Khoa Tuyên truyền dạy online, cùng sinh viên “vượt dịch”

Khoa Tuyên truyền dạy online, cùng sinh viên “vượt dịch”

Thầm lặng trong mùa dịch

Trong bối cảnh ngành giáo dục cho học sinh, sinh viên tạm nghỉ để phòng tránh sự lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19) gây ra, thì việc triển khai học online đang phát huy được những hiệu quả nhất định…

TS. Lương Ngọc Vĩnh, Trưởng khoa Tuyên truyền - Học viện Báo chí & Tuyên truyền (BC&TT) người đi đầu phong trào giảng dạy trực tuyến của Khoa, cũng như tạo động lực cho các giảng viên khác trong khoa thực hiện. TS. Vĩnh cho biết, ngay từ những ngày đầu nghỉ chống dịch Covid-19, Khoa đã trăn trở về vấn đề kiến thức của sinh viên sẽ bị mai một sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán và tiếp theo là những ngày nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.

“Học online sẽ là phương án phát huy được hiệu quả nhất định trong mùa dịch. Nhưng việc giáo viên làm quen với phương pháp dạy học online cũng sẽ không ít bỡ ngỡ. Khoa đã đề nghị các thầy cô đọc nhiều phần mềm khác nhau: Zoom, Microsoft Team, Office 365… hay vào Youtube để được hướng dẫn dạy học online…”, TS. Lương Ngọc Vĩnh chia sẻ.

TS. Lương Ngọc Vĩnh cũng cho biết, các giảng viên của khoa đã rất tích cực trong việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin. Bắt tay vào thực hiện, soạn bài giảng online, Khoa đọc được trăn trở, lo lắng của những giáo viên lớn tuổi nên đã động viên tinh thần và hỗ trợ thầy cô trong việc tiếp cận với những phần mềm dạy trực tuyến. 

"Chính từ các thầy cô lớn tuổi, đã nghỉ quản lý sau khi được  hướng dẫn các phần mềm giảng dạy lại đi đầu trong dạy học trực tuyến của khoa như: PGS, TS Phạm Huy Kỳ; PGS, TS Hoàng Quốc Bảo; PGS, TS Đoàn Thị Minh Oanh; TS. Nguyễn Thị Hồng…”, TS. Lương Ngọc Vĩnh nói.

Khi được hỏi về việc tiếp cận phương thức giảng dạy mới cũng như hiệu quả các giờ học, nhiều giảng viên trong Khoa chia sẻ, trước khi dạy, nhiều thầy cô còn lưỡng lự vì ngại CNTT. Nhưng khi bắt tay vào làm việc lại thấy thích thú vì tiện ích và thuận lợi trong hoàn cảnh hiện nay. Việc chia sẻ tài liệu học tập của cô và trò diễn ra nhanh chóng nhờ công nghệ. Thời gian linh hoạt và không gây áp lực lên giao thông đô thị.

PGS,TS Đoàn Thị Minh Oanh - nguyên Phó Trưởng khoa Tuyên truyền đánh giá, phương thức dạy học mới là online là giải pháp tốt trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp.

“Những điều kiện phương tiện CNTT là khá thuận lợi cho việc vận hành phương pháp dạy học này. Đối với các thầy cô lớn tuổi thực sự cũng là khó khăn, nhưng với quyết tâm thực nhiệm vụ lại được sự hỗ trợ của đồng nghiệp.

Những thao tác về giảng dạy, phần mềm Zoom hoặc Office 365 dần dần thành thạo. Nhiều thầy cô có kỹ năng CNTT còn làm các video để hướng dẫn các thầy cô khác thực hiện…”, PGS,TS Đoàn Thị Minh Oanh nói và cho biết, đến nay các giảng viên trong Khoa đều sử dụng tốt phần mềm giảng dạy, nhưng chưa thể khai thác được hết các chức năng.

Nói về công tác quản lý sinh viên tại các lớp học online PGS,TS Đoàn Thị Minh Oanh cho biết, Khoa có những quy định mang tính kỹ thuật để xác định sinh viên có hiện diện và theo dõi không gián đoạn bài giảng của thầy cô như: kiểm soát sĩ số các lớp thông qua phần mềm của Office 365 hoặc kiểm tra trực tiếp gọi hiện thị mặt các em học viên, sinh viên hiện diện.

“Khi gọi đột xuất các em phải bật nút camera để hiển thị và tương tác với thầy cô. Trong quá trình dạy, giảng viên cần đặt nhiều câu hỏi hơn và gọi bất cứ em nào trả lời câu hỏi. Có thể là câu hỏi mở hoặc đóng, đặc biệt xây dựng bài giảng phong phú để tạo hứng khởi cho sinh viên…”, PGS,TS Đoàn Thị Minh Oanh nhấn mạnh.

Theo PGS,TS Đoàn Thị Minh Oanh, việc dạy học online thực sự là một sự cú hích quan trọng để ngành giáo dục sẽ áp dụng CNTT vào giảng dạy nhiều hơn. 

Giảng dạy online nó cũng cho phép những thầy cô sử dụng CNTT tốt sẽ khai thác được nhiều hơn dữ liệu bài giảng xã hội thông qua các video trong mạng phục vụ cho bài giảng. 

"Đây là cơ hội kích hoạt trong việc sử dụng CNTT trong hệ thống nhà trường, có rồi nhưng chưa mang tính bắt buộc nên sức ỳ còn lớn tạo sự chuyển động...", PGS,TS Đoàn Thị Minh Oanh nói.

Gợi mở  và thích thú

Việc áp dụng phương pháp học trực tuyến không chỉ mới lạ với giảng viên mà hầu hết sinh viên Học viện BC&TT nói chung và sinh viên Khoa Tuyên truyền nói riêng, cũng có nhiều bỡ ngỡ. Song nhiều sinh viên cũng bày tỏ sự hứng thú cũng như phản hồi tích cực đối với phương pháp học này.

Khoa Tuyên truyền dạy online, cùng sinh viên “vượt dịch” ảnh 1
Tương tác giữa thầy trò trong giờ giảng bài trực tuyến của Khoa Tuyên truyền.

Tương tác trên trang fanpage của Khoa, nhiều sinh viên bày tỏ, học trực tuyến khá thú vị và dễ hiểu. Các bạn có thể ghi hình lại bài giảng, phát biểu ý kiến và trao đổi dễ dàng với giảng viên. Sinh viên có thể tiếp thu kiến thức giống học trực tiếp trên lớp, cách thức giảng dạy của thầy cô dễ hiểu và hiệu quả, kiến thức được trình chiếu lên slide rất đầy đủ và chi tiết.

Kiến thức của các môn lý luận có thể khá trừu tượng. Nhưng thông qua việc học online, có lẽ các giờ học một phần nào đó bớt đi sự căng thẳng và các bạn sinh viên cũng tiếp thu bài chủ động hơn.

Một sinh viên K38 của Khoa Tuyên truyền bày tỏ: “Học môn “Giao lưu tiếp biến văn hóa” của cô Hồng (TS.Nguyễn Thị Hồng - nguyên Phó Trưởng khoa Tuyên truyền - PV) khiến mình vô cùng ấn tượng. Cách dạy của cô thật sự thu hút được những đứa sinh viên như mình. Đúng theo cách học tín chỉ, cô thường cho bọn mình thuyết trình, nói nhiều hơn để cô sửa, cả khi học online cũng vậy. Cô Hồng rất vui vẻ gợi mở cho các nhóm các vấn đề về văn hóa các nước để có thể nhớ lâu hơn và học được nhiều hơn trong mỗi bài…”.

Một sinh viên K37 của Khoa Tuyên truyền thì bày tỏ, cách dạy online cũng không làm khó cô giáo khi những câu hỏi điểm danh đầu giờ và cuối giờ học rất lạ.

“Mới đây, cô giáo cho lớp mình điểm danh bằng cách hát một câu có chứa từ “nắng” để truyền thông về “Giờ Trái đất” và dẫn dắt chúng mình vào bài học mới của môn “Lý thuyết truyền thông và vận động”. 

Bản thân mình thấy cách dạy của thầy cô rất vui vẻ, đem lại cho sinh viên hứng thú và tâm trạng nhẹ nhàng mỗi khi bắt đầu một buổi học…”, bạn sinh viên trên chia sẻ.

Việc giáo án học online được hỗ trợ rất nhiều khi cả cô và trò đều triển khai trên nền tảng Internet tốc độ cao. Điều này khác biệt đáng kể so với học trực tiếp trên trường. Tuy nhiên, đây chỉ phương án tối ưu trong mùa dịch Covid-19, bởi đặc thù ngành nghề nên khi dạy học online chắc chắn sẽ còn hạn chế trực quan.

“Sau khi dạy, tôi cảm thấy đây cũng là một cách học phù hợp nhất trong thời điểm sinh viên phải nghỉ học do dịch bệnh. Tuy nhiên, nó không thể thay thế được vị trí của người thầy trên bục giảng...”, - TS. Lương Ngọc Vĩnh nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.