(GD&TĐ) - Có thể nói, những năm gần đây, KT-XH của tỉnh Yên Bái có những bước phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm trước luôn cao hơn năm sau, nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đều được hoàn thành, đặc biệt là các chỉ tiêu về GD-ĐT. Xét trên nhiều bình diện, tuy đời sống còn nhiều khó khăn, song với tinh thần hiếu học, sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành đối với thế hệ trẻ nên những năm qua GD Yên Bái đã có những bước tiến đáng ghi nhận cả về lượng và chất. Điều đặc biệt nhận thấy rõ là hệ thống QLGD Yên Bái, với sự chỉ đạo hiệu quả của Đảng và Chính quyền, đã tạo ra một giai đoạn bản lề khởi sắc để sẵn sàng đưa Yên Bái tiếp tục thực hiện chiến lược GD 2010-2020 và chuẩn bị cho đổi mới căn bản toàn diện GD.
* Bắt đầu từ quyết tâm của lãnh đạo ngành
Ông Trần Xuân Hưng – Giám đốc Sở GD-ĐT Yến Bái: Muốn trở thành một vùng có nền GD mạnh thì chúng tôi phải có những bước tạo đà mới. |
Qua tìm hiểu chúng tôi thấy Yên Bái lại có một lợi thế khá rõ nét. Cho dù là một tỉnh vùng cao, đời sống KT-XH còn nhiều khó khăn, mức sống bình quân chung của người dân thấp hơn so với nhiều địa phương trong cả nước, song sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành, cũng như gia đình, nhà trường và xã hội đối với các em HS là rất lớn.
Ông Trần Xuân Hưng – Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái cho biết: Những năm qua, Ngành GD Yên Bái luôn có các giải pháp quyết liệt trong việc chống HS bỏ học, nâng cao chất lượng GD toàn diện. Công tác GD dân tộc được quan tâm, chú trọng, hệ thống trường PTDT bán trú tiếp tục được đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 9 trường PTDT nội trú, tiếp tục thực hiện chế độ hỗ trợ học bổng cho HS THPT dân tộc Mông ở 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Công tác PCGD được duy trì và nâng cao chất lượng; chú trọng phát triển các trường lớp mầm non, tích cực triển khai thực hiện Đề án PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, toàn tỉnh có 170 đơn vị xã, 9/9 đơn vị huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1; 180/180 xã giữ vững PCGD THCS, 133 xã đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đặc biệt, năm học 2011-2012, nhờ làm tốt công tác dân vận, quan tâm và chăm lo cho HS vùng khó, HS dân tộc thiểu số nên số lượng HS bỏ học đã giảm mạnh.
Kể từ năm 2009, Ngành GD Yên Bái luôn coi trọng việc đổi mới công tác quản lý, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ, nâng cao vai trò trách nhiệm và hiệu quả đào tạo của các cơ sở GD. Không chỉ tiếp tục thực hiện GD nền móng, phổ cập và khu vực dân tộc, toàn tỉnh quyết tâm cao, chất lượng mũi nhọn được quan tâm và đạt được những thành tích xuất sắc trong các kỳ thi HS giỏi, thi tuyển ĐH. Trong đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2012 đạt 98,89%, 731 HS đoạt giải trong các kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, 88 HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp Quốc gia, 02 HS đạt thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển hiệu quả, đáp ứng yêu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh. CSVC trường học tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng hiệu quả và hiện đại từng bước đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp dạy học. Cung ứng kịp thời sách, thiết bị, tích cực triển khai nâng cao chất lượng việc ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành và giảng dạy. Ngoài ra, ngành đã triển khai rộng khắp các cuộc vận động và phong trào thi đua, tăng cường công tác thanh kiểm tra, quan tâm chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng, tuyên truyền về GD.
Năm học 2011-2012, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT của Yên Bái đạt 98,89% |
Ông Trần Xuân Hưng, nhấn mạnh: “Trải qua gần 60 năm phát triển GD XHCN, Yên Bái là nơi có truyền thống trong GD ở khu vực, nhất là GD dân tộc. Tuy vậy, muốn trở thành một vùng có nền GD mạnh thì chúng tôi phải có những bước tạo đà mới”.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm qua, bước vào năm học 2012-2013, ngành GD Yên Bái sẽ chú trọng phát triển quy mô, nâng cao chất lượng GD, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt”, thực hiện những giải pháp đột phá và những giải pháp lâu dài nhằm phát triển sự nghiệp GD-ĐT. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ như: Tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý GD, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng GD; chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL; tiếp tục phát triển mạng lưới trường lớp, củng cố và tăng cường CSVC, thiết bị GD; giữ vững và nâng cao chất lượng PCGD, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; tiếp tục triển khai có hiệu quả các cuộc vận động và phong trào thi đua ở các đơn vị trường học.
Ngoài ra, để phát huy những kết quả đã đạt được trong những năm học vừa qua, ngành GD Yên Bái sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt hơn nữa phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” để phong trào từng bước thấm sâu vào đời sống học đường.
Phấn đấu số trường có khuôn viên cây xanh, cây cảnh được sẽ quy hoạch đảm bảo thoáng mát đạt trên 80%, số công trình hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 90%, trên 400 trường học có đủ bàn ghế phù hợp với HS. Đồng thời, ngành GD cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trường học phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương thực hiện tốt việc đảm bảo “3 đủ”: đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở cho HS; tiếp tục chỉ đạo các trường thực hiện ứng dụng CNTT trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hoạt động GD cho HS và xây dựng Quy tắc ứng xử văn hoá giữa các thành viên trong nhà trường… Qua phong trào sẽ góp phần nâng cao chất lượng GD, từ đó môi trường học tập sẽ được cải thiện, chất lượng dạy và học được nâng lên.
* Xuất hiện những yếu tố cần thiết cho đổi mới GD
Giờ học của HS trường PTDT nội trú Yên Bái |
Thăm Trường PTDT nội trú tỉnh Yên Bái vào những ngày đầu năm học (2012-2013), mặc dù còn nhiều khó khăn về CSVC do trường, lớp học xây dựng từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước đã xuống cấp, giá cả thị trường luôn biến động đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác GD và nuôi dưỡng HS, song thầy và trò nhà trường đã nỗ lực khắc phục, tạo điều kiện tốt nhất cho HS các dân tộc thiểu số được đến trường và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thầy giáo Nông Ngọc Xô – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học 2011 – 2012, trường có 98% HS xếp loại đạo đức khá, tốt; 6,2% HS đạt danh hiệu HS giỏi, 14 HS đạt giải HS giỏi cấp tỉnh, 06 HS đạt giải trong kỳ thi HS giỏi quốc gia. Tỉ lệ tốt nghiệp đạt 100%.
Cũng trong năm học vừa qua, trường được UBND tỉnh Yên Bái công nhận: Trường trung học đạt Chuẩn quốc gia (sớm hơn 2 năm trong lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh). Đặc biệt, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, 60% HS của nhà trường đã đỗ vào các trường ĐH, CĐ. Kết quả này đã phản ánh những nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các thầy cô giáo và HS của nhà trường.
Trong năm học mới 2012-2013, trường có 357 HS với 10 lớp, trong đó có 4 lớp 10 với 141 HS, tăng thêm một lớp so với năm học trước. Trong năm học này nhà trường sẽ tiếp tục triển khai đẩy mạnh các cuộc vận động và phong trào thi đua, đổi mới trong công tác quản lý GD, nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học đặc biệt là tập trung thực hiện đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Tiếp tục duy trì tỉ lệ HS đỗ vào các trường ĐH, CĐ. Cải tiến và chăm lo tốt đời sống nội trú và sức khoẻ để HS của nhà trường giữ vững và phát huy tốt những thành tích đã đạt được trong những năm qua… Yên Bái rất kỳ vọng vào các “máy cái” trong GD. Ông Đỗ Văn Chiến – Bí thư Tỉnh uỷ khi dự khai giảng tại trường CĐ Sư phạm Yên Bái đã động viên nhà trường phải đi trước một bước trong phát triển GD. Yên Bái đang phát triển một trường THPT DTNT cấp tỉnh nữa đặt tại Nghĩa Lộ và đang xây dựng trường chuyên mới, đảm bảo đầy đủ CSVC, đội ngũ GV tinh nhuệ để thực hiện đề án phát triển trường chuyên trong tỉnh.
* Vươn lên hiện đại – Phát triển GD miền Tây
Nguyện vọng của tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và toàn thể người dân Yên Bái là có được một cơ sở Giáo dục Đại học. Theo đó, ĐH Thái Nguyên, với sự chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT, sẽ lập một phân hiệu đào tạo đa ngành, đa cấp tại địa phương này.
Trong quy hoạch, tỉnh rất chú trọng cho sự phát triển GD-ĐT, trong đó hệ thống trường ĐH, CĐ, trung cấp - dạy nghề được chú trọng. Song song với đó là hướng phát triển đặc biệt dành cho các huyện khó khăn phía Tây: Mù Cang Chải, Văn Chấn, Trạm Tấu... với các đối tượng là HS dân tộc Mông, Dao và các dân tộc ít người khác.
Những ngày này, nỗi đau từ vụ lở đất ở La Pán Tẩn bao trùm lên cả tỉnh, nhưng cũng không cản bước phát triển của GD các huyện phía Tây. Số HS tới các cơ sở GD đầy đủ, GV tới nhiệm sở và bước vào lớp học với quyết tâm cao.
Trung Toàn