Khởi sắc ở bản người Dao

GD&TĐ - Những năm trước, bản Lũng Slàng, xã Tri Phương (Tràng Định, Lạng Sơn) với 100% dân số là người dân tộc Dao gần như bị cô lập với thế giới bên ngoài do đường sá đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển. 

Một góc bản Lũng Slàng hôm nay
Một góc bản Lũng Slàng hôm nay

Nhờ sự đầu tư từ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, cơ sở vật chất của bản ngày càng khang trang, đời sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Cách thị trấn Thất Khê chừng 15km, bản Lũng Slàng nằm lọt thỏm trong lòng chảobao quanh núi non trùng điệp. Dẫn chúng tôi đi thăm quan một vòng xunh quanh bản, Bí thư Chi bộ thôn Triệu Văn Phú kể: Cách đây hơn 70 năm, đồng bào dân tộc Dao ở Lũng Slàng di cư từ Cao Bằng đến đây để sinh sống. Đường vào bản chỉ có một con đường độc đạo duy nhất từ trung tâm thị trấn dẫn vào bản, một bên là núi cao, một bên là vực sâu rất nguy hiểm. Vào mùa mưa con đường trở nên trơn trượt, không thể đi lại, cuộc sống của bà con hầu như biệt lập với thế giới bên ngoài. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương đã mở con đường về Lũng Slàng, mặc dù bề rộng của đường vẫn còn nhỏ hẹp chỉ đủ cho xe máy lưu thông nhưng đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu buôn bán hàng hóa của bà con trong thôn với bên ngoài.

Đặc biệt, từ năm 2009, được sự đầu tư từ các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, điện lưới quốc gia được kéo về với bản, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Dao được nâng lên rõ rệt. Giờ đây nhiều hộ dân đã có những phương tiện sản xuất được cơ giới hóa, máy móc đã thay thế sức người, hiệu quả kinh tế cao hơn, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.

Phân trường tiểu học tại bản Lũng Slang.
Phân trường tiểu học tại bản Lũng Slang. 

“Việc học tập của con em trong bản cũng đươc thuận lợi hơn. Trước đây con em của bản phải đi quãng đường gần 20km ra trung tâm xã để học chữ rất vất vả, nhờ cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Giáo dục quan tâm cùng sự chung sức góp ngày công lao động của người dân, thôn đã có phân trường tiểu học và mẫu giáo tại bản, con em của bản yên tâm theo học con chữ”, anh Phú cho biết thêm.

Từ Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng đã có nhiều công trình như đường, nhà văn hóa… được xây dựng để phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Đồng bào dân tộc Dao nơi đây không còn kết hôn cận huyết, không thách cưới nhiều mà đã biết phát huy những mặt tích cực bảo tồn và gìn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình như trang phục truyền thống, lễ cấp sắc, những điệu hát Páo Dung…

Bên cạnh đó, người dân được tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng vào sản xuất đạt năng suất, hiệu quả cao. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Viển, là hộ tiên phong trong việc phát triển kinh tế của thôn. Hiện gia đình ông chăn nuôi 5 con bò thịt và trồng thạch đen để phát triển kinh tế. Mỗi năm thu nhập bình quân của gia đình ông khoảng 30 triệu đồng.

Ông Viển phấn khởi cho biết: Mấy năm trước cũng vất vả lắm, được sự quan tâm của các cấp chính quyền đầu tư phát triển bản làng nên mấy năm nay đời sống của người dân khấm khá hơn rồi, con em được đến trường thuận tiện. Giờ không ai còn muốn nghèo nữa, ai cũng phấn khởi làm ăn, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Nói về những đổi thay trên bản làng người Dao, ông Lê Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Tri Phương cho biết: Nhờ sự đầu tư của các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng nỗ lực của chính người dân nên đời sống của bà con đã có nhiều khởi sắc. Từ 100% hộ dân là hộ nghèo đến nay toàn thôn chỉ còn 3/37 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, thu nhập bình quân của người dân trong bản khoảng 24 triệu đồng/người/năm.

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn như thiếu đất sản xuất, đường giao thông vẫn còn nhỏ hẹp, ô tô vẫn chưa về tới bản nhưng cuộc sống của người dân ở Lũng Slàng đã ấm no hơn, không còn cái đói, cái nghèo, những ngôi nhà mái ngói đang đua nhau mọc lên giữa núi rừng. Bản làng người Dao hôm nay đã thực sự khởi sắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ