Thúc đẩy bình đẳng giới trong kỷ nguyên số và hội nhập

GD&TĐ - Đó là chủ đề Diễn đàn đa phương, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Hà Nội sáng 18/7. Diễn đàn có sự tham gia của trên 300 đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, trường đại học, các địa phương, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các chuyên gia, các nhà khoa học.

Các đại biểu tại Diễn đàn
Các đại biểu tại Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, bình đẳng giới là một mục tiêu quan trọng cần hướng đến không chỉ ở Việt Nam mà là của tất cả các quốc gia trên thế giới, là một trong những tiêu chí đánh giá sự phát triển của xã hội.

Hòa với xu thế chung của thời đại, trong những năm qua, hệ thống pháp luật và chính sách của Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới đã không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ. Nhiều chiến lược, kế hoạch, chương trình, đề án liên quan đến bình đẳng giới được ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Luật Bình đẳng giới ra đời năm 2006 đánh dấu một giai đoạn mới thay đổi về chất trong thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Các chính sách khác về giảm nghèo, hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm... đều chỉ rõ những ưu tiên các đối tượng thụ hưởng là nữ. Nhờ các kết quả đó, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia xoá bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua…

Đồng tình với báo cáo của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, TS Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội - cho biết thêm: Hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khoá XIII đạt 24,4%, đưa Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới. Đặc biệt, về GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực, Việt Nam đã đạt được những thành tựu như khoảng cách giới trong lĩnh vực này gần như được xoá bỏ khi không có sự chênh lệch giữa trẻ em trai và trẻ em gái, phụ nữ và nam giới tham gia hệ thống GD-ĐT. Thậm chí ở cấp THCS, THPT và ĐH, tỷ lệ nữ giới nhập học còn cao hơn nam giới…

Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ ra rằng Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức về bình đẳng giới. Vai trò của phụ nữ trong xã hội dù đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, phụ nữ còn gặp phải những vấn đề khác như bạo lực gia đình, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục…

Theo các đại biểu, một trong những nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng giới hiện nay được xác định là những định kiến về giá trị và cách suy nghĩ truyền thống của xã hội về cách ứng xử và vai trò của nam giới và phụ nữ. Những suy nghĩ, định kiến này đang cản trở những tiềm năng phát triển của cả nam giới và phụ nữ.

Sau khi lắng nghe các ý kiến tham luận của đại biểu, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà kết luận: Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách, chương trình hành động, các biện pháp tuyên truyền giáo dục, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý sản xuất thì điều quan trọng hơn là tất cả mọi người, cả nam và nữ đều cần tự giác thay đổi quan niệm về phân biệt đối xử, nữ giới phải nâng cao trình độ, sự hiểu biết để vừa tự bảo vệ, vừa tích cực tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ