Theo đánh giá của Ngành thì qua hội thi lần này cho thấy, các tiết dạy bằng giáo án điện tử của các giáo viên đều thể hiện rõ tinh thần đổi mới phương pháp, phát huy tính tích cực học tập của học sinh.
Đặc biệt, sự kết hợp nhịp nhàng giữa phương tiện dạy học máy vi tính với việc khai thác kiến thức trong bài và hướng dẫn học sinh hoạt động. Các tiết dạy đều có tư liệu, giáo án điện tử công phu, giáo viên điều khiển, gắn kết hoạt động của thầy và trò một cách hợp lý.
Bước vào giai đoạn đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, bộ môn Ngữ văn được xem là môn học khá lúng túng trong việc thể hiện phương pháp mới. Đặc biệt, sự kết hợp giữa ứng dụng công nghệ thông tin với việc tổ chức một giờ dạy có sức hấp dẫn, lôi cuốn lại càng có nhiều đòi hỏi hơn về kỹ năng, chuyên môn và nghiệp vụ của các giáo viên. Song, tại hội thi, 34 giáo viên của bộ môn này đều đã tỏ rõ sự nhuần nhuyễn về phương pháp, “già dặn” hơn về kỹ năng, nghiệp vụ và đã đi sâu vào nội dung của bài học. Các giờ dạy đã tập trung hướng vào vận dụng công nghệ thông tin để đổi mới và nâng cao chất lượng của phương pháp dạy học.
Tiết dạy bằng giáo án điện tử của bộ môn Ngữ văn lớp 10 tại Trường THPT Đắk Mil (Đắk Mil) |
Việc chuẩn bị phương tiện và đồ dùng dạy học khi lên lớp của các giáo viên cũng khá công phu, phù hợp với đặc trưng của từng bộ môn. Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của nhiều thí sinh khá linh hoạt và đã ứng dụng một cách hiệu quả vào quá trình giảng dạy của mình.
Các giờ dạy không chỉ là việc trình chiếu những giáo án điện tử khô khan, cứng nhắc mà đã có sự phối hợp rất thành công giữa việc cung cấp thông tin, dữ liệu với việc tổ chức các hoạt động hướng dẫn học sinh tìm kiếm kiến thức. Qua đó cũng cho thấy, việc đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là việc cung cấp hệ thống máy tính, các thiết bị giảng dạy và việc bồi dưỡng trình độ Tin học và Ngoại ngữ cho các giáo viên của các địa phương, các trường học khá chu đáo, đầy đủ.
Một điểm mới nữa trong hội thi là hầu hết các giờ dạy đã thể hiện tốt việc đổi mới đánh giá, kiểm tra theo hướng trắc nghiệm khách quan. Phần thi này thể hiện sự đánh giá toàn diện kiến thức theo các cấp độ: hiểu biết, vận dụng, tư duy sáng tạo, tạo cơ hội cho học sinh tham gia vào quá trình đánh giá và tự đánh giá.
Các giờ dạy cũng đã thể hiện được tinh thần chỉ đạo thống nhất, đồng bộ của Sở Giáo dục & Đào tạo đối với từng bộ môn. Cụ thể như: coi trọng việc đặt vấn đề vào bài giảng ở môn Hoá học; chú ý rèn luyện các kỹ năng vẽ và phân tích biểu đồ, số liệu ở môn Địa lý; giao việc cho học sinh về nhà ở môn Toán, Ngữ văn; tăng cường sử dụng và thực hành tiếng của thầy và trò ở bộ môn Tiếng Anh… Một số giáo viên ở các bộ môn khoa học thực nghiệm như: Vật lý, Hóa học, Sinh học cũng đã tích cực, chủ động trong việc tổ chức giờ học theo hướng hoạt động thực hành, giúp cho học sinh hứng thú và sinh động hơn trong quá trình lĩnh hội kiến thức từ bài giảng.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đã đạt được, hội thi vẫn còn một số hạn chế như: việc phân bổ thời gian trong giờ học của một số giáo viên chưa hợp lý, kiến thức thực tế còn ít. Tính sáng tạo, độc lập trong việc thiết kế giáo án của một số giờ dạy chưa cao, giáo viên còn phụ thuộc nhiều vào phương tiện dạy học, chưa đi sâu được vào nội dung trọng tâm của bài giảng. Một số giờ dạy ở các bộ môn Toán, Vật lý còn vi phạm tính chính xác của bài học.
Việc phối hợp các phương pháp trong giờ dạy, nhất là việc sử dụng các phương pháp mới như: làm việc theo nhóm, cá nhân, đóng vai, tập dượt nghiên cứu… do các giáo viên chưa hiểu rõ từng phương pháp trong việc rèn luyện kỹ năng cho học sinh nên hiệu quả giờ dạy chưa cao. Nhiều giáo viên còn lúng túng trong việc hướng dẫn học sinh phối hợp giữa hoạt động tìm kiếm kiến thức với việc sử dụng hệ thống phiếu học tập, vở bài tập và ghi bài.
Việc sử dụng công nghệ thông tin trong nhiều giờ học còn mang nặng tính hình thức. Một số giờ học chỉ đơn thuần như một buổi “xem” trình diễn giáo án đã soạn trước. Kỹ năng sử dụng máy tính của một số giáo viên chưa thành thạo nên việc ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hoạt động của thầy, trò trong giờ học còn nhiều vướng mắc. Đơn cử như: ở bộ môn Ngữ văn, một số tiết dạy đã đạt được nhiều yêu cầu của giờ dạy nhưng trên thực tế lại chưa phải là giờ dạy có sức lôi cuốn nhất đối với học sinh…
Theo ông Trương Anh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng Ban chỉ đạo hội thi thì những hạn chế trên đã được Hội đồng giám khảo chỉ rõ cho từng thí sinh sau mỗi tiết dạy. Từ đó, các giáo viên có cơ sở để khắc phục những hạn chế và phát huy những lợi thế của mình trong quá trình lên lớp. Đồng thời, Sở cũng sẽ nhanh chóng đề ra các biện pháp chỉ đạo cụ thể để các trường thực hiện tốt hơn trong năm học tới như: tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao trình độ Ngoại ngữ, Tin học và chuyên môn dưới nhiều hình thức cho các giáo viên; hàng năm, tại các trường nên tổ chức hội thi giáo viên giỏi cấp cơ sở để tạo phong trào sâu rộng cho các hoạt động chuyên môn; biểu dương những giáo án điện tử hay, xuất sắc để các đồng nghiệp học hỏi kinh nghiệm…
Bài, ảnh: Lê Dung