Không cần bạn bè đông đúc ta chỉ cần một tri kỷ, không cần sống lâu trăm tuổi chỉ cần hạnh phúc bình an

GD&TĐ - Người sống trên đời, ai cũng truy cầu hạnh phúc, ai cũng muốn được sống tốt hơn. Thế nhưng ít người hiểu được rốt cuộc đâu mới là ý nghĩa lớn nhất đời người, phải chăng là tiền tài, mỹ nữ, bạc vàng hay quyền lực, danh lợi?

Không cần bạn bè đông đúc ta chỉ cần một tri kỷ, không cần sống lâu trăm tuổi chỉ cần hạnh phúc bình an

Không cầu bạn bè đông đúc, chỉ cầu một người tri kỷ. Không cầu tiền tài vô số, chỉ cần đủ tiêu đủ dùng.

Không cầu ngàn người thương xót, chỉ cầu một người thấu hiểu. Không cầu nhà cao cửa rộng, chỉ cầu một mái ấm nhỏ yêu thương. 

Không cầu siêu xe hào nhoáng, chỉ cầu cả đời bình an. Không cầu áo quần đẹp đẽ, chỉ cầu ăn mặc lịch sự.

Không cầu học rộng tài cao, chỉ cầu tư tưởng phong phú. Không cầu địa vị hiển hách, chỉ cầu công việc thuận lợi.

Không cầu đời người huy hoàng, chỉ cầu cả đời không hối tiếc. Không cầu vạn sự viên mãn, chỉ cầu mọi chuyện vừa vặn.

Không cầu sống lâu trăm tuổi, chỉ cầu cơ thể khỏe mạnh. Không cầu cuộc sống xa hoa, chỉ cầu hạnh phúc bình yên.

Những theo đuổi, truy cầu của con người, dẫu dùng danh từ hoa mỹ nào đi nữa thì rốt cuộc cũng đều xuất phát từ lòng tham, muốn được hơn người, thỏa mãn dục vọng. Nhưng không phải lúc nào mong cầu mà cũng có được. Mọi nỗi phiền muộn của đời người dường như đều xuất phát từ bi kịch ấy, bi kịch vỡ mộng.

Tất nhiên mong cầu cũng không hẳn là việc xấu. Nhưng mong cầu thái quá đến độ cực đoan thì lại khác. Những người có tâm mong cầu quá mạnh mẽ sẽ dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, hại người hại mình, thản nhiên làm ra những việc ác.

Nhưng càng hành ác thì họ lại càng tổn hao phúc đức, không có phúc báo. Mà càng không có được những điều mình mong muốn, họ lại càng theo đuổi, bám riết không buông, cuối cùng lạc trong cái vòng luẩn quẩn: Truy cầu – hành ác – truy cầu.

Vì cuộc đời biết đủ thường vui.

Người sống tùy duyên, thuận theo đạo Trời, có tâm hành thiện thì cuối cùng cũng đắc được những gì đáng nên có. Biết hài lòng với hiện tại của mình, với những điều mình đang có hôm nay chính là một loại hạnh phúc lớn nhất. Bởi bạn biết đấy, quá khứ chỉ là hoài niệm còn tương lai hãy còn như đám mây mù mờ mịt, không sao đoán định.

Vì nhu cầu cuộc sống, con người phải tạo ra của cải, nhưng tham muốn không cùng của con người đã gây ra bao điều hệ lụy, khổ đau cho bản thân và xã hội. Con người không bao giờ thấy đủ, không bao giờ thỏa mãn nên không ngừng chạy đuổi, tìm cầu, nô lệ cho lòng tham và dục vọng để rồi lãng quên hoặc đánh mất mục đích chính của mình là xây dựng một đời sống an vui, hạnh phúc.

Nhu cầu thật sự của con người là hạnh phúc chứ không phải thỏa mãn dục vọng. Nhưng do người ta nhận thức sai lầm rằng hạnh phúc của con người là khi dục vọng được thỏa mãn, trong khi không bao giờ thỏa mãn được tham dục, và chính điều đó đã tạo ra biết bao phiền não khổ đau cho con người.

Cuộc đời mong manh ngắn ngủi, tạm bợ vô thường, sớm còn tối mất nào ai biết trước, niềm vui có được không bao nhiêu nhưng nỗi lo lắng, thất vọng, khổ đau chi phối cả cuộc đời. Càng nhiều tham muốn, dục vọng thì càng nhiều phiền não khổ đau, đến lúc nhắm mắt xuôi tay trở về cùng cát bụi mới hay những gì đã trải qua như giấc mộng.

Vậy mà ai cũng bỏ thời gian, công sức, có khi cả cuộc đời lao tâm khổ trí làm vô số chuyện: tốt có, xấu có; hay có, dở có; thiện có, ác có, tạo ra duyên nghiệp buộc ràng cho mình và cho người khác, làm nên những vòng xoáy cuộc đời nhấn chìm an lạc, hạnh phúc mà lẽ ra chúng ta có được. Có khi tham muốn, khát vọng chưa thỏa mãn thì đã lìa bỏ cuộc đời, bởi đời sống vẫn vô thường, tai nạn, bệnh tật, sống chết là điều không ai biết trước.

Đức Phật dạy: “Người sống biết đủ, tuy nằm trên đất vẫn thấy an lạc; người sống không biết đủ, dù ở thiên đường cũng không vừa ý”. Đức Phật và các đệ tử của Ngài gia tài chỉ có ba y và một bình bát mà vẫn an lạc, tự tại. Bởi thế mới biết rằng sở dĩ con người khổ là vì có quá nhiều lòng mong cầu, tham muốn.

Chỉ khi dứt trừ tham dục, dừng lại những tạo tác do mê lầm mới cắt đứt được những phiền não, hệ lụy trong cuộc đời, chấm dứt vòng luân hồi lẩn quẩn vì nghiệp duyên ràng buộc, khi đó mới tìm thấy an lạc hạnh phúc thật sự trên cõi đời này như kinh Bát Đại Nhân Giác đã dạy: “Tham muốn nhiều là khổ, bao sinh tử nhọc nhằn đều từ tham muốn mà ra, nếu ít tham muốn, thực hành vô vi thì thân tâm được tự tại”.

Theo phunugiadinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.