Phát biểu đề dẫn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển gợi ý các địa phương nên chú trọng đến tính liên thông giữa hai cấp mầm non và Tiểu học trong dạy tiếng Việt cho đối tượng HS là người dân tộc thiểu số (DTTS).
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng đặt vấn đề để đại biểu thảo luận: Đối với những địa phương tổ chức học 1 buổi/ngày thì việc tăng thời lượng cho HS DTTS sẽ được giải quyết như thế nào để vẫn đảm bảo mục tiêu đọc thông, viết thạo tiếng Việt cho HS?
Các đại biểu tham dự HN |
Bộ GD&ĐT, với quan điểm dạy học tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai của HS DTTS, đã có nhiều biện pháp để xây dựng môi trường học tiếng Việt như: huy động tối đa trẻ em 4 – 5 tuổi ra lớp mẫu giáo và thực hiện tốt chương trình làm quen với tiếng Việt; chương trình chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường; thực hành giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ, tạo cơ sở cho HS DT học tốt tiếng Việt; thử nghiệm dạy học môn tiếng Việt lớp 1 theo tài liệu của Trung tâm Công nghệ giáo dục.
Trong đó, giải pháp điều chỉnh kế hoạch dạy học môn tiếng Việt từ 350 tiết thành 500 tiết được xem là giải pháp then chốt nhằm giúp HS ĐTTS có đủ thời gian cần thiết vượt qua rào cản ngôn ngữ để đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt.
Vụ trưởng Vụ Tiểu học Lê Tiến Thành khẳng định: Tuỳ theo điều kiện, khả năng của địa phương và nguyện vọng của phụ huynh học sinh, các Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường Tiểu học trên địa bàn có thể thực hiện tăng thời lượng theo một trong những cách sau:
- Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
- Tổ chức dạy học thêm vào một số buổi trong tuần (buổi thứ hai) hoặc dạy thêm vào các ngày thứ bảy, chủ nhật.
- Tổ chức dạy học trước khai giản và kéo dài thêm thời gian sau năm học (nếu cần thiết).
Vụ trưởng Vụ Tiểu học Lê Tiến Thành phát biểu tại hội thảo |
Trong quá trình triển khai dạy học 500 tiết Tiếng Việt lớp 1 cho HSDT, GV cũng cần linh hoạt phân phối nội dung, thời lượng dạy học hợp lý, phù hợp với đặc điểm đối tượng đối tượng HS để sao cho cuối năm học tất cả HS đều đạt được chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt một cách chắc chắn, hướng tới một trong những mục tiêu của GD Tiểu học là: HS đọc thông, viết thạo, tự tin học tập, giao tiếp bằng tiếng Việt; từ đó tạo cơ hội cho các em phát triển toàn diện và học tập ở các lớp trên.
Đối với những địa phương dạy chương trình, SGK Tiếng Việt hiện hành cho lớp 1 buổi/ngày, theo Vụ trưởng Lê Tiến Thành, có thể áp dụng giải pháp tập trung học đọc, học viết bằng cách điều chỉnh nội dung, thời lượng các môn học khác, tập trung cho môn Tiếng Việt thời lượng khoảng 500 tiết.
Ngoài ra, giải pháp dạy học tích hợp Tiếng Việt cũng phải được khai thác triệt để theo quan điểm: không thể chỉ học Tiếng Việt ở tiết dạy học Tiếng Việt; Tiếng Việt giúp học các môn học khác, đồng thời các môn học khác góp phần làm tăng khả năng Tiếng Việt cho HS; dạy và học Tiếng Việt có thể diễn ra mọi nơi, mọi lúc, với mọi đối tượng.
Ánh Ngọc