Khóc cùng "vàng trắng"

Khóc cùng "vàng trắng"

(GD&TĐ) - Không dám oán trách thiên nhiên. Bà con Vĩnh Linh chỉ biết chảy nước mắt vào lòng, ngậm đắng nuốt cay khi nhìn thấy hàng trăm tỷ đồng nguồn lợi kiếm từ cao su của người dân các xã Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch, Vĩnh Hòa…

Trong một ngày giông tố những cây cao su đã lũ lượt trở thành một đống củi khổng lồ. Trận bão số 10 vừa qua được bà con  huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) ví như là trận B52 của kẻ thù biến vùng đất này trở thành những nỗi tang thương, không biết đến bao giờ những rừng cao su xóa đói giảm nghèo của “đất lửa Vĩnh Linh” lại được hồi sinh trở lại.

 

Tiền tỷ đi theo bão ra biển

Đứng giữa rừng cao su ngã đổ ông Trần Xuân Lực ở thôn Khe Ba (xã Vĩnh Thạch) chỉ biết nhìn mà ứa nước mắt. Công sức gần 20 năm tạo dựng vườn cao su tiểu điền đang vào độ tuổi thu hoạch trong phút chốc lại trắng tay.

Đang kể chuyện buồn về cây cao su chợt giọng ông Lực “cứng lại”, nước mắt ứa ra ông vừa kể vừa giàn dụa nước mắt: “Hết rồi mấy anh ơi cả 2 ha cao su này là mồ hôi, xương máu của gia đình tui giờ trở thành công cốc cả.

Không ai muốn có bão. Cũng không ai muốn cao su gãy đổ nhưng sự thật đã diễn ra ngoài ý muốn của mình. Nhờ cao su bà con vùng quê chúng tôi nuôi các cháu ăn học và có tiền để mua sắm các vật dụng trong gia đình.

Bây chừ cao su không thu hoạch được lại còn phải tốn tiền mất gần 200 triệu đồng để thuê người đốn hạ và đưa xe múc về san bằng lại". Ông Lực phân tích kỹ. “Cứ 2 ha cao su trừ mọi chi phí mỗi năm bà con cũng bỏ túi trên 100 triệu đồng. Chừ thì thua ông trời rồi”.

Còn bà Trần Nguyên Hạnh (xã Vĩnh Nam) khóc suốt 2 hôm nay, diện tích vườn cao su của bà rộng 3 ha, sáng 2/10 bà Hạnh đi kiểm tra chỉ còn lại 15 cây nguyên vẹn sau bão. “Nợ ngân hàng gần 100 triệu đồng, vốn bỏ ra để đầu tư không biết lấy cái chi để mà trả đây". 

Đặc biệt tại thôn Rào Trường (xã Vĩnh Hà) gần 10 năm trước những đôi vợ chồng còn trẻ tuổi họ tình nguyện cùng nhau lên vùng đất hứa với hy vọng đổi đời bằng cách trồng cây cao su. Ai ngờ “quả ngọt đầu lòng” sắp được chia vui, đùng một cái bão dữ nổi trận lôi đình cuốn mất mấy chục tỷ đồng của làng thanh niên lập nghiệp ra biển.

Nhiều đôi vợ chồng trẻ khi mới lên đây không có  vốn liếng phải đi vay mượn tiền của các chủ nợ để lo phân bón trồng cao su, rồi lo cho con cái ăn học. Tưởng vụ cao su này “trúng mánh” sẽ trang trải được nợ nần ai ngờ... trời phụ công người.

Đến thăm vợ chồng anh Tranh - chị Thuận ở thôn Rào Trường thấy khuôn mặt chị Thuận vẫn chưa hết vẻ thẫn thờ. Anh Tranh bùi ngùi kể: “Cả hai đêm tui không tài nào nhắm mắt được. Mà sao có thể nhắm được anh, tiền của tập trung vào cao su giờ mất trắng rồi.

Cả ngày tui cứ ra đứng thẫn thờ bên cao su mà lòng ứa nước mắt. Anh em lên đây lập nghiệp chừ ai cũng nợ nần đầm đìa. Kể cả cần có xe múc để vào đốn hạ cao su ngã đổ cũng không có tiền thuê nữa huống chi kiếm tiền mô ra mà đầu tư lại”.

Mong muốn của bà con khi tiếp xúc với chúng tôi là ngân hàng gia hạn nợ và cho bà con vay thêm vốn để cải tạo vườn cao su vừa ngã đổ.  

Lời ru buồn bên rừng cao su

 

Qua điều tra chúng tôi chúng tôi được biết tại huyện Vĩnh Linh vào những năm 1997 phong trào trồng cao su tiểu điền phát triển mạnh ở vùng đông Vĩnh Linh. Ở các xã như Vĩnh Thạch, Vĩnh Thành, Vĩnh Thái trung bình mỗi hộ dân ít cũng trồng từ 0,5 - 1 ha, nhiều thì từ 4 - 6 ha.

Khi bắt tay trồng cây này người dân Vĩnh Linh cũng chỉ hi vọng thôi, không ai nghĩ một ngày cây cao su trở thành “nồi cơm” của cả gia đình. Bao nhiêu khoản chi tiêu đều cậy nhờ vào nó. Sau 7 năm cho thu hoạch. Những năm đầu mủ cao su được giá, mỗi ngày cứ đều đều thu vào 800.000 đến 1 triệu đồng. Với người nông dân, số tiền đó là cả một kho vàng.

Chúng tôi khó lòng quên được ánh mắt của anh Xuân cũng như nhiều nông dân khác đang tái dại đi khi đứng giữa vườn cây của mình như anh Trần Văn An ở thôn Hương Nam (xã Vĩnh Kim), anh Nguyễn Trương Trị ở Vĩnh Thành...

Ngược lên các xã Vĩnh Thủy, thị trấn Bến Quan là những địa phương nằm ở phía tây huyện Vĩnh Linh vườn cao su đổ ngã ngổn ngang. Cuồng phong, bão tố quét gần sạch những vườn cao su từ phía đông lên phía tây ở huyện này. 

Theo thống kê, cả huyện Vĩnh Linh bị thiệt hại 4.000 ha cao su, hầu hết đều đã và chuẩn bị cho thu hoạch. Thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Bài - Giám đốc sở NN&PTNT - cho biết: Trồng cây cao su là một cách thức xóa đói giảm nghèo đối những cùng đất đỏ bazan như huyện Vình Linh.

Tuy nhiên, cơn bão số 10 vừa qua đã khiến diện tích cao su tiểu điền đang vào vụ thu hoạch của toàn huyện Vĩnh Linh bị thiệt hại hơn 70%. Đối với những diện tích gãy đổ 20 - 30 % có thể cắt tỉa khôi phục lại được. Còn diện tích thiệt hại trên 70% thì phải làm lại mới.

Nhưng hiện nay bà con rất khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng. Vì vậy mong muốn của lãnh đạo Sở là ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ số tiền mà trước đây bà con bỏ ra để mua phân bón. Tạo điều kiện giúp bà con quy hoạch lại vùng trồng cao su ngắn ngày, trồng xen canh giữa sắn, khoai tía để giúp bà con nông dân sớm có cuộc sống ổn đình để xóa đói giảm nghèo, đồng thời cần hỗ trợ thêm giống giúp bà con sớm khôi phục sản xuất.

 
Tan hoang rừng cao su Vĩnh Linh
Tan hoang rừng cao su Vĩnh Linh
 
 

 Minh Ngọc

>>>Trường học đơn thương độc mã sau bão

>>>Nơi cơn bão tràn qua

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ