sớm càng tốt”, TS. Đoàn Thu Trà nhấn mạnh.

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu

Tiêm phòng sởi là biện pháp hữu hiệu.
Tiêm phòng sởi là biện pháp hữu hiệu. 

Ông Trần Đắc Phu Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh: các đối tượng mắc bệnh sởi chủ yếu chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi trong đó có cả trẻ em, người lớn và phụ nữ mang thai.

Để phòng chống bệnh sởi, bộ Y tế đã tổ chức 2 chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella tại 88 huyện của 19 tỉnh có nguy cơ cao và tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ 1-5 tuổi cho khoảng 4,2 triệu trẻ tại 418 huyện của 57 tỉnh, thành phố từ cuối năm 2018 đến nay, đồng thời đẩy mạnh tiêm vắc xin sởi trong Chương trình tiêm chủng mở rộng định kỳ hàng tháng.

Để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã khuyến cáo: *Người dân cần chủ động thực hiện tiêm chủng vắc xin, đây là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và tốt nhất phòng bệnh sởi", ông Trần Đắc Phu cảnh báo như vậy.

- Phải đưa trẻ từ 9-12 tháng đến cơ sở y tế để được tiêm vắc xin phòng sởi mũi 1, tiêm nhắc lại mũi 2 khi trẻ đủ 18 tháng tuổi; Đưa trẻ đi tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh sởi tại các vùng nguy cơ theo các đợt tổ chức tiêm của ngành y tế và chính quyền địa phương.

- Trẻ trên 5 tuổi và người lớn chưa được tiêm vắc xin sởi cần được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng dịch vụ, nếu không tiêm sẽ có nguy cơ rất cao mắc bệnh sởi bất kỳ lúc nào.

* Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải, kính, cốc, chén, bát, đũa ...), đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng. Làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.

Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường từ 1 - 2 lần/ngày.

* Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng điều trị hàng ngày.

Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc người nghi mắc bệnh, khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.

* Khi có các dấu hiệu của bệnh sởi (sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban) cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ