Khơi nguồn tinh thần học tập

Khơi nguồn tinh thần học tập

Đáp ứng nhu cầu của người dân

Theo PGS.TS Vũ Thị Tú Anh – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT): Các địa phương đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh tập trung phát triển TTHTCĐ. Hỗ trợ kinh phí, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ CB, GV cốt cán, cử GV biệt phái làm việc tại TTHTCĐ. Nhiều nơi chủ động phát triển tài liệu của địa phương đáp ứng nhu cầu người học, triển khai học tập các mô hình hoạt động hiệu quả, thiết lập mạng lưới trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) hỗ trợ TTHTCĐ trong công tác điều tra nhu cầu người học, bồi dưỡng và tư vấn người dân trong cộng đồng học theo nhu cầu và năng lực.

Thực tế cho thấy, hoạt động của một số TTHTCĐ trở thành địa chỉ tin cậy cho người dân đến học tập thường xuyên. Chỉ tính riêng năm học 2018 - 2019, số lượng tham gia học tập tại các TTHTCĐ là gần 19 triệu lượt người. Trên cả nước có tới gần 5.000 TTHTCĐ phối hợp với nhà văn hóa xã tổ chức thành mô hình Trung tâm văn hóa thông tin - HTCĐ (chiếm tỷ lệ 42,8%).

Điều này cho thấy sức hút của TTHTCĐ đối với người dân rất lớn. Có được điều này là nhờ sự đồng lòng của các cấp chính quyền, ngành GD và người dân. Trong đó vai trò người dân vô cùng quan trọng, hơn ai hết có hiểu được giá trị và ý nghĩa của việc học thì họ mới chấp thuận.

Nhiều chuyên gia cho rằng, hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ là điều dễ thấy. Đây là tác động của nhiều phía: Các địa phương đã triển khai hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các TTHTCĐ. Tham mưu với HĐND tỉnh quy định mức phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ quản lý của TTHTCĐ và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các TTHTCĐ.

Một số địa phương, ngoài việc hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm, còn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và các phương tiện hoạt động cho hầu hết TTHTCĐ trên địa bàn. Một số địa phương đã đổi mới phát triển mô hình TTHTCĐ ở từng mặt về công tác quản lý, nghiên cứu khoa học, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng mô hình TTHTCĐ phát triển bền vững.

Cách làm sáng tạo

Bà Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng GD&ĐT Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết: Chúng tôi chú trọng tuyên truyền trong cộng đồng để người dân nhận thức được ý nghĩa của việc học. Đặc biệt là việc bổ sung kiến thức mới vào thực tế sản xuất và đời sống là hết sức cần thiết. Từ đó giúp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hội Khuyến học các cấp đã đẩy mạnh phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập”. Các mô hình học tập đã và đang gắn kết, thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ở xã miền núi biên giới Hải Sơn (Quảng Ninh), hiệu trưởng, GV Trường TH&THCS được huy động tham gia công việc của TTHTCĐ trên địa bàn. Ông Phùn Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: TTHTCĐ tham mưu với UBND, phối hợp với các tổ chức, ban ngành đoàn thể tại địa phương thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức góp phần nâng cao nhận thức và cải thiện chất lượng đời sống của nhân dân.

Kết quả, nhờ có sự phối hợp giữa nhà trường với TTHTCĐ, năm 2018 xã Hải Sơn đạt phổ cập xoá mù chữ mức độ 2 (năm 2017 đạt mức độ 1), phổ cập GD tiểu học mức độ 3 với 98,58% trẻ từ 11 - 14 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, số trẻ còn lại đang học tiểu học. Đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 với tỉ lệ thanh thiếu niên từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp THCS là 91,58% và 76,16% tiếp tục theo học sau khi tốt nghiệp THCS. Hoàn thành các tiêu chí về giáo dục trong chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thuý – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: Sở GD&ĐT đã cùng các TTHTCĐ tổ chức tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng XHHT thông qua việc tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời và tổ chức ngày Sách Việt Nam; chỉ đạo điều tra, vận động và tổ chức lớp phổ cập, xóa mù chữ; tham gia tổ chức đánh giá, công nhận các danh hiệu học tập (Gia đình học tập, Dòng họ học tập, (thôn/bản/ấp/tổ dân phố), “Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc xã quản lý và “Cộng đồng học tập” cấp xã).

Đặc biệt, trong Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời và Ngày sách Việt Nam đã huy động toàn dân tham gia. Việc tăng cường các hoạt động của tổ chức hội cùng với tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân đã và đang tạo hiệu ứng lan toả tốt trong cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ