Tăng cường các hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và nguồn nhân lực dinh dưỡng

GD&TĐ - Ngày 27/11, Trường ĐH Đông Á, Viện Dinh dưỡng quốc gia và Tập đoàn Ajinomoto phối hợp tổ chức Hội thảo “Tăng cường các hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và nguồn nhân lực dinh dưỡng”.

Hội thảo “Tăng cường các hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và nguồn nhân lực dinh dưỡng”.
Hội thảo “Tăng cường các hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và nguồn nhân lực dinh dưỡng”.

Đây là hội thảo khoa học lần thứ 6 trong khuôn khổ Dự án Phát triển Hệ thống Dinh dưỡng Việt Nam (VINEP) được tổ chức từ năm 2011 đến nay, hướng tới đóng góp vào việc cải thiện sức khỏe cho toàn bộ người dân Việt Nam thông qua việc thiết lập một hệ thống dinh dưỡng quốc gia.

Đồng thời, thúc đẩy các hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và phát triển nguồn nhân lực dinh dưỡng, nâng cao chất lượng hoạt động dinh dưỡng lâm sàng trong các bệnh viện, từ đó tăng hiệu quả điều trị đồng thời cắt giảm chi phí điều trị cho người bệnh. Đây cũng là nền móng vững chắc cho hệ thống dinh dưỡng Việt Nam, từ đó góp phần cải thiện dinh dưỡng và sức khỏe cho người dân.

Hội thảo lần này tập trung trao đổi, bàn luận các nội dung co bản như: dinh dưỡng và thực phẩm; kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thiết lập hệ thống dinh dưỡng, phát triển đào tạo dinh dưỡng và nâng cao chất lượng thực hành dinh dưỡng trong bệnh viện; hoạt động dinh dưỡng lâm sàng tại Đà Nẵng và nhu cầu nguồn nhân lực dinh dưỡng,...

Chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thiết lập hệ thống dinh dưỡng, phát triển đào tạo dinh dưỡng và nâng cao chất lượng thực hành dinh dưỡng trong bệnh viện, GS. Yasuhiro Kido – Giám đốc đào tạo và NCKH, Hội dinh dưỡng Nhật Bản cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu tại Nhật Bản là ung thư (30%), bệnh tim mạch (16%), đột quỵ (10%).

Tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở Nhật Bản là cao nhất tính đến năm 1980. Việc áp dụng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng washoku đã giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và đóng góp trong việc đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới. Đặc biệt, chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng trong bữa cơm trưa học đường còn giúp giảm tỉ lệ béo phì ở trẻ em Nhật.

Từ năm 1980 đến nay, tỉ lệ béo phì trẻ em Nhật tăng rất ít, từ 2% lên 3,4% trong khi tại Mỹ, Anh, tỉ lệ béo phì trong 40 năm trở lại đây tăng từ 15% lên 33% (ở Mỹ) và từ 7% lên 25% (ở Anh).

Dựa trên kết quả nghiên cứu và thực hành dinh dưỡng lâm sàng đối với bệnh nhân tiểu đường và không tiểu đường, GS. Saeko Imai – Khoa Dinh dưỡng và thực phẩm, ĐH Phụ nữ Kyoto, Nhật Bản chỉ ra rằng, các phương pháp can thiệp an toàn và hiệu quả, đặc biệt là chế độ ăn, là cần thiết để giảm sự biến đổi đường máu và giảm thiểu biến cố hạ đường huyết đồng thời cải thiện đường huyết trung bình.

Nhiều bệnh nhân đái tháo đường vẫn còn kiểm soát đường huyết chưa tốt, chủ yếu là do kém tuân thủ chế độ ăn uống. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc ăn bữa tối muộn dẫn đến chứng tăng đường huyết sau bữa ăn, thay vào đó nên duy trì ăn một bữa ăn tối được chia nhỏ có thể là một phương pháp thực tế để ngăn chặn các dao động đường huyết lớn trong đêm ở bệnh nhân tiểu đường tuýp 2.

Dẫn ra các dữ liệu thực tế tại Đà Nẵng như tỉ lệ người lớn ≥ 45 tuổi phát hiện đái tháo đường trong các đợt khám sàng lọc hàng năm đã tăng từ 9,9% năm 2010 lên 10,9% năm 2017, tỉ lệ thừa cân – béo phì ở học sinh tiểu học quận Hải Châu – TP. Đà Nẵng đã tăng từ 11,7% năm 2007 lên 23,4% năm 2015, BS. Ngô Văn Quang – Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Sở Y tế Đà Nẵng nhìn nhận: Ngành y tế vẫn chưa đầu tư xứng đáng cho chăm sóc dinh dưỡng.

Hiện nhân lực dinh dưỡng được đào tạo bài bản tại bệnh viện tuyến quận, huyện Đà Nẵng đang thiếu trầm trọng, bệnh viện tuyến thành phố cũng cần bổ sung đội ngũ bác sĩ, cử nhân được đào tạo chuyên về dinh dưỡng và tiết chế.

“Trước yêu cầu thực tế tại Việt Nam và xu hướng chung trên thế giới, việc đào tạo cử nhân dinh dưỡng trở nên cấp thiết. Đồng thời, xác định không chỉ là một trong những yếu tố tiên quyết để bảo đảm sức khỏe cho người bệnh trong quá trình điều trị thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp, làm tăng hiệu lực của các phương pháp điều trị khác, giảm tái phát, ngăn ngừa tiến triển của bệnh, rút ngắn thời gian điều trị và giảm chi phí chữa bệnh,... mà dinh dưỡng lâm sàng còn được xem là y học phòng bệnh, góp phần tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân nên vai trò đội ngũ nhân lực dinh dưỡng càng trở nên quan trọng trong hệ thống dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng”, TS.BS Vũ Thị Bắc Hà – chuyên khoa Dinh dưỡng chia sẻ.

Dịp này, Trường ĐH Đông Á giới thiệu đào tạo từ năm 2018 ngành đào tạo dinh dưỡng trình độ cử nhân đại học chính quy theo quyết định của Bộ GD&ĐT. Chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực dinh dưỡng chất lượng cho các cơ sở y tế, trường học,... tại Việt Nam, mà trọng tâm là khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đối tượng Nguyễn Minh Trường thời điểm bị bắt giữ và tang vật.

Triệt phá 'lô cốt' ma túy

GD&TĐ - “Bà trùm” chia nhỏ ma túy, giao cho “chân rết” là những “quái xế” vận chuyển bằng xe máy với tốc độ cao nhằm hạn chế giám sát của lực lượng chức năng.