(GD&TĐ) - Chị Trần Thu Trang ở Cầu Giấy (Hà Nội) có con trai học lớp 3 một trường tiểu học trong quận tỏ vẻ không đồng tình với cách đánh giá của cô giáo với cậu con trai của mình: “Con mình học rất kém môn Tiếng Việt, đặc biệt là viết văn. Một đoạn văn chỉ có 5, 6 câu mà sai đến hơn chục lỗi chính tả, viết văn thì lủng cà lủng củng thường xuyên bị điểm thấp nhưng cô chỉ gạch chân mà không sửa lỗi cũng chẳng phê một lời nào mặc dù bài kiểm tra nào cũng có phần giấy dành sẵn cho cô! ”.
Chị Vũ Thị Hồng phụ huynh Trường Võ Thị Sáu, Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhận xét: “Bé học lớp 2 nhà mình thì được cô giáo chấm bài thường xuyên. Không những cô nhận xét rất chi tiết, gạch chân dưới từng lỗi sai mà cô còn cẩn thận sửa sang bên lề để học sinh biết lần sau tránh mắc phải. Nhưng còn bé học lớp 6 cũng học trên địa bàn quận thì các cô giáo dạy ở hầu hết các bộ môn đều chỉ chấm điểm, còn lời nhận xét đánh giá hầu như không có. Tìm trong các bài kiểm tra Văn thì có đôi từ nhận xét ngắn ngủi đại loại như: Chữ còn ẩu! hoặc là Bài viết còn sơ sài! thậm chí là: Viết gì thế này?... Mình nghĩ rằng với các môn nhất là môn Văn nếu các thầy cô bớt chút thời gian để chữa kỹ những lỗi sai về chính tả, ngữ pháp hoặc chỉ rõ những đoạn viết chưa được, đồng thời đánh dấu những câu, đoạn học sinh viết có sự sáng tạo để khích lệ các em thì chắc chắn con mình sẽ tiến bộ hơn thay bằng những lời đánh giá nhận xét chung chung khiến con mình chẳng biết nó viết tốt ở chỗ nào và chỗ nào viết còn chưa được, lỗi cụ thể là gì?
Chấm điểm là sự đánh giá của thầy cô đối với học sinh - một trong những kỹ năng hàng ngày trong quá trình giáo dục. Nhưng chấm điểm như thế nào và nhận xét ra sao để sự đánh giá thực sự công tâm, mang tính sư phạm và là động lực khuyến khích học sinh học tập tốt hơn, đòi hỏi ở mỗi thầy cô giáo phải thực sự suy nghĩ cân nhắc trước khi đặt bút đánh giá cho chính những thành quả mà mình đã dày công tạo ra. Từ những lời nhận xét rất giản dị của các thầy cô là hành trang theo các em suốt cuộc đời.
Thùy Dương (ghi)