Khơi dậy nhiệt huyết trong học trò

GD&TĐ - Cô Khuất Thị Kim Liên - giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (Hà Nội) không chỉ là người trao truyền kiến thức, mà còn đóng vai trò là người ươm mầm, khơi dậy nhiệt huyết trong mỗi học trò.

Cô Liên và học sinh trong giờ học công nghệ
Cô Liên và học sinh trong giờ học công nghệ

Xúc động khi nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo năm 2019, cô Liên cho biết: Trước yêu cầu đổi mới của ngành Giáo dục, tôi luôn nhận thức phải không ngừng thay đổi về chuyên môn, năng lực và phẩm chất để góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong những thành tích của nhà trường và nền giáo dục Thủ đô.

Trong giảng dạy chuyên môn, cô Liên luôn nỗ lực trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, để giờ dạy đạt chất lượng cao, phát huy tốt năng lực chủ động sáng tạo của người học. Với vai trò là cô giáo giảng dạy bộ môn Công nghệ, điều thay đổi đầu tiên cô làm là các tiết học.

Theo cô Liên, môn Công nghệ có lý thuyết khó nên học sinh chưa có hứng thú học. Cô luôn trăn trở tìm tòi phương pháp mới, lồng ghép thực hành vào bài giảng, hướng dẫn học sinh tự làm đồ dùng học tập từ các vật liệu dễ kiếm, an toàn, chi phí ít để tăng hiệu quả cho bài học, đồng thời nhiệt tình hướng dẫn giúp học sinh thực hành sử dụng đồ dùng dạy học tự làm và tham gia tích cực vào các dự án học tập.

Cô Liên nhận giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết sáng tạo lần thứ 3

Ví dụ trong bài Thiết kế và bản vẽ kĩ thuật (Sách Công nghệ lớp 11), cô Liên hướng dẫn học sinh chế tạo hộp đựng đồ dùng học tập bằng nhiều vật liệu khác nhau như bìa cứng, que kem, gỗ lấy từ bàn ghế hỏng ở trường...

Hoặc trong bài Mạch điện xoay chiều ba pha (Sách Công nghệ lớp 12), cô hướng dẫn học sinh thiết kế đồ dùng học tập tự làm bao gồm nguồn và tải ba pha để ứng dụng vào học phần cách nối nguồn điện và tải ba pha, sơ đồ mạch điện ba pha. Từ đó, các em học sinh bắt đầu yêu thích môn học và nhận thức rõ những giá trị tri thức mà môn học mang lại.

Để học sinh yêu thích, hứng thú khi học môn Công nghệ, cô Liên còn ứng dụng tiếng Anh giao tiếp vào trong các yêu cầu đơn giản với học sinh. Vốn tiếng Anh của cô có được qua con đường tự học, theo học các khóa tiếng Anh ngắn ngày. Điều đó không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức môn Công nghệ một cách hứng thú hơn, mà còn giúp các em rèn luyện được kỹ năng nghe, nói, phản xạ bằng tiếng Anh.

Xuất phát từ đặc thù học sinh của trường đầu vào còn thấp, cô luôn chủ động, sáng tạo trong việc vận dụng khoa học giáo dục tiên tiến, vận dụng những sáng kiến kinh nghiệm tiên tiến vào thực tiễn giảng dạy như cùng tổ nhóm chuyên môn thực hiện các hoạt động chuyên đề để tạo nên những thành tích cao trong phong trào “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ