Khởi nghiệp từ… thú chơi

GD&TĐ - Khi đam mê của bạn cũng chính là sở thích của người khác, đó là một cơ hội để khởi nghiệp. Vốn bỏ ra có thể là con số không, nhưng quan trọng là, với khả năng sáng tạo không giới hạn, những cái tưởng là thú chơi trở thành nguồn dịch vụ hấp dẫn khách hàng. Câu chuyện khởi nghiệp tại TPHCM.

Minh Hiếu thổi hồn cho những viên đá cuội
Minh Hiếu thổi hồn cho những viên đá cuội

Tranh đá cuội

Nguyễn Thị Linh Quyên (sinh năm 1987) đã “mặc áo” cho những viên đá, hòn sỏi vô tri để chúng trở nên bắt mắt, và qua sự tô vẽ, sắp đặt, chúng thành những bức tranh độc đáo. Quyên chia sẻ, đá cuội được nhặt về, dùng bàn chải chà nhẹ rồi rửa sạch, phơi khô.

Kế tiếp là dùng một cây cọ hoặc bút dạ và màu acrylic để tô điểm. Thí dụ, muốn làm cây xương rồng, phải tô màu xanh lá đậm lên toàn bộ viên đá, sau đó dùng tăm bông chấm màu tạo các mấu, dùng bút lông vẽ gai…

Những hòn đá cuội sau khi được tô vẽ sẽ mang các hình dạng khác nhau. Có khi đó là một chú mèo, chú chó hay con ốc; cũng có người lại chọn vẽ bảng chữ cái hay con số lên đó.

Hình dạng đẹp hay xấu của từng viên đá sau khi được vẽ lên tùy thuộc vào sự sáng tạo, cũng như khả năng của từng người. Đỉnh cao của thú chơi này là nghệ thuật sắp đặt, lắp ghép một cách sáng tạo khiến chúng trở thành những bức tranh khác lạ và mới mẻ: Một gia đình với các em bé đang chơi đùa; đôi bạn gái múa ba-lê; đàn chim chuyền cành…

Quyên kể: “Với mỗi bức tranh, mình đều dồn hết khả năng để tạo thành một sản phẩm bắt mắt, không lỗi. Vì làm hoàn toàn bằng thủ công, các viên đá lại không thể giống nhau, cho nên mỗi bức tranh là duy nhất”. Ban đầu đây chỉ là thú chơi trong nhà nhưng hiện nay Quyên đã được nhiều khách hàng đặt mua và đặt làm theo ý mình.

Các bạn trẻ cơ sở KQ Custom đang vẽ giày
Các bạn trẻ cơ sở KQ Custom đang vẽ giày

“Custom” cho giày

Chăm chút cho đôi giày mình đi là một chuyện phải làm hằng ngày của mỗi cá nhân nhưng “custom” giày (thiết kế giày theo ý muốn) đang là một trào lưu độc lạ và sáng tạo của giới trẻ.

Kiệt Quách là cái tên khá nổi tiếng trong lĩnh vực “custom” giày ở TPHCM. Sau hơn 3 năm tìm hiểu qua internet và nhận góp ý từ khách hàng, Kiệt cùng các bạn tại cơ sở KQ Custom đã dần chinh phục được giới trẻ qua từng mẫu thiết kế giày.

Kiệt nhớ lại: “Khó khăn đầu tiên khi mình bắt tay vào làm là thuyết phục khách hàng, vì còn rất mới. Ở trên thế giới, ngành này đã tồn tại 10-15 năm, còn ở Việt Nam thì chỉ mới đây thôi. Nhiều người vẫn chưa tin tưởng, rằng màu sơn có tróc hay không, làm như vậy có bị mất giá trị đôi giày xịn? Mình phải thuyết phục là bạn sẽ khẳng định được cá tính của mình và tăng giá trị đôi giày trong khi vẫn đảm bảo chất lượng đôi giày nguyên vẹn”.

Tương tự như Kiệt Quách là trường hợp của Nguyễn Vũ Thùy Anh, 23 tuổi, một họa sĩ đồ họa. Trong một lần du lịch nước ngoài, tình cờ thấy các mẫu giày được trang trí bằng màu nước đầy sống động, cô thử vẽ lên chính đôi giày của mình rồi đăng ảnh lên mạng xã hội.

Không ngờ, bạn bè rất thích và đặt hàng, thế là Thùy Anh bắt tay vào lĩnh vực vẽ giày từ đó. Thùy Anh chia sẻ: “Mình mất khoảng 5 tiếng để vẽ phác thảo và lên màu cho đôi giày. Mình thấy vẫn còn phải học hỏi nhiều nữa qua từng đôi giày đã làm. Nhưng rất vui là trước mắt, mình có thêm một nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Mình sẽ theo đuổi bộ môn nghệ thuật này”.

Sản phẩm giấy

Cứ vào chiều cuối tuần, tại “Thị trấn giấy” - Papertown: Revolu-tionnaire - thuộc Trung tâm Văn hóa Pháp (quận 1) đông nghẹt người đến tham quan các sản phẩm từ giấy vụn. Đó là một vườn cây xanh ươm mát rượi; những mẫu váy áo đủ màu sắc, những chiếc vòng tay từ nắp lon nước… Tác giả của những sản phẩm này là nhóm The People, gồm các bạn trẻ 16 - 17 tuổi đang là học sinh của các Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Gia Định, Năng khiếu TPHCM…

Nhóm trưởng Nguyễn Trương Hoàng Thu bộc bạch: “Ai cũng nghĩ giấy cũ chỉ bỏ đi hoặc bán ve chai, nhưng chỉ cần một chút khéo tay và sáng tạo, chúng ta có thể tạo ra rất nhiều đồ dùng gia đình lạ mắt, thu hút.Thực hiện những món sản phẩm từ giấy này, chúng em vừa tiết kiệm tiền bạc vừa chung tay tham gia bảo vệ môi trường. Chúng em mong muốn, từ lợi nhuận có được của dự án, sẽ xây dựng nhà vệ sinh cho đồng bào miền núi còn khó khăn; trồng cây xanh ở nhiều vùng miền trên cả nước"

Sản phẩm làm ra sẽ được bán đấu giá và lợi nhuận sẽ gửi đến Zó Project - một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận, để góp phần bảo tồn và phát triển nghề làm giấy dó truyền thống của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ