Thách thức về bảo đảm nguồn nước

GD&TĐ - Bảo đảm việc tiếp cận nước sạch và cải thiện điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người, trong bối cảnh lượng nước sinh ra ở phần lãnh thổ Việt Nam chỉ chiếm khoảng 37% (310 - 315 tỉ m3/năm), còn lại là xuất phát từ bên ngoài lãnh thổ, khó hay dễ?

Nhà máy nước mặt sông Đuống, công trình trọng điểm của Hà Nội	Ảnh nguồn Internet
Nhà máy nước mặt sông Đuống, công trình trọng điểm của Hà Nội Ảnh nguồn Internet

Đối mặt với thách thức

Theo Bộ TN&MT, hiện trạng sử dụng nước hiện nay trên toàn thế giới, khoảng 1,9 tỉ người sống trong các khu vực khan hiếm nước; 2,1 tỉ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. Dự kiến, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng khoảng 2 tỉ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể lên tới 30% so với hiện nay.

Còn Liên Hợp quốc chỉ ra rằng: Nông nghiệp hiện sử dụng khoảng 70% lượng nước toàn cầu, chủ yếu là để tưới tiêu. Con số này sẽ tăng lên ở các vùng có áp lực nước cao và mật độ dân số cao. Ngành công nghiệp chiếm 20% tổng nhu cầu sử dụng nước, chủ yếu là dùng trong ngành công nghiệp năng lượng và sản xuất. 10% còn lại sử dụng cho sinh hoạt. Tỉ lệ sử dụng nước uống chỉ nhỏ hơn 1%. Trên toàn cầu, ước tính trên 80% lượng nước thải xả ra môi trường tự nhiên mà không được xử lý hoặc không được tái sử dụng. Thống kê cũng cho thấy, hiện có 663 triệu người chưa được tiếp cận với các nguồn nước uống hợp vệ sinh.

GS. TS Trần Hiếu Nhuệ, Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ môi trường cho biết: “Ở Việt Nam, mọi người cứ tưởng là nguồn nước rất dồi dào nhưng thực tế là có hạn. Tác động của đô thị hóa, công nghiệp hóa đã làm nảy sinh các chất thải đi qua các khu đô thị và công nghiệp.

Tuy nhiên, về phía Nhà nước, kể cả các chủ gây ô nhiễm ở các khu công nghiệp cũng đã cố gắng đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên cũng kiềm chế được một phần ô nhiễm môi trường nước. Song, mức độ ô nhiễm nói chung, nguồn nước đi qua đô thị và công nghiệp đã bị ô nhiễm, vượt quá chỉ số cho phép chất lượng nước mặt. Đây là một thách thức đối với nguồn nước Việt Nam trong việc cung cấp nước cho dân sinh, nhất là dân số Việt Nam sắp đạt ngưỡng 100 triệu người”.

Thời gian qua, tại Việt Nam công tác điều tra tài nguyên nước mặt, nước ngầm được chú trọng và tăng cường. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT phối hợp với các bộ ngành liên quan cùng các địa phương tập trung điều tra, đánh giá, tìm kiếm nguồn nước phục vụ chống hạn cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng khan hiếm nước, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, nhiệm vụ quy hoạch tài nguyên nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Việc tổ chức thực hiện các quy hoạch tài nguyên nước giai đoạn 2020 - 2030 trên địa bàn hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Kiểm soát, quản lý chặt chẽ quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm việc điều tiết khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, thông minh các nguồn nước phục vụ đa mục tiêu, đáp ứng cho sản xuất, giảm lũ và phát điện.

Đâu là giải pháp?

Việc thiếu nước sạch có tác động bất lợi đến các nhóm cộng đồng nghèo dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người thiểu số, người khuyết tật... Đôi khi họ còn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong khi họ cố gắng tiếp cận đến nguồn nước bảo đảm an toàn.

Trữ lượng nước bao gồm có nước mặt và nước ngầm. Nước mặt của Việt Nam hiện đã dưới mức 40 khối/người/năm. Mà dân số ngày càng tăng lên, ô nhiễm ngày càng nặng. Đây là những thách thức lớn. Nguồn nước ngầm cũng có hạn và ngày càng cạn kiệt. Nhiều nhà máy cung cấp nước sạch ở Hà Nội trong vòng 3 - 4 năm qua đã phải chuyển hướng từ sử dụng nước ngầm sang nước mặt - lấy nước từ nguồn nước sông Đà.

“Theo tôi, muốn bảo vệ nguồn nước ở Việt Nam cần tập trung một số giải pháp sau: Thứ nhất, cần tái sử dụng nước thải sinh hoạt, xử lý để chuyển hóa, giảm bớt lãng phí và sức ép về nguồn nước cho dân sinh. Thứ hai, phải sử dụng các công nghệ tiên tiến, tái sử dụng nước thải. Thứ ba, phải tận dụng nguồn nước mưa. Lượng nước mưa ở nước ta mùa mưa rất nhiều, thường gây ra ngập lụt, vì thế theo tôi, chúng ta cần trữ được lượng nước mưa đó.

Ở Nhật và các nước tiên tiến đã đào các bể ngầm chứa hàng triệu m3 nước mưa để trữ nước cho mùa khô, mùa thiếu nước. Nước mưa đó sử dụng hệ thống ngầm trong lòng đất, còn bề mặt đất người ta vẫn có thể canh tác bình thường. Ngoài ra, cần có quy chuẩn, yêu cầu đối với các hộ dân, nhất là dân đô thị lớn phải có bể nước mưa đủ dùng cho mùa hè, mùa khô của các gia đình. Nước mưa phải được xử lý để tránh ô nhiễm. Có thể bỏ đợt đầu cơn mưa tầm 5 - 7 phút để tránh trữ nước mưa axit, sử dụng qua hệ thống lọc. Ở TPHCM đã có thử nghiệm xây bể ngầm chứa được vài ba nghìn m3 nước mưa cách đây mấy năm, cơ bản là tốt”, GS Trần Hiếu Nhuệ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ