Khởi nghiệp thành công với “cà gai leo”

GD&TĐ - Sinh ra và lớn lên cùng cây rừng và các loại dược liệu từ thiên nhiên, Hoàng Văn Luân đã trăn trở theo đuổi dự án “Nâng cao giá trị sản phẩm dược liệu cà gai leo”, và lọt vào Vòng bán kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 khu vực phía Bắc do Trung ương Đoàn tổ chức. 

Anh Hoàng Văn Luân bên sản phẩm từ cây cà gai leo. Ảnh: NVCC
Anh Hoàng Văn Luân bên sản phẩm từ cây cà gai leo. Ảnh: NVCC

Tìm ra thế mạnh của địa phương

Hoàng Văn Luân, sinh năm 1987, xã Lạng San, huyện Na Rỳ, tỉnh Bắc Kạn. Luân nhận thấy hầu hết thanh niên địa phương đều làm nông nghiệp nhưng thu nhập không cao, lại không có người hướng dẫn nên loay hoay trong cách khởi nghiệp. Với mong muốn tạo việc làm, tăng thu nhập cho bạn trẻ của quê hương, Hoàng Văn Luân đã tìm hiểu về nguyên liệu sẵn có của địa phương để khởi nghiệp, đó là cây cà gai leo.

Luân nghiên cứu từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trồng đến chế biến cây cà gai leo, tạo ra các sản phẩm có giá trị nâng cao sức khỏe và làm thuốc chữa bệnh. Cũng từ đó, Hoàng Văn Luân đề xuất dự án “Nâng cao giá trị sản phẩm dược liệu cà gai leo” và đem ý tưởng đến với “Cuộc thi thanh niên nông thông sáng tạo khởi nghiệp”.

Qua sách báo và trên mạng, anh Luân liên tục tìm đến từ khóa “cà gai leo” để thực sự hiểu về nó. Chàng trai 8X cho biết: “Cà gai leo là một loại thực vật thân leo, hình dạng lá và quả giống như loại cà pháo, khi chín quả chuyển sang màu đỏ, có chứa nhiều hạt màu vàng. Trên thân leo của cây thường có nhiều gai, hoa có màu trắng thường trổ vào tháng 4 và 9 hàng năm.

Cà gai leo còn là một vị thuốc nam quý được Y học cổ truyền ghi nhận về tác dụng ổn định tế bào gan, tăng cường chức năng của gan. Ngày nay y học hiện đại đã nghiên cứu, chứng minh cà gai leo có những hoạt chất quý cho gan. Đặc biệt cà gai leo có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm gan B rất hữu ích. Ngoài ra, loại cây này còn nổi tiếng trong việc hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khi dùng sắc uống trực tiếp tươi, khô hàng ngày, hoặc có thể bào chế các loại thuốc có tác dụng, công dụng hỗ trợ điều trị và chữa bệnh”.

 

Thách thức từ những ngày đầu

Tìm thấy loài cây này ở quê hương, anh Luân không khó, bởi miền núi vốn là đất để cà gai leo phát triển mạnh. Từ thực tế địa phương, anh Luân cũng nhận thấy, có nhiều người dân quê mình đã trồng cây cà gai leo để bán, tuy nhiên, cách trồng, chăm sóc chỉ mang tính tự phát, thích thì trồng, hoặc trồng manh mún, nhỏ lẻ, cũng không có kỹ thuật cao để có hiệu quả kinh tế lớn. Thậm chí, người dân còn sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới tùy tiện, thu hái không theo mùa vụ, làm ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu. Qua cách chăm sóc đó cũng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chiết xuất từ cà gai leo.

Công tác tại Hợp tác xã trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu, anh Luân thấy rằng đó là lợi thế và quyết tâm xây dựng mô hình trồng, sản xuất, chế biến cây cà gai leo. Mô hình áp dụng chu trình khép kín được kiểm soát chặt chẽ từ khi chọn giống đến trồng, chăm sóc, thu hái sơ chế chế biến tạo ra sản phẩm như trà túi lọc, cao cà gai đến tay người tiêu dùng, để họ hoàn toàn an tâm sử dụng.

Nói là vậy, nhưng từ ý tưởng đến thực tế, anh Luân gặp không ít khó khăn. Ban đầu, anh loay hoay tìm vốn. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để thực hiện ý tưởng. Thêm nữa, để thu hút đông đảo người làm cũng mình không phải là dễ, thậm chí, nhiều người cho rằng, anh Luân “rỗi việc”. Qua nhiều lần tuyên truyền thấy không có hiệu quả, anh Luân nghĩ đến việc tự làm, bởi chỉ khi nào có sản phẩm, có được thành công sẽ tự “hút” mọi người đến với mình.

Nói là làm, anh Luân đã thử nghiệm trồng cà gai leo vườn nhà. Thời gian đầu không dễ vì vừa làm vừa nghiên cứu từ quy trình, cách chăm sóc, thu hoạch đúng thời điểm cũng rất dày công. Sau dần, thấy anh quyết tâm quá, một số người đã giúp đỡ và có được thu nhập sau lần đầu tiên bán sản phẩm.

Đưa ý tưởng vào thực tế sản xuất đã thu được kết quả rõ rệt, tăng lợi ích của thành viên hợp tác xã, đặc biệt là lợi ích của thành viên là đoàn viên, thanh niên. Anh Luân hướng đến sản xuất, kinh doanh bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Phổ biến, nhân rộng, tạo niềm tin cho đoàn viên thanh niên khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương, anh Luân cùng Hợp tác xã của mình bắt tay vào thực hiện với diện tích và quy mô lớn. Đông người làm, nhiều ý tưởng, dự án này đã mang lại thu nhập trực tiếp cho thành viên và người lao động bình quân từ 5 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã còn nhân rộng mô hình, gia tăng thu nhập từ liên kết trồng cà gai leo, ký hợp đồng cam kết thu mua sản phẩm của người dân để họ đỡ lo lắng về đầu ra.

Khi khắp nơi đổ về mua sản phẩm từ cà gai leo, càng nhiều thanh niên muốn khởi nghiệp từ cây trồng này. Anh Luân chia sẻ: “Việc ổn định về nghề cũng như tăng thu nhập và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương chính là mong muốn lớn nhất của tôi, đặc biệt là lực lượng thanh niên khởi nghiệp. Chỉ có như vậy mới góp phần tạo nên một môi trường xã hội tiên tiến, văn minh hơn, thu hút nguồn lao động trẻ có tri thức xu hướng trở về làm việc, gắn bó phát triển quê hương”.

Anh Luân dự kiến trong 3 - 5 năm tới số hộ trồng cây dược liệu trên địa bàn xã Lạng San chiếm 50%, dần đưa cây dược liệu là cây chủ lực, thu hút lượng lớn lao động tại địa phương.

Anh Luân dự định tiếp tục theo hướng phát triển cây cà gai leo bằng hình thức liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Anh hướng từ mô hình trọng tâm đến tăng dần về quy mô, hướng sản phẩm hữu cơ đảm bảo sạch, an toàn, bền vững, không gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Anh Luân cũng mong rằng, dự án của mình được cấp vốn đầu tư mạnh mẽ hơn, được hỗ trợ thêm về công nghệ tiên tiến để đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ