Không chỉ quản phòng hát

Không chỉ quản phòng hát

(GD&TĐ) - Lĩnh vực kinh doanh karaoke đã được Chính phủ cho cấp phép trở lại từ năm 2010, bằng Nghị định 103 quy định về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng. Song dự kiến đến cuối năm nay, TP.HCM mới cấp lại giấy phép kinh doanh loại hình này. 

Ngành văn hóa đang tổ chức kiểm tra thực tế tình hình hoạt động karaoke trên toàn địa bàn để tổng hợp báo cáo lên UBND thành phố. Hàng tháng, cơ quan chức năng đều tổ chức các cuộc họp về đề án quy hoạch karaoke, vũ trường. 

Vừa qua đã có các báo cáo sơ bộ về việc quy hoạch lĩnh vực kinh doanh ngành nghề nhạy cảm này đến năm 2020, tầm nhìn 2025. Từ đây, căn cứ theo quy hoạch được duyệt, việc cấp phép mới được tiến hành. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở VH,TT&DL TPHCM cho biết, cơ quan chuyên trách sẽ khống chế số lượng giấy phép tùy theo điều kiện, nhu cầu thực tế của từng địa bàn dân cư và theo quy hoạch tổng thể, chứ không làm tràn lan.

Thủ tướng Chính phủ từng ra Chỉ thị chấn chỉnh các hoạt động tiêu cực trong các vũ trường, quán bar, karaoke, ngưng cấp phép kinh doanh trong khu vực này suốt 5 năm từ 2005 - 2010. Thế nên, ở địa bàn rộng lớn, phức tạp như TPHCM, sự thận trọng của nhà quản lý trong việc tái cấp phép đối với loại hình karaoke, một trong những ngành nghề nhạy cảm cùng với kinh doanh vũ trường, quán bar, là cần thiết. Thống kê của Sở VH,TT&DL cho thấy toàn thành phố có hơn 500 cơ sở karaoke hợp pháp, nhưng cũng lại có gần 200 tụ điểm kinh doanh hát hò chui cùng hơn 300 điểm karaoke trá hình bằng hình thức phòng thu âm. Những tiêu cực, sai phạm làm cả lĩnh vực giải trí vốn lành mạnh này bị vạ lây, hầu hết nằm ở các cơ sở ngoài luồng. 

Quyết tâm rà soát, sắp xếp lại những ngành nghề kinh doanh đặc thù, đã được thể hiện qua chỉ thị 13 do UBND thành phố ban hành năm 2012. Theo văn bản này, hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar có những biến tướng không đúng chức năng ngành nghề đăng ký, phát sinh và gia tăng các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do đó UBND thành phố đã yêu cầu Sở VHTTDL rà soát, lập danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm; xây dựng, quy hoạch ngành nghề karaoke, vũ trường trên địa bàn thành phố đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025, kiên quyết không cấp phép đối với hoạt động kinh doanh ngoài quy hoạch được phê duyệt. 

Tuy vậy, quản lý ngành kinh doanh có điều kiện như dịch vụ karaoke, vốn đang bị một bộ phận doanh nghiệp hám lợi, lợi dụng làm nhiều việc vi phạm pháp luật, thì chỉ đơn thuần quản phòng hát với những quy định về khoảng cách 200m xa trường học, bệnh viện..., diện tích, mức cách âm, màu sắc cửa..., dù nghe rất cụ thể, vẫn là chưa đủ. Bên trong cánh cửa kính không màu theo quy định về điều kiện mở phòng karaoke, còn có nhiều chuyện liên quan. Chẳng hạn, trên thực tế rất nhiều tụ điểm karaoke lớn ở TPHCM không chấp hành quy định ngưng hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng, theo khoản 7 điều 32 của quy chế kèm theo Nghị định 103. Lý do chính mà các chủ cơ sở đưa ra là nếu không lách luật thì chẳng thể nào thu hút được khách, nhất là dân chơi thâu đêm - nguồn thu nhập chủ yếu. 

Điều kiện hạ tầng bảo đảm, giấy phép đầy đủ, nhưng lại phát nhạc cấm, mở cửa quá giờ quy định, thậm chí biến tướng tệ nạn, thì các cơ sở kinh doanh karaoke mới chỉ làm được nửa vai trò giải trí của mình. Quy hoạch karaoke của TPHCM được triển khai theo hướng nào, thành từng khu vực riêng để dễ giám sát hay trải rộng theo năng lực quản lý thực tế của các địa bàn, nếu bỏ qua đặc điểm “nguyên thủy” của nó là loại hình giải trí mang tính chất, quy mô gia đình, thì sự lành mạnh, đúng luật cũng sẽ chỉ là nửa vời.

Long Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ