Khơi dậy cho học trò tình yêu quê hương

GD&TĐ - Hơn 11 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Quản Thị Huệ, Trường Hữu Nghị T78 luôn nhiệt huyết và đam mê, tận tụy với học trò dân tộc thiểu số. Với tâm niệm, người thầy không chỉ truyền đạt kiến thức cho học sinh, mà còn phải truyền lửa cho các em có niềm đam mê khám phá tri thức, phát triển bản thân, cô Huệ luôn tìm tòi, đổi mới sáng tạo phương pháp giảng dạy để mang đến những bài học bổ ích. 

 Khơi dậy cho học trò tình yêu quê hương

Nghề giáo thắp lửa đam mê

Sinh năm 1985, trong gia đình không ai theo nghề dạy học nhưng Quản Thị Huệ đến với nghề như một nhân duyên. Năm học lớp 12, Huệ làm hồ sơ thi ĐH nhưng băn khoăn không biết chọn ngành nào. Giữa muôn vàn ước mơ trong cuộc đời, cô lại chọn ngành sư phạm và bén duyên từ đó.

Năm 2008, tốt nghiệp Khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cô về trường Hữu Nghị T78 dạy học. 11 năm gắn bó với trường đã vun đắp cho cô tình yêu nghề và nhiệt huyết đam mê.

Mong ước lớn nhất là dùng chính kiến thức mình được đào tạo để truyền đạt lại cho các thế hệ học trò. Xuất phát từ suy nghĩ đó mà hằng ngày cô miệt mài bên những trang giáo án. Trong các tiết dạy, cô luôn tận tình chỉ bảo học sinh. Bên cạnh đó, cô còn quan tâm đến điều kiện, hoàn cảnh của các em để kịp thời động viên, chia sẻ, khích lệ giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, trở thành người có ích cho xã hội.

Cô Huệ cho biết: Trường Hữu Nghị T78 đào tạo hai đối tượng học sinh: Dạy tiếng Việt cho lưu học sinh Lào và dạy văn hóa trình độ THPT cho học sinh dân tộc thiểu số các tỉnh phía Bắc. Cô được phân công dạy học sinh dân tộc thiểu số. Học sinh của cô hồn nhiên và chân thật, tính cách cũng đa dạng, có ảnh hưởng của dân tộc và vùng miền, cô phải tìm hiểu phong tục để hiểu tính cách của các em.

Thời gian đầu về trường, do nhà xa nên cô ở nội trú ngay trong trường. Đây là khoảng thời gian để lại trong cô nhiều kỷ niệm. Cô nhớ lại: Vào dịp Tết Nguyên đán cách đây khá lâu, có vài bạn học sinh người Mông không về quê. Một số nơi, người Mông ăn Tết theo lịch riêng khác với Tết Nguyên đán, hoặc do nhà quá xa nên học sinh không tiện về, cô đã ở lại trường cùng vui Tết với HS. Được trò chuyện với các em, nhờ đó mà cô cũng hiểu thêm về tính cách, tình cảm của học sinh, nhất là người dân tộc Mông.

Tạo cảm hứng giúp các em khám phá

Không chỉ gần gũi, yêu thương học sinh, cô còn luôn đổi mới sáng tạo trong dạy học. Cô Huệ tham gia nhiều cuộc thi. Những sáng tạo và đổi mới trong dạy và học của cô luôn được đánh giá cao. Trong cuộc thi “Dạy học theo chủ đề tích hợp nhiều môn học”, cô Huệ đoạt giải Nhất cấp quốc gia năm 2017, giải Ba cấp quốc gia năm 2016; Giải Nhất thi giáo viên giỏi cấp trường năm 2010; Giải Ba cuộc thi “Thiết kế đồ dùng dạy học” các trường thuộc huyện Phúc Thọ.

Theo cô Huệ, môn Địa lý trong xu thế chung là môn ít được học sinh lựa chọn theo học và đam mê thật sự. Vì thế, với người giáo viên, không phải là truyền đạt thật nhiều kiến thức mình có cho các em học sinh, mà là phải hướng dẫn phương pháp học, tạo cảm hứng giúp các em khám phá, tìm hiểu điều các em cần và giúp các em tự học tích cực, truyền cho các em ngọn lửa say mê với tri thức. Vì thế, mỗi tiết lên lớp, cô đều cân nhắc phương pháp và lượng kiến thức sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Cô Huệ quan niệm: Đổi mới dạy học, điều quan trọng là hướng tới đối tượng người học. Trong một bài học dạy cho 6 lớp thì thường cũng phải có 6 cách dạy khác nhau. Học sinh của trường là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi, sự phân hóa về khả năng nhận thức rất lớn nhưng các em đều ham học hỏi, ý thức học tập tốt.

Khi hỏi về bí quyết trong việc đổi mới, sáng tạo trong dạy học, cô Huệ cho biết: Bí quyết của cô không có gì quá lớn lao, cô luôn chú ý đơn giản hóa kiến thức SGK và gắn nó với thực tế để học sinh thấy gần gũi, dễ tiếp nhận. Đồng thời, cô luôn đưa vào bài dạy những kiến thức, thông tin mới mẻ, độc đáo hoặc cách nhìn đa chiều để có thể thu hút học sinh.

Luôn khơi dậy tình yêu trong học trò

Đối với môn Địa lý, trong quá trình giảng dạy, cô Huệ thường liên hệ với các vùng miền nơi các em sinh sống. Cô khuyến khích các em chia sẻ cho nhau thông tin, đặc điểm của từng nơi, khơi dậy cho các em tình yêu với quê hương. Đôi khi, cô cũng dùng các ngôn ngữ của tuổi teen để nói chuyện với các em (cô thường gọi là giờ học “chat” với 9x, 10x) để tạo sự thân thiện và hiểu nhau hơn. Cũng có khi cô cho các em đóng 2 vai “thầy – trò” để kích thích các em tự tìm hiểu và khai thác, xử lí thông tin, kiến thức.

Cô quan niệm: “Gieo gì gặt nấy”. Nếu muốn học sinh trưởng thành, biết yêu thương, biết vươn lên và đạt được thành công thì bản thân mỗi thầy cô phải trao cho các em sự yêu thương và niềm tin, cùng với những kiến thức khoa học và kĩ năng của thời đại mới. Lương tâm nghề nghiệp là điều quan trọng nhất với người giáo viên, từ đó người giáo viên tự nhận thức được mình phải luôn tu dưỡng đạo đức và nâng cao chuyên môn để trở thành người thầy tốt.

Với những nỗ lực, phấn đấu, cô Quản Thị Huệ đã đạt nhiều thành tích: Chiến sĩ thi đua cơ sở (4 năm: các năm học 2009 - 2010; 2014 - 2015; 2015 - 2016; 2016 - 2017); Là 1 trong 183 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2018; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (năm 2016 và 2018); Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (năm 2017); Bằng khen của Trung ương Đoàn, thành đoàn Hà Nội...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống TOS-1A hoạt động trong chiến dịch quân sự đặc biệt.

Vệ sĩ đặc biệt của pháo nhiệt áp TOS

GD&TĐ - Theo RIA, những hệ thống pháo nhiệt áp TOS Solntsepyok của Nga sẽ miễn nhiễm với các cuộc tấn công của UAV do được bảo vệ bởi hệ thống EW đặc biệt.