Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên

GD&TĐ - Sáng nay (16/12), Bộ GD&ĐT tổ chức khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018. Đến dự chương trình có bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban dân vận Trung ương; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ, Lê Hải An.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018
Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp

Các trường đại học cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, gắn với các hoạt động thương mại hóa và khởi nghiệp để sớm tạo ra những trường đại học theo định hướng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; đóng góp nhiều hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam nói chung, phong trào khởi nghiệp của học sinh, sinh viên nói riêng ngày càng phát triển.

Nhận thức sâu sắc trách nhiệm của ngành Giáo dục trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Như vậy, cùng với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), việc triển khai Đề án 1665 một cách hiệu quả sẽ tạo ra nền tảng hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp mang tính bền vững cao hơn.

Bộ trưởng cho biết, thực hiện Đề án 1665, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn và chỉ đạo các cơ sở đào tạo cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại ngày hội.
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại ngày hội.

Cung cấp những kiến thức cơ bản, xây dựng những chương trình đào tạo tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp, cung cấp các kiến thức cần thiết để thế hệ trẻ có thể đối mặt với các vấn đề của thực tiễn một cách tích cực nhất, nhìn thấy trong các khó khăn những cơ hội mang tính thách thức, có niềm tin và động lực để giải quyết khó khăn, mang lại giá trị cho bản thân, cộng đồng và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các trường đại học cần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng trưởng một cách bền vững.

Sau 1 năm triển khai Đề án 1665, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong ngành Giáo dục đã có nhiều chuyển biến tích cực, minh chứng là các sản phẩm, các dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong cả nước mang đến trưng bày thông qua các gian hàng tại ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018 ngày hôm nay rất phong phú, sáng tạo. Đặc biệt là có sự góp mặt của các dự án khởi nghiệp đến từ các bạn học sinh phổ thông ở độ tuổi còn rất trẻ nhưng tinh thần khát khao khởi nghiệp và mong muốn được hiện thực hóa các ý tưởng của mình.

Các đại biểu tham dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia
 Các đại biểu tham dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia

Nuôi dưỡng khát vọng khởi nghiệp

Ngày Hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2018 với sự đồng hành tài trợ của LienVietPostBank, Tập đoàn Egroup, Trung Nguyên Legend và BAC A BANK... là cơ hội để các em học sinh, sinh viên trong cả nước được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ các bạn sinh viên đã có các dự án khởi nghiệp thành công; từ các chuyên gia, diễn giả đến từ các doanh nghiệp, các cơ sở hỗ trợ khởi nghiệp, các trường đại học. Đồng thời cũng là cơ hội để các cơ sở giáo dục trao đổi về kinh nghiệm phát triển các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong nhà trường. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp có thể lựa chọn cho mình những dự án khởi nghiệp có chất lượng tốt, khả thi tại Vòng Chung kết Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp HSSV năm 2018 để đầu tư, hỗ trợ, ươm tạo tiến tới hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị trong tương lai.

Phát biểu tại Ngày hội khởi nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Chúng ta nói nhiều về khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo. Nhiệm vụ đầu tiên của sinh viên là học tập thật tốt. Tu dưỡng để là con người tốt, có ý tưởng, hoài bão để lan tỏa ý tưởng đó ra xã hội.

Theo Phó Thủ tướng, chúng ta không chỉ đặt kỳ vọng vào Đề án 1665 mà Quan trọng khơi dậy cho các em là tinh thần khởi nghiệp, có khát vọng khởi nghiệp.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ phấn khởi phát triển và có tương lai rực rõ như hôm nay nhưng chúng ta vẫn chỉ là nước thu nhập thấp. Chúng ta muốn giàu không thể đợi đất nước khác đến làm giàu cho Việt Nam mà nhất định Việt Nam chúng ta phải tự giàu lên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu tham quan các gian hàng dự án khởi nghiệp của sinh viên
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các đại biểu tham quan các gian hàng dự án khởi nghiệp của sinh viên

Phó Thủ tướng đặt vấn đề, ai có thể chịu trách nhiệm để đất nước thực sự làm giàu lên được, chỉ có thể là tất cả chúng ta, nhưng đầu tiên là tuổi trẻ. Trong đó là những người được Đảng, Nhà nước, nhân dân bố mẹ gia đình tạo điều kiện để được bước vào trường đại học, cao đẳng. Cho nên hơn ai hết là chúng ta. Khi có khát vọng rồi thì cũng sẽ dấn thân vào cho dù là thất bại cũng không sợ.

Vì thế các bạn trẻ phải khởi dậy cho mình khát vọng khởi nghiệp, coi đây là sự đền đáp công ơn của cha mẹ, thầy cô và quê hương đất nước.

Phó Thủ tướng mong muốn các bạn được trang bị kiến thức về khởi nghiệp. Các trường đại học, các thầy giáo cùng khởi nghiệp với sinh viên và thi đua cùng với nhau, để sáng tạo ngay trong công việc giảng dạy của mình để thực hiện tự chủ.

"Với trách nhiệm của mình, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các ban, bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương, các tổ chức hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nhân, các nhà đầu tư - và chỉ đạo các nhà trường tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp của Đề án 1665 nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh, sinh viên được học tập, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp để phát huy tối đa tài năng, năng lực của bản thân tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp có giá trị cho cộng đồng, xã hội" - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...