Trường ĐH Trà Vinh nghiên cứu thành công tôm sú sạch bệnh

GD&TĐ - Đề tài “Nghiên cứu tạo ra nguồn tôm sú bố mẹ sạch bệnh phục vụ cho các trại sản xuất giống ở tỉnh Trà Vinh” do TS Huỳnh Thị Kim Hường - Phó Trưởng khoa Thủy sản (Trường ĐH Trà Vinh) phụ trách chính cùng 1 số cán bộ, giảng viên của khoa.

Người dân Trà Vinh thả nuôi tôm sú sạch bệnh
Người dân Trà Vinh thả nuôi tôm sú sạch bệnh

Theo bà Thạch Thị Dân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh: Thành công của đề tài sẽ góp phần rất lớn cho nhu cầu giống tôm cho nông dân để hướng đến phát triển bền vững không chỉ cho cả vùng ĐBSCL mà còn trên cả nước.

Kết quả thực hiện, thời gian nuôi tôm post thành tôm bố mẹ là 13 tháng, tôm cái đạt kích cỡ trung bình >150 g còn tôm đực kích cỡ trung bình >100 g. Đồng thời, bước đầu cho sinh sản từ 300.000 - 400.000 ấu trùng ở tôm mẹ, tỉ lệ nở của trứng từ 79 - 82%. Cùng với đó, theo kết luận của Chi cục Thú y vùng VI (Cục Thú Y) chất lượng tôm post sạch các bệnh như: gây teo gan tụy, đầu vàng, còi, hoại tử gan tụy cấp…

Trà Vinh là tỉnh có diện tích nuôi tôm sú lớn với hơn 17.000 ha, trong khi lượng giống  chỉ đáp ứng khoảng 60%, số còn lại phải nhập từ ngoài tỉnh. Theo bà Thạch Thị Dân - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh: Năm 2016 diện tích thả tôm sú của tỉnh Trà Vinh là 17.834 ha, nhu cầu giống là 1,78 tỷ con. Trong khi số trại giống trong tỉnh chỉ 83 cơ sở, đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của tỉnh, số còn lại phải nhập từ ngoài tỉnh.

Theo kế hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 diện tích nuôi tôm nước lợ tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 là 25.788,4 ha, tầm nhìn đến năm 2030 là 28.160 ha thì nhu cầu ước tính giống đến 2020 khoảng 11 tỷ con tôm sú và tôm thẻ.

Đề tài “Nghiên cứu tạo ra nguồn tôm sú bố mẹ sạch bệnh phục vụ cho các trại sản xuất giống ở tỉnh Trà Vinh” do trường ĐH Trà Vinh nghiên cứu thành công góp phần rất lớn cho nhu cầu giống tôm cho nông dân để hướng đến phát triển bền vững không chỉ cho cả vùng ĐBSCL mà còn trên cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ