(GD&TD)-Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như vậy sau khi nghe các Bộ, ngành báo cáo về việc quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, về dự thảo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Các thành viên Chính phủ đã đưa ra những đánh giá khá toàn diện về thực trạng cấp phép khai thác khoáng sản thời gian qua. |
Theo nhận định của các thành viên Chính phủ, việc cấp phép hoạt động khoáng sản đã góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản. Việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản về cơ bản đã được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tuân thủ quy hoạch khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương. Công tác cấp phép khoáng sản thời gian qua đã đưa nhiều mỏ khai khoáng sản xuất quy mô công nghiệp vào khai thác, kịp thời đáp ứng nguyên liệu cho phát triển một số ngành công nghiệp; việc cấp phép khai thác khoáng sản của các tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, khu vực cũng như của đất nước…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, tình trạng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản còn không ít; còn có việc cấp giấy phép chưa có kết quả thăm dò; hồ sơ giấy phép khai thác khoáng sản chưa đúng quy định… Mặt khác, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với khoáng sản quý hiếm, khoáng sản kim loại, cát sỏi lòng sông còn diễn ra ở một số địa phương, dẫn đến mất an toàn lao động, an ninh trật tự và ảnh hưởng đến môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản sau cấp giấy phép, xử lý vi phạm pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời và kiên quyết dẫn đến hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị, cần có quy hoạch cụ thể hơn về khai thác khoáng sản, tránh tình trạng quy hoạch chung chung; làm rõ hơn trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản của của các cơ quan nhà nước cũng như việc phân cấp rõ ràng trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản; có các đánh giá sâu, xem xét lại vấn đề về quản lý quy hoạch khoáng sản.
Theo đó, trong khai thác khoáng sản phải nhắm đến hiệu quả kinh tế cao nhất, theo đó phải hướng vào chế biến sâu, dứt khoát không xuất khẩu thô. Đi liền với đó là phải tính đến hiệu quả xã hội, tính đến tác động môi trường về trước mắt và lâu dài…
Đi liền với những yêu cầu trên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải tính đến hiệu quả xã hội, tính đến tác động môi trường về trước mắt và lâu dài… cân nhắc, tính toán kỹ xem mỗi dự án khai thác khoáng sản nhà nước được gì, người dân được gì.
Với tinh thần đó, trong Chiến lược và Chương trình hành động cần hết sức lưu ý tới các nội dung liên quan đến xây dựng quy hoạch; điều tra cơ bản về trữ lượng khoáng sản; rà soát bổ sung quy hoạch trong thăm dò, khai thác, chế biến; vấn đề phân cấp trong cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, quy trình cấp phép…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiến hành kiểm tra, rà soát lại các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép, hoặc đang khai thác, dự án nào không đảm bảo các yêu cầu đặt ra, gây bức xúc cho người dân, không đúng quy hoạch… phải dừng lại ngay. Đối với các dự án cấp phép mới phải thực hiện theo quy trình xét duyệt hết sức chặt chẽ, phải nằm trong quy hoạch, phải có dự án khả thi... Xem xét việc rà soát lại thuế xuất khẩu tài nguyên cho phù hợp, kiểm soát tối việc xuất khẩu khoáng sản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu ban hành hoặc trình Chính phủ ban hành các văn bản pháp lý để thực hiện tốt Luật Khoáng sản.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với hoạt động khai thác một số khoáng sản như than, sắt, titan, chì, kẽm, mangan, đồng, vàng, đất hiếm… trong đó có việc chỉ đạo việc không xuất khẩu hoặc ngừng xuất khẩu đối với một số khoáng sản cụ thể.
Theo Báo cáo của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và Xây dựng thì việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản về cơ bản đã được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, tuân thủ quy hoạch khoáng sản.
Nhiều mỏ khai khoáng sản xuất quy mô công nghiệp đã kịp thời đáp ứng nguyên liệu cho phát triển một số ngành công nghiệp; việc cấp phép khai thác khoáng sản của các tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng về khoáng sản làm vật liệu xây dựng cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, khu vực cũng như của đất nước…
Bên cạnh những mặt đạt được, tình trạng thăm dò, khai thác khoáng sản chưa tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản còn không ít, dẫn đến mất an toàn lao động, an ninh trật tự và ảnh hưởng đến môi trường; công tác thanh tra, kiểm tra sau khi cấp giấy phép, xử lý vi phạm pháp luật chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời và kiên quyết …
Thảo luận về báo cáo về việc quản lý hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, về dự thảo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, quy hoạch khai thác khoáng sản cần cụ thể hơn; làm rõ hơn trách nhiệm quản lý tài nguyên khoáng sản của các cơ quan nhà nước cũng như việc phân cấp trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, một dự án khai thác khoáng sản phải tính đến hiệu quả tổng thể về kinh tế-xã hội. Trước khi cấp phép một dự án khai thác khoáng sản phải tính toán đến hết các tác động của dự án đối với kinh tế-xã hội, trong đó có tác động đến môi trường, hệ thống cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng về giao thông, vấn đề tệ nạn xã hội phát sinh …Hạn chế tối đa việc xuất khẩu khoáng sản chưa được chế biến sâu; nên cấm việc tận thu khoáng sản bởi trên thực tế, rất nhiều dự án tận thu khoáng sản đã phá vỡ hệ thống cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, đời sống cư dân…
Xuân Hương