Không biết tiếng Việt , cô và trò như đi trong đêm tối mà không có đèn pin

GD&TĐ - Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại Hội thảo tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng dân tộc thiểu số (DTTS) do Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT) tổ chức hôm nay (23/5) tại Mộc Châu (Sơn La).

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Cùng dự hội thảo có bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Mầm non (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam); bà nguyễn Thị Hiếu – Vụ phó Vụ Giáo dục Mầm Non (Bộ GD&ĐT); ông Nguyễn Duy Hoàng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La; Đại diện vụ Giáo dục Mầm non, Vụ Dân tộc  (Bộ GD&ĐT); Đại diện các sở GD&ĐT miền núi phía Bắc.

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non, trẻ DTTS khi bắt đầu đến trường gặp rất nhiều khó khăn nếu không chuẩn bị tiếng Việt. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng trẻ lưu ban, bỏ học ở các cấp học, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục phổ thông nói chung. 

Vì thế việc tăng cường tiếng Việt trở thành nhiệm vụ quan trọng số một đối với trẻ DTTS ở cấp học Mầm non.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo sát sao việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Đồng thời phối hợp với Viện Giáo dục Việt Nam hoàn thành biên soạn tài liệu “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS” cho các độ tuổi: 3 - 4 tuổi; 4 – 5 tuổi; 5- 6 tuổi vào năm 2011. 

Một số địa phương trên cơ sở đó đã biên soạn tài liệu phù hợp với đặc điểm văn hoá vùng miền để GV sử dụng tăng cường tiếng Việt cho trẻ đạt hiệu quả tốt hơn.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo
 Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Hội thảo 

Tâm huyết chia sẻ

Với sự tham gia của 12 Sở GD&ĐT các tỉnh miền núi phía Bắc, Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến nêu ra được những khó khăn: GV bất đồng ngôn ngữ, văn hóa. GV người Kinh không hiểu phong tục tập quán, không biết tiếng dân tộc của trẻ để hỗ trợ, đặc biệt đối với những trẻ mới ra lớp. 

Mặt khác, GV người DTTS lại lạm dụng tiếng địa phương trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục. Nhiều GV chưa thực sự nắm được phương pháp chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ. Đặc biệt là đối với lớp ghép các độ tuổi, các dân tộc khác nhau. Một số GV địa phương phát âm tiếng Việt chưa chuẩn.

Bên cạnh đó, còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng học tập; Tài liệu học không đủ; Trẻ DTTS tại các vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, hải đảo, hẻo lánh trình độ dân trí còn thấp, ít tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, ít được nghe nói tiếng Việt và ít được tiếp xúc với người Kinh…

Nếu giải quyết tốt các vấn đề trên sẽ giúp trẻ vượt qua được những rào cản để tiếp xúc với tiếng Việt tốt hơn. Và GV cũng sẽ có đủ điều kiện, kinh nghiệm, khả năng để tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Giải pháp được các đại biểu đưa ra nhằm vào các vấn đề: Thực hiện bước sàng lọc trẻ trước khi ra lớp để phân loại độ tuổi, dân tộc. Với những lớp có nhiều học sinh DTTS, có thể nhờ các trưởng bản, già làng sưu tập một số từ vựng, phiên âm tiếng dân tộc và dịch ra tiếng Việt để các cô tự học. 

Tăng cường việc dạy tiếng dân tộc cho giáo viên, đồng thời sử dụng trợ giảng người dân tộc, thậm chỉ cả học sinh dân tộc các lớp trên;

Chọn con em dân tộc cử đi đào tạo để về giảng dạy tại bản địa; Tài liệu học cần chú ý, chú thích rõ hơn các từ mới trong bảng từ vựng để trẻ dễ hiểu hơn…

Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh khẳng định: Với tư cách là nhà nghiên cứu, chúng tôi sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để sớm đưa ra các bộ sách dành cho trẻ DTTS hay hơn, phù hợp hơn. Nên chăng điều chỉnh lại chương trình giáo dục mầm non dành riêng cho trẻ DTTS, chứ không dùng chung cho bộ sách dành cho trẻ mầm non như bây giờ…

Tôi rất tâm đắc với câu nói của một già làng: “Nếu không biết tiếng Việt thì cô và trò giống như đi trong đêm tối mà không có đèn pin”. Điều này muốn rằng việc tăng cường tiếng Việt phải phụ thuộc vào trẻ và giáo viên.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa

 Ghi nhận các ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng Hội thảo đã giúp cho các địa phương có sự nhìn nhận, đánh giá và khắc phục những bất cập còn tồn tại trong việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ ở cấp học Mầm non. 

Công tác chuẩn bị tiếng Việt đang được chú ý đúng mức. Các địa phương đã có nhiều cố gắng nỗ lực và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Thứ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo và phối kết hợp với các ngành chức năng tăng cường nghiên cứu biên soạn các loại sách tham khảo, tài liệu, học liệu gần gũi, phù hợp với trẻ DTTS; 

Thường xuyên tập huấn, bồ dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp cho GV dạy trẻ DTTS; Đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường chuẩn quốc gia tại các vùng đồng bào DTTS, vùng núi cao, nơi có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; 

Ưu tiên nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho vùng DTTS; Có chính sách ưu đãi GV dạy vùng DTTS đặc biệt khó khăn.

Đồng thời Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương nên giao lưu học tập các tỉnh bạn để đưa ra các giải pháp phù hợp; Các Vụ, Viện nghiên cứu cần phối hợp để đưa ra những bộ tài liệu phù hợp nhất với trẻ DTTS.

Trẻ 3 – 4 tuổi người DTTS phát âm rõ ràng đạt tỉ lệ 68% trong đó có 33% trẻ nói rõ từ nhưng hạn chế câu; Trẻ nói ngọng phát âm không rõ âm chiếm tỷ lệ 23%; Khả năng nghe hiểu còn  hạn chế chiếm 22%; Trẻ còn nhút nhát sợ người lạ chiếm 26%.

Trẻ 4 – 5 tuổi tự tin, giao tiếp tốt đạt 72% trong đó có 76% trẻ phát âm rõ ràng;  15% trẻ còn ngọng, phát âm không rõ; 18% trẻ nghe còn hạn chế; 31% trẻ nói rõ từ nhưng hạn chế về câu; 19% trẻ còn nhút nhát sợ người lạ.

Trẻ 5 – 6 tuổi khả năng nghe, nói tiếng Việt tốt hơn hai độ tuổi trên. Khả năng nghe hiểu tốt chiếm 77% trong đó có 71% trẻ tự tin giao tiếp tốt; 88% trẻ nhận biết được các chữ cái tiếng Việt; 13% trẻ nói ngọng; 17% trẻ có khả năng nghe hiểu hạn  chế; 9% trẻ nhút nhát, sợ người lạ; 24% trẻ nói rõ từ nhưng hạn chế câu.

Theo báo cáo của 49 tỉnh, thành phố

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ